Ukraine và EU “ớn lạnh” khi ông Trump điện đàm với lãnh đạo Nga
VOV.VN - Thông cáo về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin không đề cập châu Âu và cũng không nói nhiều về vai trò của Ukraine, khiến EU và Ukraine lo sợ lợi ích của họ sẽ bị gạt sang bên lề khi Nga đang nắm thế thượng phong trên chiến trường.
Rúng động trước khả năng thỏa thuận ngầm Mỹ - Nga
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin đã khiến cả Ukraine và các đối tác châu Âu của họ quan ngại sâu sắc - nỗi lo sợ lâu nay của họ lại bị thổi bùng lên do Ukraine có thể bị loại khỏi các cuộc đàm phán hòa bình quyết định tương lai và an ninh của Ukraine cũng như phần còn lại của châu Âu (ngoài Nga).
![ukraine và eu ớn lạnh khi ông trump điện đàm với lãnh đạo nga hình ảnh 1 ukraine va eu on lanh khi ong trump dien dam voi lanh dao nga hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/tong%20thong%20My%20Trump%20dien%20dam%2C%20Trump%20goi%20dien%2C%20ban%20lam%20viec%20Trump%20-the%20Economist.jpg)
Ông Trump gọi điện cho cho ông Putin vào ngày 12/2/2025 rồi sau đó gọi điện tiếp cho Tổng thống Ukraine Zelensky để thông báo cho ông Zelensky về nội dung cuộc điện đàm. Tổng thống Trump cho biết, ông và người đồng cấp Nga Putin sẽ cố gắng gặp nhau sớm tại Saudi Arabia mà không có lãnh đạo Ukraine. Đến chiều 13/2, ông Trump làm rõ rằng cuộc gặp này sẽ có sự tham gia của quan chức Mỹ, Nga và Ukraine.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 13/2 tuyên bố rằng còn “quá sớm” đề bàn về vai trò của châu Âu trong bất cứ cuộc thương lượng liên quan nào.
Phản ứng của Moscow thể hiện sự phấn khởi của họ kể từ sau cuộc điện đàm. Ông Peskov gọi quan điểm mới của Mỹ nhằm chấm dứt xung đột là “ấn tượng”, còn giới nghị sĩ Nga hoan nghênh quan điểm của Mỹ, coi đó là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong quan hệ.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky đã từ lâu khẳng định rằng đàm phán chấm dứt chiến tranh phải bao gồm cả Ukraine, còn các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết, những cuộc đàm phán như vậy phải bao gồm cả châu Âu. Tổng thống Ukraine cũng hối thúc kết nạp nước ông vào NATO hoặc phải có bảo đảm an ninh tương ứng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth thông báo vào ngày 12/2 rằng việc quay trở lại biên giới Ukraine trước năm 2014 là điều phi thực tế và không nên bàn chuyện kết nạp Ukraine vào NATO. Ông Hegseth cũng nhấn mạnh rằng bất cứ đảm bảo an ninh nào cho Ukraine cũng sẽ không bao gồm triển khai binh sĩ Mỹ tới Ukraine.
Tại Ukraine và EU, những tuyên bố trên được xem như làm suy yếu vị thế của Ukraine tại bàn đàm phán, do chúng yêu cầu những điều mà Ukraine phải từ bỏ nhưng không làm rõ những thứ mà Nga phải nhượng bộ.
Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Ấn Độ Modi hôm 13/2, Tổng thống Mỹ Trump từ chối đưa ra những chi tiết cụ thể về những nhượng bộ từ phía Nga. Ông nói lấp lửng: “Có thể Nga sẽ từ bỏ nhiều thứ, cũng có thể họ sẽ không. Đàm phán vẫn chưa bắt đầu”.
EU sốc, Ukraine gồng mình cho tình huống xấu
Thực ra EU đã biết khá rõ về thế yếu của Ukraine trên chiến trường nhưng giới chức EU vẫn bị bất ngờ về cuộc điện đàm giữa hai ông Trump và Putin. Nhiều người Ukraine cũng lo ngại về cuộc điện đàm giữa tổng thống Mỹ và Nga. Một sĩ quan quân đội Ukraine đã miêu tả Mỹ là một đối tác thiếu tin cậy, đồng thời coi cuộc điện đàm là “nỗi thất vọng lớn nhất”.
Quan chức hàng đầu của EU về chính sách đối ngoại, Kaja Kallas, cho biết chính phủ Mỹ đang trao cho Nga “mọi thứ họ muốn, thậm chí trước cả khi đàm phán diễn ra”. Tuy nhiên, bà Kallas cảnh báo rằng bất cứ thỏa thuận nào sau lưng EU sẽ không phát huy tác dụng vì không thể thiếu yếu tố EU và Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Zelensky bày tỏ quan ngại về việc Ukraine bị gạt sang bên lề. Đến ngày 13/2, ông Zelensky nói cứng rằng “không thể quyết định bất cứ điều gì về Ukraine nếu thiếu vắng Ukraine”.
Các lãnh đạo châu Âu đã nhanh chóng khẳng định rằng sẽ không có đàm phán nào về Ukraine nếu thiếu Ukraine hoặc EU.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố, người châu Âu sẽ đóng vai trò thiết yếu đối với bất cứ “trật tự nào nổi lên” và sẽ không ngồi tại “bàn dành cho trẻ con”.
Ngoại trưởng Đức Sébastien Lecornu cảnh báo rằng “hòa bình thông qua sự yếu đuối” có thể gây tác động đáng kể về an ninh cho khu vực.
Ngoại trưởng và quan chức một vài nước châu Âu (bao gồm Pháp, Đức và Anh) đã gặp gỡ tại Paris (Pháp) vào đêm 12/2 và ra thông cáo cam kết ủng hộ hơn nữa cho Ukraine: “Ukraine cần phải được cung cấp các bảo đảm an ninh mạnh mẽ”.
Mykola Bilieskov - nhà phân tích chính trị Ukraine tại một cơ sở nghiên cứu có liên hệ với Văn phòng tổng thống, nói rằng điều đáng sợ là đội ngũ của Tổng thống Mỹ Trump có vẻ đang nỗ lực “làm mọi thứ để đạt được một thỏa thuận hòa bình với cái giá là nền an ninh và những thứ khác của Ukraine”.
Ông Bilieskov cho rằng Ukraine có thể bị yêu cầu phải hy sinh lợi ích của mình.
Các chỉ huy của Ukraine ngoài mặt trận cũng cho rằng vào lúc này điều duy nhất cản trở Nga là Nga tự kiệt sức, và do vậy Ukraine sẽ phải tự tiếp tục chiến đấu.
Xem thêm:
>> Hòa bình liệu có được thiết lập sau điện đàm giữa Mỹ với cả Nga và Ukraine?
>> Tổng thống Mỹ Trump “nén đau”, chấp nhận lạm phát để tung đòn thuế quan lớn
>> Mỹ ngỡ ngàng trước thông tin cơ mật về Nga do Ukraine cung cấp