“Cuộc chiến” bất ngờ Trump - Zelensky khiến EU sốc nặng, Nga hưởng lợi
VOV.VN - Giới quan sát đánh giá Tổng thống Mỹ Trump hiện đã gần như hoàn toàn theo quan điểm công khai của Nga về vấn đề Ukraine, đồng thời quay lưng lại với ông Zelensky và Ukraine - đồng minh của Mỹ.
Những màn đáp trả nảy lửa giữa các tổng thống Trump và Zelensky
Sau khi điện đàm với Tổng thống Nga Putin và xúc tiến các cuộc đàm phán về chấm dứt xung đột Nga - Ukraine, Tổng thống Mỹ Trump đã liên tục chỉ trích Tổng thống Ukraine Zelensky. Không những vậy, ông còn loại Ukraine khỏi các cuộc đàm phán này.

Hôm 18/2/2025, ông Trump thậm chí còn tố Ukraine đã khơi mào xung đột với Nga, đồng thời quả quyết rằng Ukraine đáng lẽ phải tổ chức cuộc bầu cử tổng thống đã bị đình lại do xung đột vũ trang với Nga.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky đã phản pháo ông Trump. Ông Zelensky tố ông Trump rơi vào “không gian thông tin sai lệch” do Nga tạo ra. Nhưng ông Trump không hề nao núng, tiếp tục leo thang “cuộc chiến ngôn từ” này với ông Zelensky vào ngày hôm sau, 19/2.
Trong một đăng tải trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông Zelensky “từ chối tổ chức bầu cử” và “ghi điểm rất thấp trong các cuộc thăm dò dư luận tại Ukraine”. Ông Trump còn cho rằng Ukraine đáng lẽ phải chấm dứt xung đột với Nga sau 3 năm.
Việc ông Trump quay ra chỉ trích ông Zelensky là chỉ dấu về sự thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Trump. Theo đó, chính quyền Trump đã từ bỏ hệ thống đồng minh quốc tế cũ và tìm cách thân thiện với nước Nga của ông Putin.
Ông Trump “khai chiến” với ông Zelensky ngay sau cuộc gặp cấp cao Mỹ - Nga tại Saudi Arabia.
Khi đáp trả ông Trump, ông Zelensky cho rằng đương kim Tổng thống Mỹ phát tán những thông tin “không đúng” từ phía Nga và giúp hồi phục Nga.
EU sốc nặng trước sự “quay xe” của ông Trump
Tuy nhiên dường như ông Trump vẫn khá mơ hồ về nội dung cụ thể của một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine, tạo cảm giác rằng mục tiêu hàng đầu của ông là đạt được một thỏa thuận bất kỳ cho phép ông tuyên bố về một chiến thắng chính trị của riêng mình. Một số nhà phê bình cho rằng cách tiếp cận này của ông Trump có thể nuôi dưỡng xung đột trong tương lai.
Cũng ngày 18/2 vừa qua, ông Trump cho biết ông để ngỏ khả năng binh sĩ châu Âu thực thi bất cứ thỏa thuận cuối cùng nào về Ukraine, dù rằng đặc phái viên của Nga tại các cuộc đàm phán ở Saudi Arabia đã bác bỏ ý tưởng này. Thế nhưng, Thủ tướng Anh Keir Starmer cảnh báo rằng một lực lượng như vậy chỉ khả thi khi nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth vào tuần trước cảnh báo rằng sẽ không có binh sĩ Mỹ nào tham gia gìn giữ hòa bình ở Ukraine.
Nhiều lãnh đạo và quan chức châu Âu đã bị bất ngờ hoàn toàn trước việc Mỹ bất ngờ ngưng ủng hộ cho Ukraine. Nhiều người không hiểu nổi vì sao Tổng thống Mỹ Trump lại “găng” với Tổng thống Ukraine Zelensky đến như vậy.
Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) không nằm trong thành phần đàm phán Nga - Mỹ và cũng không biết khi nào Mỹ sẽ trình bày thỏa thuận hòa bình đề xuất của họ với Kiev. Họ thực sự không biết chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp.
Hôm 19/2, Sophie Primas - phát ngôn viên của chính phủ Pháp bày tỏ rằng Pháp không hiểu nổi vì sao Tổng thống Mỹ Trump lại cho rằng chính Tổng thống Ukraine Zelensky phải chịu trách nhiệm về việc Nga đưa quân tấn công Ukraine.
Bà Primas nói, “chúng tôi không hiểu rõ lắm về tính logic ở đây”. Bà miêu tả các bình luận của Tổng thống Trump là “đa dạng, biến đổi và thường rất khó hiểu”.
Phát ngôn viên Primas xác nhận thêm rằng ông Trump đã tung ra một loạt bình luận về Ukraine trong những ngày gần đây mà không hề trao đổi ý kiến trước với các đồng minh châu Âu của Mỹ.
Cả Ukraine và đồng minh EU của Mỹ đều ngỡ ngàng trước việc Mỹ và Nga quyết định tổ chức đàm phán hòa bình về Ukraine tại Saudi Arabia. Về phần mình, Ukraine đã tuyên bố sẽ không chấp nhập bất cứ thỏa thuận nào áp lên Ukraine mà thiếu sự đồng thuận của Ukraine. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thể hiện sự đồng tình với tuyên bố của Ukraine.
Thế khó của châu Âu
EU vốn đã biết ông Trump quan tâm đến cuộc chiến của Ukraine với Nga ít hơn so với mức độ quan tâm của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden tiền nhiệm nhưng họ vẫn bị sốc và tổn thương về mức độ đột ngột, dứt khoát của ông Trump khi rút lại sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine rồi quay sang chỉ trích thậm tệ cả Tổng thống Zelensky. Châu Âu đã không có sự chuẩn bị kỹ càng và chủ động từ sớm để ứng phó với kịch bản ông Trump thay đổi đáng kể chính sách đối ngoại liên quan đến Nga và Ukraine. Đến bây giờ, châu Âu mới hành động một cách vội vã để đối phó.
Giới chính trị gia châu Âu đang tìm cách chống đỡ. Họ họp thượng đỉnh tại Paris (Pháp) vừa qua, đưa ra hàng loạt ý tưởng cứng rắn mới nhằm thích ứng với thực tế mới đầy bất định. Họ cần một đại diện có thể đoàn kết toàn châu Âu, xây dựng cầu nối giữa Kiev và Washington. Có 2 ứng viên nổi bật nhất cho vị trí này, là Thủ tướng Anh Starmer và Tổng thống Pháp Macron.
Tuy nhiên, châu Âu không thống nhất trong vấn đề phòng thủ. Ngoài ra, mỗi nước thành viên EU đều có những đau đầu riêng về bầu cử nội bộ hoặc kinh tế nội địa.
Thủ tướng Anh Starmer đã thực thi động thái đáng kể đầu tiên để tập hợp các chính phủ châu Âu quanh một mục tiêu chung. Ông tuyên bố sự thay đổi lớn trong chính sách của Anh: Nước này sẽ sẵn sàng gửi quân bộ tới Ukraine để duy trì hòa bình theo thỏa thuận.
Tuy nhiên, quân đội Anh đã không được đầu tư đáng kể trong 40 năm qua. Một nghị sĩ Anh cho biết, Anh sẽ phải đầu tư mạnh cho quốc phòng.
Ba Lan - quốc gia có quân đội lớn nhất trong các thành viên châu Âu của NATO, cũng lưỡng lự về việc triển khai quân sang Ukraine vì việc này có thể làm suy yếu chính biên giới của Ba Lan.
Xem thêm:
>> Cảnh lính Nga gài mìn chống tăng đánh sập từng mảng nhà của quân Ukraine
>> NATO bất đồng với Ukraine về chiến thuật, tố Kiev lãng phí vũ khí đắt tiền
>> Cái giá Ukraine phải trả khi Mỹ quyết định đàm phán tay đôi với Nga