Cuộc gặp định hình tương lai quan hệ Trung-Mỹ
(VOV) - Trong cuộc gặp, Mỹ-Trung sẽ giải tỏa những nghi ngờ và chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm.
Vào cuối tuần này, mọi sự chú ý trên thế giới sẽ đổ dồn về trang trại Sunnylands ở bang California (Mỹ), nơi sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Có thể coi đây là một trong những cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng nhất trong năm 2013 bởi vì, nó có thể sẽ định hình tương lai của mối quan hệ Trung – Mỹ nói riêng và trật tự thế giới nói chung trong thế kỷ 21.
Cơ hội để giải tỏa sự nghi kỵ
Với sức mạnh kinh tế và tiềm lực quốc phòng ngày càng tăng, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra quyết đoán trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và bộc lộ rõ tham vọng cường quốc biển. Điều này đã khiến nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương lo ngại.
Một tương lai mởi cho qua hệ Trung-Mỹ sẽ được định hình (Ảnh: AP) |
Vì vậy, kể từ năm ngoái, chính quyền Obama đã thực thi chiến lược “xoay trục” và tái cân bằng quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Động thái này của Washington đã được nhiều nước châu Á, nhất là các nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, hoan nghênh. Tuy nhiên, nó lại làm dấy lên quan ngại trong ban lãnh đạo Trung Quốc rằng Washington đang tìm cách kiềm chế sức mạnh đang lên của nước này.
Để trả đũa Mỹ, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tìm cách chiếm lĩnh “sân sau” của Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh. Điều này thể hiện qua việc chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Obama đón tiếp Tổng thống Myanmar - một quốc gia Đông Nam Á mà Bắc Kinh vốn có ảnh hưởng sâu rộng, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có chuyến thăm ba quốc gia Trung Mỹ (gồm Trinidad và Tobago, Costa Rica và Mexico).
Không chỉ tìm cách tranh giành ảnh hưởng với Washington ở khu vực Mỹ Latinh, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tăng cường can dự vào nhiều khu vực khác trên thế giới, trong đó có châu Phi và Nam Á, trong nỗ lực làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở các khu vực này. Trước chuyến công du châu Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chọn Nga và một số nước châu Phi là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tới thăm Ấn Độ, Pakistan, Thụy Sĩ và Đức, và Ngoại trưởng Vương Nghị đã tới thăm một số nước Đông Nam Á.
Mặt khác, lâu nay, Trung Quốc vẫn thường chỉ trích các hoạt động do thám của tàu hải quân Mỹ trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. Giờ đây, Trung Quốc đã bắt đầu làm điều tương tự, cho dù trên quy mô nhỏ, ở ngoài khơi các đảo Guam và Hawaii của Mỹ. Trong một phiên thảo luận công khai hôm 1/6 tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore, một sĩ quan quân đội Trung Quốc đã tiết lộ rằng Trung Quốc đã "nghĩ đến việc đáp trả" bằng cách "cử tàu và máy bay đến EEZ của Mỹ" và trên thực tế, Bắc Kinh đã làm điều đó "một vài lần", dù không phải là hàng ngày (như sự hiện diện của Mỹ ngoài khơi Trung Quốc).
Những “va chạm” chiến lược và những động thái trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm gia tăng sự nghi kỵ và nguy cơ xung đột quân sự giữa hai cường quốc này. Vì vậy, theo các chuyên gia phân tích, cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới là cơ hội tốt để các nhà lãnh đạo hai nước thu hẹp các bất đồng, giảm bớt những nghi kỵ và định hướng cho tương lai của mối quan hệ Trung-Mỹ.
Trên tờ "Thời báo Tài chính" của Anh ngày 4/6, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh tới đây giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có thể xác định mối quan hệ chiến lược giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới trong những năm tới.
Theo ông Zoellick, ông Tập Cận Bình gọi đây là "mối quan hệ nước lớn kiểu mới", trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Tom Donilon thì cho rằng đây là một "mô hình quan hệ mới giữa một cường quốc hiện nay và một cường quốc đang lên".
Tuy nhiên, ông Zoellick nhấn mạnh các ý tưởng về "mối quan hệ nước lớn kiểu mới" này sẽ chết yểu nếu Trung Quốc và Mỹ không giải quyết được các mối đe dọa về an ninh mạng như hoạt động gián điệp, gián điệp thương mại, sự phá hoại và thậm chí là chiến tranh mạng. Hai nhà lãnh đạo sẽ cần phải chỉ ra con đường nhằm ngăn chặn những thiệt hại về kinh tế và giảm thiểu các rủi ro an ninh.
Họ sẽ thảo luận những gì?
Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ có các cuộc thảo luận trực tiếp với nhau tại trang trại Sunnylands trong hai ngày 7 và 8/6. Chuyên gia Kenneth Lieberthal của Viện Brookings có trụ sở ở Washington cho rằng thể thức của cuộc gặp thượng đỉnh lần này được cho là chưa từng xảy ra trong quan hệ Trung-Mỹ.
Chương trình nghị sự giữa các nhà lãnh đạo Trung-Mỹ thường rất dàn trải, trong khi thời gian hội đàm thường bị hạn chế. Do đó, họ có rất ít thời gian để trao đổi vào thu nhận ý kiến lẫn nhau. Mỗi lãnh đạo thường xoay quanh nội dung tuyên bố mở màn và các điểm chính đã được chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên, thể thức mới của cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới tại California sẽ cho phép hai nhà lãnh đạo có đủ thời gian để thảo luận sâu hơn về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia Lieberthal, quyết định không tổ chức chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mỹ của ông Tập Cận Bình cũng nhằm mục đích bỏ qua những lễ nghi rườm rà, đưa đối thoại gần hơn với thực chất.
Về cuộc gặp sắp tới, hôm 4/6, một quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có cuộc hội đàm trực tiếp vào trưa 7/6 và sẽ gặp gỡ báo chí trước khi có bữa ăn tối. Ngày 8/6, các nhà lãnh đạo hai nước sẽ tham gia hàng loạt các cuộc gặp để tiếp tục thảo luận về các vấn đề song phương và có một cuộc gặp trực tiếp khác để kết thúc sự kiện kéo dài hai ngày này.
Theo các quan chức Mỹ, nhiều khả năng các vấn đề an ninh mạng và chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ là tâm điểm trong chương trình nghị sự giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo một quan chức Mỹ, Washington sẽ nêu ra những “quan ngại” về vấn đề xâm phạm không gian mạng, vốn được cho là “bắt nguồn từ Trung Quốc”, trong cuộc gặp diễn ra tại trang viên Sunnylands này.
Trước đó, hôm 1/6, trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, với sự tham dự của các quan chức quân đội Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã thẳng thừng cáo buộc Chính phủ và quân đội Trung Quốc nhiều lần thâm nhập vào các hệ thống thông tin nhạy cảm của Mỹ.
“Đối với các công ty Mỹ, đó là ‘một nguy cơ đang hiện hữu’”, ông Patrick Chovanec, nguyên giáo sư kinh tế của Đại học Tsinghua và đang làm việc cho công ty Silvercrest Asset Management, nói. “Có vẻ như người Trung Quốc không nhận ra vấn đề này đã trở nên nghiêm trọng đến mức nào”.
Bên cạnh đó, nhiều khả năng các lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về các cuộc tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề an ninh hàng hải ở khu vực Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông với các quốc gia yếu hơn như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines./.