Cục diện Syria thay đổi và vai trò “trọng tài” của Nga ở Trung Đông
VOV.VN-Cục diện Syria trải qua những thay đổi đáng kể với sự dịch chuyển quyền lực giữa các bên và Nga nổi lên như 1 trọng tài với tiếng nói đầy sức ảnh hưởng.
Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi rút quân khỏi Syria đã làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực quốc gia Trung Đông này và để lại khoảng trống mà Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang cạnh tranh với nhau để lấp đầy.
Các tay súng nổi dậy ở Syria do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ ở thị trấn biên giới Tel Abyad, Syria ngày 14/10/2019. Ảnh: Reuters |
Giữa bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chiến dịch quân sự ở biên giới với Syria, lực lượng người Kurd đã để quân chính phủ của Tổng thống Assad được Nga hậu thuẫn tiến vào khu vực này. Các lực lượng của Tổng thống Assad đang tận dụng việc Mỹ rút quân để nắm lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ giàu tài nguyên mà họ bỏ lại cách đây vài năm.
Cục diện Syria đang thay đổi từng ngày và trong cuộc chiến này chắc chắn sẽ có kẻ thẳng và người thua, bên được và bên mất.
Mục đích chiến dịch tấn công Syria của Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định ông muốn sắp xếp để 2 triệu người tị nạn Syria trở về khu vực do người Kurd kiểm soát mà Ankara đang tiến hành chiến dịch quân sự hiện nay. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và phe nổi dậy Syria do Ankara ủng hộ đều dồn lực cho tuần đầu tiên của chiến dịch nhằm đẩy lùi các tay súng người Kurd thuộc lực lượng YPG khỏi 2 thị trấn biên giới quan trọng là Tel Abyad và Ras al Ain. Bất chấp sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, Tổng thống Erdogan tuyên bố không điều gì có thể ngăn cuộc tấn công của nước này nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria.
Ông Erdogan cũng cho biết Ankara đã kiểm soát được một khu vực biên giới trải dài hàng trăm km từ Kobani ở phía tây cho tới Hasaka ở phía đông và sâu vào trong lãnh thổ Syria từ 30 - 35 km.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận định với Reuters rằng chiến dịch đang diễn ra "khá nhanh chóng và thành công". Giai đoạn đầu sẽ hoàn thành vào ngày 13/11 khi Tổng thống Erdogan dự kiến gặp Tổng thống Trump trong chuyến thăm Washington.
Mục tiêu của Tổng thống Assad
Việc Mỹ rút quân và quân đội Syria tiến vào khu vực người Kurd kiểm soát là một bước chuyển biến lớn trong cuộc xung đột ở Syria. Sự việc này góp phần quan trọng vào việc khôi phục quyền kiểm soát của Tổng thống Assad đối với phần lãnh thổ lớn nhất còn lại của Syria này.
Khu vực đông bắc Syria là vùng lãnh thổ giàu tài nguyên dầu mỏ, đất đai phù hợp để trồng trọt, nguồn nước dồi dào và có 1 đập thủy điện tại Tabqa. Đây đều là những yếu tố cần thiết để Tổng thống Assad tăng cường nguồn lực nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Truyền thông nhà nước Syria cho biết quân đội nước này đã tiếp cận được đường cao tốc M4 nằm cách khu vực giao tranh với Thổ Nhĩ Kỳ 30 km về phía nam và và nằm sát với "khu vực an toàn" mà Ankara có kế hoạch xây dựng. Ngày 15/10, lực lượng của Tổng thống Assad đã tiến vào Mabij - khu vực Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từng tiến hành các cuộc tuần tra chung với nhau.
Tuy nhiên, quân đội của Tổng thống Assad cũng đang suy yếu phần nào do phải chiến đấu trong cuộc nội chiến 8 năm và hiện nay phần lớn phải phụ thuộc vào Nga, Iran và các lực lượng dân quân dòng Shi'ite do Iran ủng hộ.
Số phận khu tự trị của người Kurd
Nhóm người Kurd ở Syria từng tận dụng việc chính phủ Tổng thống Assad rút quân khỏi khu vực đông bắc khi nội chiến nổ ra để xây dựng một vùng đất tự trị. Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút quân, người Kurd buộc phải đề nghị quân đội Syria quay trở lại để ngăn chặn cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ - một quyết định cho thấy khả năng hạn chế của lực lượng này cũng như chấm dứt giấc mơ về một lãnh thổ tự trị của người Kurd.
Lực lượng người Kurd hy vọng sẽ bảo vệ được lãnh thổ tự trị của họ nhiều nhất có thể trong các cuộc đàm phàn với chính trị với chính phủ Tổng thống Assad. Tuy nhiên, hiện nay, họ sẽ không còn một đồng minh mạnh "chống lưng" cho nữa.
Dù vậy, cả Damascus và lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đều có một mục tiêu chung là đẩy lùi Thổ Nhĩ Kỳ khỏi phía bắc Syria hay ít nhất là ngăn chặn cuộc tiến công của Ankara.
"Lực lượng người Kurd và chính phủ Syria có 2 điểm chung, đó là thái độ thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ và mong muốn không còn lực lượng nổi dậy dòng Sunni kiểm soát phía đông bắc Syria nữa”, Joshua Landis - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma nhận định.
"Những chắc chắn họ sẽ không nhất trí với nhau về mọi thứ khi bàn đến việc kiểm soát đông bắc Syria", chuyên gia này cho biết thêm.
Đông bắc Syria rối ren, IS trỗi dậy?
Lực lượng SDF do người Kurd lãnh đạo cho biết cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ những ngày vừa qua đã đánh thức "các phần tử ngủ đông" của IS, chỉ 1 năm sau khi tổ chức khủng bố này bị tiêu diệt. IS cũng đứng ra nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công liều chết, trong đó có vụ đánh bom xe bên ngoài một nhà hàng ở thành phố lớn nhất Qamishli do người Kurd kiểm soát, chỉ 1 ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự.
SDF cũng cho biết những nhà tù ở đây đang trong tình trạng bất ổn sau khi các cuộc giao tranh nổ ra hồi tuần trước.
Chiến thắng của Iran
Đồng minh Iran của Tổng thống Assad được cho là sẽ đạt được những lợi ích nhất định trong cuộc chiến này. Các lực lượng bán quân sự Iraq do Iran ủng hộ ở biên giới Iraq - Syria có thể sẽ giúp Tổng thống Assad kiểm soát an ninh nhằm tăng cường nguồn cung cấp năng lượng cho lực lượng này dọc hành lang trải dài từ Tehran tới Beirut.
Cục diện Syria thay đổi, Nga muốn gì?
Mặc dù hiện giờ vẫn chưa rõ liệu Mỹ có kế hoạch rút toàn bộ quân khỏi Syria hay không, hay chỉ để Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một "khu vực an toàn" gần biên giới nhưng chiến dịch của Ankara đã làm thay đổi cục diện cuộc xung đột Syria dẫn đến những sự sắp xếp mới khi có những người đến, kẻ đi khỏi quốc gia Trung Đông này.
Các nước Arab như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Kuwait, Ai Cập và Israel đều lên tiếng phản đối chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong những năm qua, Riyadh đã nhiều lần nỗ lực thuyết phục Tổng thống Trump duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở đông bắc Syria để đối trọng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tháng 11/2018, Saudi Arabia thậm chí đã hứa sẽ cung cấp 100 triệu USD để thuyết phục Mỹ ở lại Syria cũng như cử quân đội tới tuần tra cùng với Mỹ và lực lượng YPG.
Israel cũng chỉ trích chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và lên tiếng ủng hộ YPG. Sự mở rộng của lực lượng người Kurd được Israel và Saudi Arabia coi là một phương tiện nhằm làm suy yếu các quốc gia trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq và Syria.
Điều đáng nói ở đây là cả Nga và Iran đều thể hiện thái độ tương đối mềm mỏng với cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria.
Moscow khẳng định rằng nước này hiểu các mối quan tâm về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc Syria và đã cùng với Mỹ phủ quyết dự thảo yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ dừng chiến dịch quân sự vào Syria của các nước châu Âu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Iran cũng thể hiện lập trưởng tương tự. Điều này đã cho thấy sự thay đổi quan trong trong chính sách của 2 quốc gia này đối với động thái của Thổ Nhĩ Kỳ.
Rõ ràng, Iran tìm thấy tiếng nói chung với Thổ Nhĩ Kỳ khi cả 2 nước đều đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nga cũng cần dựa vào sự hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để chấm dứt xung đột ở Syria và đảm bảo các lợi ích ở đây. Ngoài ra, mối quan tâm hiện nay của Nga là đẩy Mỹ khỏi Syria và đưa người Kurd vào quỹ đạo ảnh hưởng của chính quyền Tổng thống Assad.
Vai trò không thể thay thế của Nga ở Syria thể hiện rõ ở Trung Đông, từ Damascus cho tới Riyadh, nhất là qua chuyến thăm vùng Vịnh của Tổng thống Putin trong tuần này - chuyến thăm Saudi Arabia đầu tiên của ông Putin trong hơn 1 thập kỷ.
Bên cạnh đó, quyết định rút quân của Tổng thống Trump khỏi đông bắc Syria ngày càng củng cố vai trò trung tâm của Moscow trong việc đình hình tương lai quốc gia này.
"Đã có những cuộc trao đổi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm sắp xếp tình hình phía bắc Syria, đặc biệt là phía đông sông Euphrates", một nguồn tin địa phương nhận định với Reuters.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết Ankara "đang hợp tác chặt chẽ với Nga" và Tổng thống Erdogan đã chỉ ra ngày 14/10 về tầm quan trọng của Nga khi ông khẳng định rằng Tổng thống Nga Putin đã có "một hướng tiếp cận tích cực" với vấn đề này.
Trong tình hình hiện nay, Moscow có thể sẽ nỗ lực cho ra một thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Tổng thống Assad về an ninh biên giới cũng như duy trì một hiện trạng mà các bên đều có thể chấp nhận được.
"Tôi nghĩ sẽ có những bất đồng thực sự song Nga sẽ giải quyết được. Một thỏa thuận sẽ được đưa ra", Joshua Landis - một chuyên gia về Syria và là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma nhận định./.
Hiểm họa đối với Mỹ từ việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria