Cuộc “so găng” ngoại giao Trung-Nhật tại Olympic Sochi
VOV.VN - Không chỉ đơn thuần là tham dự vào Olymlic Sochi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn gây sức ép mới đối với Nhật Bản.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm chính thức Nga từ 6/2 và tham dự Lễ khai mạc Olympic Mùa đông lần thứ 22 tại Sochi.
Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tham dự vào sự kiện thể thao lớn được tổ chức tại nước ngoài. Đây cũng là lần thứ 2 Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Nga kể từ khi nhậm chức, thể hiện việc coi trọng đặc biệt tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Nga-Trung. Không những thế, nước này còn thể hiện chính sách ngoại giao công chúng, mở rộng mối quan hệ ngoại giao với các nước thông qua các hoạt động công chúng.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chuyến thăm không đơn thuần là những lý do ngoại giao trên.
Gây áp lực với Nhật Bản tại Sochi
Theo tờ “Nhân dân Nhật báo”, hiện Trung Quốc đang “mặt trăng, mặt trời” với Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku và nhận thức lịch sử, lập trường đối lập của Nhật Bản về vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong khi đó phương Tây phê phán mạnh mẽ Trung Quốc không rõ ràng trong việc tăng cường quốc phòng và có nhiều vấn đề về nhân quyền.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư- tâm điểm tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc (Ảnh: AP) |
Đối với Trung Quốc, thượng sách vào thời điểm hiện tại là thật thân mật với Nga để tận dụng những cơ hội ngoại giao của mình.
Mặt khác, Trung Quốc và Nga là nước láng giềng lớn của nhau, có mối quan hệ truyền thống lâu đời, cùng ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Hiện tại hai nước đang mở rộng phạm vi hợp tác. Năm 2013, vượt qua khó khăn của kinh tế thế giới, kim ngạch thương mại hai nước đạt 90 tỷ USD. Trong vòng 4 năm liên tiếp, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga.
Do đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã nhấn mạnh sự trọng thị đặc biệt đối với Nga thông qua trong việc chọn Nga là quốc gia đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên năm 2014. Trong chuyến thăm lần này, việc tham dự Olympic Sochi dường như đóng vai trò thứ yếu, mà mục đích chính là muốn tạo thêm ảnh hưởng với cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Tại cuộc gặp cấp cao Nga-Nhật lần này, Thủ tướng Nhật Bản Abe muốn giải quyết vấn đề đảo Kuril (Nhật Bản gọi là 4 đảo phương Bắc) đang tranh chấp với Nga. Sự có mặt của Trung Quốc tại Sochi phần nào sẽ có tác dụng ngăn ngừa những gì có thể gây bất lợi cho Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Nga Putin tại Sochi (Ảnh: AP) |
Một mặt, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tận dụng cơ hội khi Mỹ không có cuộc gặp cấp cao nào trong thời gian Olympic Sochi, hy vọng triển khai tích cực các cuộc gặp cấp cao với các đối tác nhằm tranh thủ sự ủng hộ.
Báo Yomiuri của Nhật Bản đưa tin, kể từ khi nhậm chức vào tháng 3/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có 6 lần gặp gỡ Tổng thống Nga Putin (bao gồm cuộc gặp cấp cao tại Sochi). Quan hệ Nga-Trung đã ở mức “thân thiết”.
Tờ Keizai Shimbun cho rằng trong cuộc “so găng” ngoại giao Trung-Nhật tại Sochi, Trung Quốc muốn giành thế áp đảo đối với Nhật Bản. Việc Chủ tịch Tập Cận Bình phê phán chế độ quân chủ của Nhật cũng được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Tổng thống Putin ủng hộ. Trong khi đó mục đích lớn nhất của ông Abe đến Sochi là mong muốn giải quyết vấn đề quần đảo Kuril đang tranh chấp với Nga.
Điều này chứng tỏ Chủ tịch Tập Cận Bình nhân cơ hội tham gia vào sự kiện thể thao này chỉ để tăng cường quan hệ với Nga, hướng tới những mục đích trong chiến lược ngoại giao của mình, trong đó có ý muốn “dằn mặt” Nhật Bản.
Tham vọng cải cách chính sách ngoại giao
Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình đầu năm mới thể hiện phong cách của nước lớn cũng như nhà lãnh đạo Trung Quốc. Chuyến thăm cũng thể hiện sự cách tân của Trung Quốc đối với chính sách ngoại giao.
Theo Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong chuyến thăm Nga và tham dự Olympic Sochi, trong vòng 43 giờ, Chủ tịch Trung Quốc đã tham gia vào 12 hoạt động quan trọng. Ngoài cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin, tham dự Lễ khai mạc Olymlic Sochi, giao lưu đa phương…Chủ tịch Tập còn tham dự phỏng vấn của giới truyền thông Nga… Lịch làm việc dày đặc như thế thể hiện tính chính xác, tần suất cao và hiệu quả cao của hoạt động ngoại giao.
Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ của Trung Quốc tham dự một sự kiện thể thao quốc tế tại nước ngoài. Có nghĩa Trung Quốc ngoài việc thực hiện các cuộc đàm phán mang tính ngoại giao, mong muốn lần này sẽ kết hợp được yếu tố ngoại giao với yếu tố Olympic. Đây có thể coi là cách đi mới trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc.
Năm 1971, “ngoại giao bóng bàn” đã giúp mở cánh cửa quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ. Lần này thông qua Olympic Sochi, ngoại giao Trung Quốc đã cố gắng thể hiện rõ sự cởi mở, thân thiện trong giao lưu giữa Trung Quốc và các nước khác trên thế giới.
Cuộc gặp cấp cao Nga -Trung tại Sochi ngày 6/2 (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Có thể nói chuyến thăm Nga và tham dự Olympic Sochi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thành công và đạt được mục đích của lãnh đạo nước này. Một kênh truyền hình của Nga đã bình luận rằng việc Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự Olympic Sochi đã làm cảm động nhân dân Nga. Một chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc của Viện nghiên cứu kinh tế hiện đại Hàn Quốc cho rằng việc Chủ tịch Tập tham dự Olympic Sochi thể hiện sự thân thiện của thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc.
Trung Quốc đang muốn từ thực lực của mình gây sức ép với Nhật, trong khi Nhật Bản vẫn đang “trông chờ” ở nước đồng minh thân cận là Mỹ. Để trấn an Nhật Bản, Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ sát cánh với Nhật Bản ở bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt là trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Rõ ràng khúc mắc Trung-Nhật có thể trở nên phức tạp hơn, khi Trung Quốc ngoài việc tăng cường sức mạnh quốc phòng, liên tục có những bước đi gây bất ngờ cho ngoại giao quốc tế. Nga một trong số ít quốc gia được coi là “rắn mặt” với Mỹ cũng có ý “tăng cường hơn mối quan hệ truyền thống” với Trung Quốc, tạo nên thế đối trọng trong các cặp quan hệ nước lớn.
Tại Olympic Sochi, Nga cũng đã thể hiện “Giấc mơ nước Nga” thông qua lễ khai mạc đầy ấn tượng. Trung Quốc cũng đang thực hiện “Giấc mơ Trung Quốc”. Cả hai bên đều nhằm đến những lợi ích và toan tính riêng./.