Công nhận giấy tờ do Donbass cấp, Nga gửi tín hiệu gì cho Mỹ?
VOV.VN - Đâu là động cơ của việc Nga bất ngờ công nhận các giấy tờ do phe nổi dậy ở đông Ukraine cấp dù Nga chưa chính thức thừa nhận các quốc gia tự phong?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành sắc lệnh mà theo đó các giấy tờ dân sự do các nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine cấp được chính thức công nhận ở Nga hiện nay. Động thái này, dẫu vậy, còn xa mới là sự công nhận các nhà nước này. Các chuyên gia chính trị tin rằng Moscow đang cố gắng gửi thông điệp cho Kiev và Washington.
Hộ chiếu của phe nổi dậy ở miền đông Ukraine. Ảnh: fort-russ.
Tin tức về việc Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh công nhận ở Nga tính hợp lệ của các giấy tờ được cấp bởi “chính quyền” của các nước cộng hòa nhân dân tự phong Donetsk (DNR) và Luhansk (LNR) xuất hiện vào ngày 18/2 trong quá trình diễn ra Hội nghị An ninh Munich.
Động thái này đã ngay lập tức gặp phải phản ứng gay gắt từ phía Ukraine, với việc Tổng thống Petro Poroshenko mô tả quyết định của Moscow là “bằng chứng mới về việc Nga vi phạm luật pháp quốc tế”.
Hành động của Nga cũng vấp phải sự thù địch ở phương Tây. Đại sứ Mỹ ở Kiev coi việc công nhận các giấy tờ dân sự nói trên là “đáng báo động”, còn Bộ Ngoại giao Pháp và Đức thì lên án sắc lệnh của ông Putin.
Phương Tây xem sắc lệnh của Tổng thống Nga là đi ngược lại thỏa thuận Minsk, mà theo đó DNR và LNR sẽ dần dần được hội nhập trở lại vào Ukraine.
Đương nhiên các nước cộng hòa không được công nhận nói trên đã hoan nghênh quyết định của Moscow. “Chủ tịch Quốc hội” của DNR, ông Denis Pushilin, cho biết việc công nhận các giấy tờ dân sự “sẽ giúp cho cuộc sống của người dân chúng tôi dễ thở hơn một cách đáng kể”.
Việc công nhận giấy tờ như thế này có ý nghĩa như thế nào?
Gazeta.ru đưa tin về phản ứng của một nguồn tin trong chính quyền DNR khi đón nhận tin tức này: “Chúng ta giờ đã là công dân Nga rồi!”.
Trên thực tế, điều này không đúng, và các quan chức Nga nhấn mạnh rằng động thái này không phải là dấu hiệu của việc công nhận các nước cộng hòa tự phong hay sáp nhập các quốc gia đó vào lãnh thổ Nga.
Thư ký báo chí điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ ra rằng hộ chiếu của LNR và DNR không phải là hộ chiếu của các quốc gia được công nhận chính thức.
Hiện nay các tài liệu dân sự DNR và LNR, bao gồm không chỉ hộ chiếu, mà còn cả giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn và giấy chứng tử, bằng cấp, giấy đăng ký xe, v.v.. đều có hiệu lực ở Nga.
Giáo sư Leonid Polyakov tại trường chính trị học thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia, nói rằng điều này giúp các công dân DNR và LNR thoát được khoảng trống pháp lý mà ở đó các tài liệu duy nhất của họ lại không được bất cứ nơi đâu trên thế giới công nhận.
Giáo sư Polyakov nói: “Từ quan điểm của Nga, đây là một hành động trợ giúp nhân đạo. Người ta giờ biết chắc rằng trên lãnh thổ Nga, họ có được sự đảm bảo là sẽ được đối xử như công dân các quốc gia khác”.
Tín hiệu gửi cho Mỹ
Trên thực tế các giấy tờ dân sự của cả DNR và LNR (bắt đầu cấp từ tháng 2/2016) đã được thừa nhận trên lãnh thổ Nga thậm chí trước cả khi có sắc lệnh của ông Putin.
RBK dẫn lời cựu quan chức DNR Eldar Khasanov nói: “Trên thực tế mọi người ở Nga đều nhắm mắt làm ngơ trước các tài liệu dân sự và biển số xe của DNR và LNR”.
Giáo sư Valery Solovei tại Viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Nga có cùng quan điểm: “Các giấy tờ này đã được sử dụng ở Nga rồi, chỉ là chưa được chính thức công nhận”.
Việc công nhận về mặt pháp lý nhiều khả năng là phản ứng của Kremlin đối với một tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.
Phát biểu tại hội nghị Munich, ông Pence nói rằng Mỹ tiếp tục quy cho Nga trách nhiệm về xung đột ở Donbass và rằng Moscow phải bảo đảm thực thi thỏa thuận Minsk.
Sắc lệnh của ông Putin về việc công nhận các giấy tờ của phe nổi dậy miền đông Ukraine đã được công bố chỉ vài tiếng sau đó.
Như vậy có thể xem động thái của Kremlin là một thông điệp cứng rắn gửi cho phương Tây và Ukraine.
Giáo sư Polyakov nói: “Đó là một lời nhắc nhở từ phía Nga: Này các ông, chúng tôi có suy nghĩ riêng về việc chúng tôi nên làm gì và đó là cơ sở để chúng tôi xây dựng chính sách của mình”. Vị giáo sư này cho biết thêm, Moscow đang gửi cho chính quyền Tổng thống Trump thông điệp: Hãy quyết định điều nên làm liên quan đến Ukraine.
Liệu việc công nhận DNR và LNR có khả thi?
Mặc dù Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói vào hôm 18/2 rằng Nga sẽ không thay đổi quan điểm Donbass là một phần thuộc Ukraine, một số chuyên gia chính trị học vẫn lưu ý rằng nếu đối thoại với Kiev mà bế tắc thì Nga có thể lựa chọn công nhận các quốc gia tự phong này.
Tổng thống Putin lệnh cho Nga công nhận giấy tờ của miền đông Ukraine
Trên trang tin Gazeta.ru, Alexey Chesnakov – Giám đốc Trung tâm Chính trị Đương thời, nhận định: “Không thể loại trừ một diễn biến như thế”.
Giáo sư Solovei tin rằng một động thái như vậy khó diễn ra và nếu diễn ra sẽ phá hỏng quan hệ giữa Nga và phương Tây. “Một bước đi theo hướng đó sẽ có những hậu quả khủng khiếp mà các trừng phạt trước đây [nhằm vào Nga] cộng lại cũng chỉ là trò trẻ con. Kremlin biết rõ điều đó”./.