Mỹ tuyên bố sẽ ở lại Syria đến khi đánh bại hoàn toàn IS
VOV.VN - Trở lại với vấn đề rút quân khỏi Syria, Mỹ tuyên bố sẽ ở lại đây cho đến khi đánh bại IS hoàn toàn.
"Điều này nghĩa là chúng tôi không vội để rút quân", Đại sứ Jim Jeffrey, đặc phái viên của Mỹ mới được bổ nhiệm khẳng định rằng việc đảm bảo để IS hoặc các nhóm khủng bố khác không thể quay trở lại Syria sẽ cần thêm thời gian.
Mỹ tuyên bố sẽ ở lại Syria đến khi đánh bại hoàn toàn IS. Ảnh: AFP |
Ông Jeffrey – người từng là Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ đang "thay đổi lập trường" khi vẫn duy trì sự hiện diện tại Syria và thúc đẩy các hoạt động để toàn bộ lực lượng Iran phải rút khỏi lãnh thổ quốc gia này.
Mặc dù Tổng thống Donald Trump trước đó đã thể hiện mong muốn sẽ rút quân khỏi Syria nhưng ông Jeffrey cho biết Tổng thống cũng "đang tham gia" vào hướng đi mới này.
Ông Jeffrey nhận định với báo giới rằng lực lượng quân sự Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công tổng lực vào tỉnh Idlib của Syria - thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy. Ông Trump và những quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống đang lo ngại về cuộc tấn công sắp tới của chính phủ Syria đồng thời cảnh báo chính quyền Tổng thống Assad và lực lượng ủng hộ của Nga và Iran không được sử dụng vũ khí hóa học hay mạo hiểm mạng sống của dân thường.
Ông Jeffrey - người vừa trở về từ chuyến thăm Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi tình hình ở Idlib là "rất nguy hiểm" cũng như cảnh báo Syria và Nga về cuộc tấn công này.
"Với chúng tôi, bất kỳ cuộc tấn công nào cũng đều có thể làm leo thang căng thẳng", ông cho biết và khẳng định thêm rằng "có nhiều bằng chứng cho thấy các vũ khí hóa học đang được chuẩn bị".
Ngày 5/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo chính phủ Syria rằng "thế giới đang quan sát" tình hình ở Idlib và thể hiện sự lo ngại về số phận 3 triệu dân thường sống ở đây. Tuyên bố này của ông Trump đã gợi nhắc lại lời cảnh báo trước đây của Mỹ về các hoạt động quân sự của Syria và việc Mỹ trước đây từng tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của Syria sau cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học (4/2017).
Ngày 6/9, Mỹ áp các lệnh trừng phạt lên một số công ty có liên quan đến chính quyền Tổng thống Assad. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã tuyên bố: "hàng triệu người dân vô tội ở tỉnh Idlib hiện đang phải chịu sự đe dọa trong cuộc tấn công sắp tới của chính quyền ông Assad được Nga và Iran hậu thuẫn".
Ước tính khoảng 15% - 20% trong số 60.000 - 70.000 quân nổi dậy ở Idlib bị coi là những kẻ khủng bố và ông Jeffrey khẳng định Mỹ "liên tục yêu cầu sự cho phép" từ phía Nga để tiêu diệt khu vực của những kẻ khủng bố nhằm tránh một cuộc tấn công trên quy mô lớn. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm kiếm giải pháp ngăn chặn một cuộc tấn công trên quy mô lớn tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa 3 nhà lãnh đạo Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ được lên kế hoạch tổ chức ngày 7/9 này tại Tehran.
Với chiến dịch chống IS đang dần đi đến hồi kết và nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad đã loại trừ được phần lớn phe đối lập, ông Jeffrey cho rằng đã đến lúc bắt đầu một "cuộc tấn công ngoại giao lớn" tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối tháng 9. Ông cũng khẳng định mục tiêu của việc này là để tạo ra một giải pháp chính trị cho Syria nhằm chấm dứt chiến tranh và ngăn chặn IS hoặc các nhóm cực đoan khác quay trở lại. Ông Jeffrey cho rằng Tổng thống Assad "không có tương lai để thành người lãnh đạo" Syria nhưng cũng khẳng định lật đổ ông Assad không phải là việc của Washington.
Đại sứ Jeffrey cho biết hướng tiếp cận mới của Mỹ hoài nghi Nga nhiều hơn trong bối cảnh "chủ nghĩa hoài nghi đang gia tăng" về việc Moscow sẽ sẵn sàng hỗ trợ Mỹ trong mục tiêu buộc tất cả lực lượng Iran phải rút quân khỏi lãnh thổ Syria".
"Kết quả của việc này là chúng tôi sẽ thay đổi quan điểm cũng như dùng tất cả công cụ để chứng minh rằng Mỹ sẽ có cách để đạt được các mục tiêu của mình và ít tin vào thiện chí của Nga hơn", ông Jeffrey cho biết./.
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran thảo luận về trận tử chiến Idlib, Syria
Mỹ tố lực lượng chính phủ Syria sắp sử dụng vũ khí hóa học tại Idlib