Cuộc gặp Thượng đỉnh Trump-Kim: Khởi đầu một kỷ nguyên mới
VOV.VN - KCNA đánh giá Hội nghị Thượng đỉnh Triều Tiên-Mỹ ngày 12/6 như là một phần của “thời đại đã thay đổi”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/6 cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh giữa ông với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore có thể là “rất tốt” khi các quan chức hai nước đã gặp nhau để thu hẹp sự khác biệt về cách thức giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Getty.
Các ông Kim Jong-un và Donald Trump đã đến Singapore hôm 10/6 để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Với những khác biệt còn tồn tại trong kế hoạch phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, các quan chức của cả hai bên ngày 11/6 đã tổ chức đàm phán trong 2 giờ đồng hồ để thúc đẩy chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh ngày hôm nay (12/6).
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một tuyên bố cho biết, các cuộc đàm phán bàn về “nội dung và chi tiết” nhưng không mang lại kết quả ngay lập tức.
Trong bữa trưa với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 11/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay: “Chúng tôi có một cuộc gặp rất thú vị và đặc biệt vào ngày 12/6 và tôi nghĩ mọi việc sẽ rất tốt”.
Ông Trump cũng nói với Thủ tướng Lý Hiển Long: “Chúng tôi đánh giá cao sự hiếu khách, tính chuyên nghiệp và tình hữu nghị của các bạn... Ngài là bạn của tôi".
Trong khi đó, ông Kim Jong-un đang ở khách sạn St. Regis được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt hiện vẫn khá kín tiếng. Người ta cũng không hề biết gì về những hoạt động của bà Kim Yo-jong, em gái của ông Kim Jong-un, người đã đi cùng anh trai đến Singapore.
Kỷ nguyên mới
Trong một nhận xét lần đầu tiên về Hội nghị Thượng đỉnh với Mỹ, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, tại cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều Tiên và lãnh đạo Mỹ, hai bên sẽ trao đổi các quan điểm rộng lớn và sâu sắc để thiết lập lại các mối quan hệ. KCNA đánh giá Hội nghị Thượng đỉnh này như là một phần của “thời đại đã thay đổi”. Đâu là chìa khóa mở ra thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều?
Theo KCNA, các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Triều Tiên-Mỹ sẽ tập trung vào vấn đề xây dựng một cơ chế giữ gìn hòa bình lâu dài và bền vững trên Bán đảo Triều Tiên, về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cũng như những vấn đề khác có liên quan.
KCNA cũng ám chỉ trong hội nghị Thượng đỉnh ngày 12/6, Triều Tiên sẽ bác bỏ bất kỳ yêu sách giải trừ hạt nhân đơn phương nào và việc Triều Tiên tiêu hủy vũ khí hạt nhân có nghĩa là Bình Nhưỡng muốn Washington phải loại bỏ “ô hạt nhân” bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong một dòng trạng thái trên Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước đó nói rằng Washington đã nhận được cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Tuy vậy, một số chuyên gia về Triều Tiên vẫn tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của kịch bản này khi cho rằng Triều Tiên vẫn là một trong những đất nước “khó lường” nhất trên thế giới. Theo ý kiến của những người này, việc ông Kim Jong-un chấp nhận gặp Tổng thống Mỹ là nhằm mục đích thuyết phục Washington giảm bớt các biện pháp trừng phạt vốn gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của Triều Tiên.
Bản thân một quan chức giấu tên trong chính quyền Tổng thống Trump cho biết, phía Mỹ đang bước vào cuộc đàm phán với Triều Tiên trong trạng thái cảm xúc lẫn lộn: giữa lạc quan tin tưởng và hoài nghi về lịch sử phát triển vũ khí hạt nhân đã có bề dày lịch sử của Triều Tiên.
“Chúng tôi sẽ không bị bất ngờ trước bất kỳ kịch bản nào”, Reuters dẫn lời vị quan chức này nói. Tổng thống Trump chờ đợi cuộc gặp thú vị với nhà lãnh đạo Kim Jong-un
Vị quan chức này cho biết, Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ tổ chức một cuộc gặp trực tiếp trong khoảng hai tiếng đồng hồ vào ngày 12/6. Cuộc gặp này được mô tả như là để làm quen và hiểu nhau hơn. Sau đó, một cuộc họp bao gồm cả các quan chức hai bên có thể kéo dài thêm một giờ nữa.
Địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều là khách sạn Capella ở Sentosa, một hòn đảo nghỉ dưỡng nằm ở phía Nam của Singapore.
Tình thế thôi thúc
Phát biểu khi đang có mặt ở Canada hôm 9/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, bất kỳ thỏa thuận nào tại Hội nghị Thượng đỉnh sẽ là do sự thôi thúc của tình thế, nhấn mạnh kết quả không chắc chắn của những gì ông gọi là “sứ mệnh hòa bình”.
Ông Trump ban đầu giới thiệu về cuộc gặp với ông Kim đã mô tả đây là “món hời lớn”, để giải quyết chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng vốn đã có những tiến bộ không ngờ, gây ra mối đe dọa ngày càng hiện hữu với Washington.
Tuy nhiên, kể từ đó, kỳ vọng của Tổng thống Trump vào cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã giảm dần, lùi xa khỏi nhu cầu ban đầu về việc nhanh chóng tiêu hủy kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Bản thân ông Trump cũng đã thừa nhận rằng, cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore ngày 12/6 sẽ thu được kết quả nhiều hơn trong việc bắt đầu mối quan hệ với ông Kim Jong-un, để sau đó mở ra một quá trình đàm phán với nhiều hơn một cuộc gặp Thượng đỉnh./.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Ai sẽ thắng trong ván bài “hòa bình”?
Tổng thống Trump sẽ gặp riêng “mặt đối mặt” với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un