Quan hệ Trung-Nhật tiếp tục căng thẳng
VOV.VN - Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, nếu Nhật Bản bắn máy bay Trung Quốc tức là đã "gây chiến".
Trả lời phỏng vấn nhật báo phố Wall Street Journal của Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 26/10 cho biết, các quốc gia khác đang muốn Nhật Bản đóng vai trò tiên phong hơn trong khu vực để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong khi Thủ tướng Nhật Bản Abe đang lo ngại “Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hơn là luật pháp”.
Ông Abe khẳng định: “Nếu chọn con đường đó, Trung Quốc sẽ không thể "trỗi dậy" trong hòa bình. Không chỉ Nhật Bản mà nhiều nước lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhiều nước mong muốn Nhật Bản thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn. Họ hy vọng Trung Quốc phải hành động có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Tranh chấp quần đảo Sensaku/Điếu Ngư đang phủ bóng lên mối quan hệ Trung-Nhật (Ảnh AFP) |
Trong khi đó, Trung Quốc bày tỏ thái độ không đồng ý với những thông tin mà phương tiện truyền thông Nhật Bản đăng tải rằng: "Thủ tướng Nhật Bản Abe đã thông qua một kế hoạch cho phép quân đội nước này bắn hạ máy bay do thám nước ngoài nếu phớt lờ lời cảnh báo phải rời khỏi không phận của Nhật Bản".
Hôm 26/10, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh khẳng định, các chuyến bay và hoạt động huấn luyện của máy bay quân sự Trung Quốc, kể cả máy bay không người lái, trên các khu vực ở biển Hoa Đông là "phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế".
Đáp lại tuyên bố bắn hạ máy bay không người lái xâm phạm không phận của Nhật Bản, ông Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố, nếu Tokyo làm như vậy thì đó sẽ là một “hành động chiến tranh” và Nhật Bản sẽ phải nhận lấy hậu quả.
Ông Cảnh Nhạn Sinh nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyên các bên liên quan không được đánh giá thấp ý chí và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Nếu Nhật Bản làm như những gì mà họ nói là bắn hạ máy bay Trung Quốc thì đó là hành động khiêu khích nghiêm trọng, đó cũng là hành động chiến tranh. Chúng tôi chắc chắn sẽ có hành động đáp trả”.
Trước đó, các máy bay chiến đấu F-15 của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản đã xuất kích trong ngày thứ hai liên tiếp để đối phó với 4 máy bay quân sự Trung Quốc trên vùng biển quốc tế giữa đảo chính của quần đảo Okinawa và đảo Miyako.
Trong một động thái có thể làm leo thang căng thẳng, hôm qua Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố, các lực lượng hải quân, lục quân, không quân nước này có kế hoạch sẽ tổ chức một cuộc diễn tập chiếm đảo quy mô lớn, với sự tham gia của hơn 34.000 quân vào tháng tới tại vùng biển cực Nam của nước này. Theo kế hoạch, cuộc diễn tập sẽ được tổ chức từ ngày 1 đến 18/11 tới tại một hòn đảo không có người sinh sống cách Okinawa khoảng 400km về phía Nam.
Đây sẽ là cuộc diễn tập quân sự lớn nhất mà lực lượng phòng vệ Nhật Bản tổ chức kể từ năm 2009 và sẽ nhằm kiểm tra tốc độ phản ứng của ba quân chủng chính cũng như khả năng phòng không và phòng thủ trên biển của họ.
Cuộc diễn tập cũng được cho là một cuộc thử nghiệm quan trọng đối với hệ thống chỉ huy của lục quân phòng vệ kể từ khi bộ quốc phòng nước này được cho là có kế hoạch thành lập một lực lượng hải quân đánh bộ nhằm đối phó với các cuộc xung đột trên biển đang có nguy cơ gia tăng với các nước láng giềng.
Ngoài vấn đề tranh chấp lãnh hải, mối quan hệ giữa hai cường quốc Châu Á này tiếp tục căng thẳng liên quan đến việc giới chức chính trị Nhật Bản thường xuyên đến thăm ngôi đền Yasukuni gây tranh cãi.
Mới đây, một Bộ trưởng Nhật Bản đã tới viếng ngôi đền này, khiến Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân phải triệu Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh tới trụ sở Bộ Ngoại giao Trung Quốc để phản đối.
Trong hơn 1 năm qua, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã bị “giá lạnh” vì những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Hoa Đông, với việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản, hay Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc, mà Nhật Bản đang kiểm soát./.