“Cơn sóng ngầm” sau sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine
VOV.VN - Bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ vào thời điểm tròn 1 năm xung đột Nga – Ukraine, cũng như chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Biden tới Kiev, hiện vẫn chưa có gì chắc chắn sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine sẽ không dao động.
Cuối tuần trước đánh dấu tròn 1 năm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Giới quan sát cho rằng ngày 24/2/2022 là một dấu mốc quan trọng khi đây là ngày bắt đầu cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945 với những cuộc giao tranh dọc tiền tuyến trải dài 965 km đã thay đổi mãi mãi địa chính trị trên châu lục này.
Hiện nay, giữa bối cảnh cuộc xung đột bước sang năm thứ hai, những cuộc thảo luận ngày càng nóng lên về cách thức nó sẽ kết thúc. Tổng thống Biden và các nước NATO đã khẳng định sẽ ủng hộ cho Kiev “lâu nhất có thể” nhằm đẩy lùi các lực lượng của Nga khỏi lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Zelensky muốn phương Tây tiếp tục cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hiện đại hơn, trong đó có các chiến đấu cơ.
"Tôi không muốn nghĩ rằng trong năm tới, vào ngày 24/2, chúng tôi vẫn ở trong tình hình tương tự như hiện nay", ông Zelensky nói với báo giới cuối tuần trước.
Khi xung đột kéo dài, nó trở thành một phép thử ý chí.
"Chúng ta muốn giao tranh nhanh chóng kết thúc. Nhưng trớ trêu thay, để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải khiến cho Tổng thống Putin hiểu rõ chúng ta sẽ đi đến cùng và làm bất kỳ thứ gì trong thời gian lâu nhất có thể để ông ấy thấy việc tiếp tục cuộc xung đột ở Ukraine sẽ không có hồi kết", Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans nêu quan điểm.
Dù vậy, bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ vào tuần trước cũng như chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Kiev và Warsaw, hiện vẫn chưa có gì chắc chắn phương Tây sẽ không dao động trước. Giai đoạn hiện nay của xung đột được định hình bởi những cuộc giao tranh kéo dài khi hai bên đều ở trong tình thế khó có thể thực hiện những đòn đánh quyết định.
Kiev tuyên bố mục tiêu của nước này cho một chiến thắng đầy đủ là quân đội Nga phải rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014. Trong những cuộc thảo luận kín, một số quan chức Mỹ và châu Âu thừa nhận kết quả này sẽ khó có thể xảy ra.
"Trước công chúng, các cuộc thảo luận có lẽ nói về việc giải phóng từng tấc đất của Ukraine nhưng trong những cuộc trao đổi kín ở London, Paris và Washington, những quan điểm hoài nghi đã xuất hiện", nhà quan sát Tom McTague cho hay.
Phương Tây cho rằng Nga đang cạn kiệt vũ khí và đạn dược trong cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã bác bỏ điều này. Trên thực tế, Moscow vẫn có khả năng duy trì sức chiến đấu.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng CBS News, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Williams Burns xác nhận khả năng Trung Quốc có thể gửi cho Nga viện trợ sát thương trong cuộc xung đột tại Ukraine. Ngoài ra, quan hệ thương mại song phương giữa Nga và Ấn Độ đã tăng 400% trong năm vừa qua.
Mặc dù sự ủng hộ của phương Tây vẫn duy trì ổn định nhưng mức độ phức tạp của các vũ khí mới cũng như khả năng sẵn sàng của quân đội Ukraine đã dẫn đến nhiều trì hoãn đáng kể.
Stephen Hadley, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời cựu chính quyền Tổng thống George W. Bush thừa nhận: "Cam kết của chúng ta đang đi trước khả năng thực hiện các cam kết đó. Chúng ta đã đi sau 6 tháng trong việc cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự họ cần".
Điều đó có lẽ sẽ tác động đến tình hình chiến trường khi các cuộc tấn công mùa xuân chuẩn bị diễn ra.
"Có cảm giác là chúng ta sẽ phải chiến đấu trong một cuộc xung đột kéo dài", Andrea Kendall-Taylor, Giám đốc Chương trình An ninh xuyên Đại Tây Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới cho hay.
Hiện nay, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Mỹ và châu Âu vẫn ủng hộ cho Ukraine. Tuy nhiên, tại Washington, sự chia rẽ lưỡng đảng đang xuất hiện với một số thành viên đảng Cộng hòa phản đối Mỹ nên làm nhiều hơn để hỗ trợ cho Kiev. Sự chia rẽ này có lẽ sẽ tạo nên những vấn đề mới khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cận kề./.