Cuộc gặp nguyên thủ Mỹ-Trung: Nguy cơ va chạm giữa 2 cá tính đối lập
VOV.VN - Đó sẽ là cuộc va chạm giữa kế hoạch “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “giấc mơ Trung Hoa”.
Cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được coi là thuốc thử cực mạnh cho những khác biệt của 2 bên.
Cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump được cho là rất khó đoán định kết quả bởi cá tính quá khác biệt giữa hai người trong khi các vấn đề mà hai bên đối thoại lại hết sức quan trọng và nhạy cảm. Ảnh: Reuters
Donald Trump bùng nổ, Tập Cận Bình cẩn trọng
Theo Reuters, cả thế giới không chỉ “nín thở” theo dõi cuộc gặp được coi là mang tính quyết định đối với tương lai của 2 cường quốc mà còn chờ đợi ông Trump và ông Tập Cận Bình thể hiện nét cá tính nổi bật của mình.
Trong khi ông Trump nổi tiếng là người bạo miệng và bộc trực và còn bị đặt biệt danh là “Tổng Tư lệnh Twitter” [ám chỉ ông thường xuyên chia sẻ quan điểm của mình trên Twitter-ND] thì ông Tập Cận Bình lại được đánh giá là người hết sức cẩn trọng trong cách hành xử.
Ngoài điểm chung duy nhất là việc thường xuyên bày tỏ mong muốn đưa quốc gia của mình trở lại thời kỳ huy hoàng, ông Trump và ông Tập Cận Bình được cho là hoàn toàn đối lập nhau về phong cách chính trị và kinh nghiệm ngoại giao. Chính vì thế, theo các chuyên gia, rất khó đoán định cục diện của cuộc gặp sắp tới giữa hai bên.
Điều này trở nên đặc biệt phức tạp nếu biết rằng, kể từ khi trúng cử Tổng thống Mỹ, ông Trump luôn thể hiện thái độ không mấy thân thiện với Trung Quốc và luôn tuyên bố sẵn sàng đối đầu thay vì đối thoại với ông Tập Cận Bình. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại liệu 2 nhà lãnh đạo này có thể tìm được tiếng nói chung trong bất kỳ vấn đề nào hay không.
Các chuyên gia cho rằng, trọng tâm của cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình sẽ là liệu ông Trump có thể thực hiện được lời đe dọa sẽ tác động mạnh đến quan hệ thương mại Mỹ-Trung để buộc Trung Quốc gây sức ép nhiều hơn nữa với Triều Tiên nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này hay không.
Ông Trump, một tỷ phú bất động sản 70 tuổi, vốn không có nhiều kinh nghiệm về ngoại giao trước khi lên làm Tổng thống Mỹ, đã chia sẻ trên Twitter rằng, cuộc gặp với ông Tập Cận Bình sẽ “hết sức khó khăn” nhất là sau khi ông đã cáo buộc Trung Quốc “cướp công ăn việc làm của Mỹ”.
Ông Trump cũng đe dọa Bắc Kinh cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết triệt để vấn đề Triều Tiên, nếu không ông sẽ tự mình xử lý bởi theo Tổng thống Mỹ, Triều Tiên là thách thức lớn nhất về an ninh quốc gia đối với Mỹ.
Thương mại Mỹ-Trung sẽ đi theo hướng “đôi bên cùng có lợi”
Cần đến “nghệ thuật thương thuyết” của ông Trump
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ông Trump đủ khôn ngoan để không “tung đòn quá mạnh” với Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề thương mại dù ông thường xuyên than phiền về điều đó. Việc này cũng khiến việc dự đoán về các vấn đề nóng khác như hạt nhân Triều Tiên và tranh chấp ở Biển Đông trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Nhiều nhà phân tích hoài nghi về khả năng ông Trump có thể “chiếm thế thượng phong” với ông Tập Cận Bình- một người “sinh ra để làm chính trị” và nổi tiếng là một chiến lược gia theo đường lối cứng rắn.
“Ông Tập Cận Bình rất giỏi thể hiện mình trong những điều kiện tương tự”, ông Christopher Johnson, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định.
Trong khi ông Trump mới nhậm chức được 10 tuần thì ông Tập Cận Bình đã có tới 4 năm “rèn giũa” chiến thuật của mình để đối phó với Mỹ sau khi ông lên nhậm chức vào năm 2013.
Dù vậy, nhiều quan chức Trung Quốc vẫn lo ngại về một “cú sảy chân” của ông Trump. Họ viện dẫn việc Thủ tướng Shinzo Abe đã khó chịu ra mặt vì phải chờ đợi quá lâu để được ông Trump bắt tay và tệ hơn nữa là việc ông Trump từ chối bắt tay Thủ tướng Đức Angela Merkel, để lý giải cho những lo ngại của mình.
Trong khi đó, giới chức Mỹ cho rằng, tác giả của cuốn “Nghệ thuật Thương thuyết” hoàn toàn đủ khả năng thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, Trung Quốc cần đến Mỹ nhiều hơn cả Mỹ cần đến Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa.
Các quan chức Mỹ viện dẫn việc ông Trump chịu xuống nước về Đài Loan- một vấn đề được coi là hết sức nhạy cảm với Trung Quốc- đặc biệt là sau khi ông khiến Trung Quốc giận dữ với tuyên bố sẽ xem xét lại chính sách “Một Trung Quốc”- là bằng chứng cho thấy ông Trump cũng là người biết tiến thoái đúng lúc.
Trump nhử “củ cà rốt” với Trung Quốc để đánh đổi “hồ sơ” Triều Tiên
Những nhân tố xoa dịu
Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc điện đàm giữa con rể và cũng là cố vấn của ông Trump, ông Jared Kushner và Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải sau khi ông Thôi Thiên Khải mời con gái ông Trump là Ivanka đến dự tiệc đón Năm mới của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chính là để dọn đường cho cuộc gặp sắp tới giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình bớt sóng gió.
Dù vậy, theo các chuyên gia, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình vẫn rất đáng chú ý bởi sự khác biệt quá lớn về tính cách và cách thức để đạt được mục đích của 2 nhà lãnh đạo.
Cho đến nay, ông Trump vẫn khăng khăng cho rằng, Mỹ đã bị các nền kinh tế như Trung Quốc “trục lợi” trong suốt nhiều thập kỷ qua và cần phải nhanh chóng lấy lại vị thế của mình. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình lại mong muốn Trung Quốc sớm có thể phô trương thanh thế trên trường quốc tế.
“Cả ông Trump và ông Tập Cận Bình đều không coi nhau là bạn bè đúng nghĩa. Một câu hỏi lớn đang được đặt ra là đến khi nào thì khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump va chạm với “Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình và kết quả của vụ va chạm này sẽ như thế nào”, một cựu chuyên gia cao cấp của Mỹ về châu Á nhận định./.
“Ngoại giao sân golf” của Trump không hợp khi đón Chủ tịch Trung Quốc?