Đại Hội đồng LHQ bàn vấn đề Syria
VOV.VN -Thế giới hiện vẫn “loay hoay” đi tìm lời giải cho cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua ở Syria.
Ngày 24/9, trong phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã kêu gọi tổ chức này sẵn sàng có những hành động cứng rắn nếu như Syria không chịu từ bỏ vũ khí hóa học, đồng thời kêu gọi Nga và Iran chấm dứt việc hỗ trợ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trong bài phát biểu của mình, ông Obama cũng cho rằng, thỏa thuận đạt được liên quan đến kho vũ khí hóa học của Syria sẽ “tiếp thêm sinh lực” cho những nỗ lực ngoại giao để kết thúc cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua ở Syria.
Tổng thống Obama phát biểu tại phiên họp của Đại Hội đồng LHQ (Ảnh: Reuters) |
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo đến từ khắp nơi trên thế giới tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Obama nói: “Tôi không tin rằng hành động quân sự giữa những người Syria với nhau hay có sự hậu thuẫn của nước ngoài lại có thể đem lại một nền hòa bình lâu dài”.
Tổng thống Obama trước đó đã quyết định không tiến hành một hành động can thiệp quân sự đơn phương chống lại Syria sau khi Nga đưa ra đề xuất đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế.
Trong nỗ lực để đảm bảo Syria nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận đã ký kết để giải giáp kho vũ khí hóa học, thách thức đặt ra với Tổng thống Obama là làm sao có thể thuyết phục được các nhà lãnh đạo thế giới gây áp lực lên Hội đồng Bảo an để thông qua một nghị quyết trừng phạt Syria trong trường hợp cần thiết.
Vẫn là bất đồng giữa Nga và Mỹ
Ông Obama nói: “Chính phủ Syria đã thực hiện bước đi đầu tiên tích cực khi kê khai các kho vũ khí hóa học dự trữ của họ. Bây giờ cần phải có một nghị quyết của Hội đồng Bảo an để đảm bảo rằng chế độ của ông Assad giữ đúng cam kết, nếu không họ sẽ phải gánh chịu hậu quả”.
Tuy nhiên Mỹ vẫn lo ngại rằng, Nga có thể phủ quyết bất kỳ một dự thảo nghị quyết nào có kèm điều khoản sẵn sàng can thiệp quân sự chống Syria. Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry trước đó cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nga, Sergei Lavrov để thống nhất về các điều khoản của dự thảo nghị quyết này.
Tuyên bố của các nhà ngoại giao cho hay, việc đàm phán về dự thảo nghị quyết nói trên ở New York giữa ông Kerry và ông Lavrov đã không đạt được tiến bộ nào, cả Nga và Mỹ vẫn đang cố gắng để đạt được thỏa thuận mà cả 2 cùng có thể chấp nhận được.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại trụ sở Liên Hợp Quốc, ông Kerry nói: “Chúng tôi đã có một cuộc hội đàm mang tính xây dựng”. Trong khi đó, ông Lavrov đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Tại phiên họp của Đại Hội đồng, Tổng thống Obama nói: “Nếu chúng ta không thể đạt được một thỏa thuận ở đây thì sau đó sẽ có nhiều người mất đi niềm tin và cho rằng Liên Hợp Quốc không đủ khả năng để thực thi những điều cơ bản nhất của luật pháp quốc tế”.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama một lần nữa ám chỉ Nga đang gây phức tạp cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Cụ thể là việc Nga không công nhận những gì Washington gọi là “bằng chứng rõ ràng” được công bố trong bản báo cáo của các thanh sát viên Liên Hợp Quốc về vụ tấn công làm hơn 1.400 người thiệt mạng hôm 21/8 gần Damascus.
Thời gian gần đây, các quan chức Nga, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần khẳng định rằng, Nga có các bằng chứng cho thấy chính lực lượng nổi dậy đã sử dụng vũ khí hóa học rồi đổ lỗi cho Chính quyền của ông Assad nhằm kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài vào Syria.
Đáp lại thông tin được phía Nga đưa ra, ông Obama nói: “Đây là một sự xúc phạm đến lý trí con người và tính hợp pháp của tổ chức này (Liên Hợp Quốc), không có lý do gì để có thể phủ nhận Chính quyền Assad đã thực hiện vụ tấn công này”.
Chính quyền Tổng thống Obama đã nhiều lần cho rằng, ông Assad không thể đóng bất kỳ một vai trò nào trong Chính phủ tương lai của Syria. Tuy nhiên Nga lại cho rằng tuyên bố trên của Mỹ là hành động can thiệp không thể chấp nhận được vào công việc nội bộ của Syria.
Cuộc chiến chưa có hồi kết và hệ lụy khôn lường
Cũng trong bài phát biểu ngày 24/9, ông Obama cho rằng, Nga và Iran, 2 đồng minh quan trọng của Chính phủ Tổng thống Assad đang “chơi một trò chơi nguy hiểm” khi hậu thuẫn cho nhà lãnh đạo của Syria.
Tổng thống Obama nói: “Quan điểm cho rằng Syria bằng cách nào đó có thể khôi phục lại những gì đã từng có như thời điểm trước nội chiến với một Chính phủ cũ là một điều không tưởng”.
Một phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (Ảnh: UN.org) |
Ông Obama nói thêm: “Lãnh đạo một đất nước lại sử dụng khí độc để tàn sát chính người dân của nước mình vì thế nên ông ta không thể còn giữ được tính hợp pháp để lãnh đạo một đất nước”.
Theo ông Obama, sẽ đến lúc Nga và Iran nhận ra rằng, việc họ ủng hộ Chính quyền Assad sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu và tạo ra một môi trường đầy bạo lực của những phần tử cực đoan. Tuy nhiên, Mỹ cũng không cho biết họ ủng hộ ai, thuộc lực lượng nào sẽ lãnh đạo Syria trong tương lai.
Phát biểu trước đó tại Moscow, Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã một lần nữa nhắc lại quan điểm của Nga phản đối bất kỳ hành động đe dọa can thiệp quân sự nào chống lại Chính quyền Assad.
Tuy nhiên, triển vọng cho việc đạt được thỏa thuận giữa Nga và phương Tây về một dự thảo nghị quyết có thể được cải thiện bằng việc các cường quốc phương Tây bỏ qua điều khoản sẵn sàng “kích hoạt” các biện pháp tự động trừng phạt trong trường hợp Damascus không tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận.
Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu tại Đại Hội đồng cho rằng, “chúng ta phải đảm bảo là cuộc chiến này sẽ sớm kết thúc. Đó là cuộc nội chiến đẫm máu nhất kể từ đầu thế kỷ cho tới nay. Các giải pháp trong đó có giải pháp chính trị đã làm mất quá nhiều thời gian”.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rowhani cho rằng, không nên có bất kỳ giải pháp quân sự nào cho cuộc khủng hoảng ở Syria đồng thời chỉ trích “một số diễn viên trong khu vực và quốc tế” đã vũ trang cho “các nhóm cực đoan” để làm phức tạp thêm tình hình.
Ông Rowhani cũng hoan nghênh việc Syria chấp nhận tham gia Công ước Vũ khí Hóa học và nhấn mạnh rằng “một mối đe dọa bất hợp pháp và không hiệu quả để sử dụng vũ lực can thiệp quân sự vào Syria sẽ chỉ làm gia tăng bạo lực và bất ổn trong khu vực”.
Phát biểu tại Đại Hội đồng, Sheikh Tamim bin Hamad al- Thani, tiểu vương Qatar nói: “Thật không may là thủ phạm thực hiện những tội ác tàn bạo lại không bị trừng phạt”. Qatar cũng đã nhiều lần gọi vụ việc xảy ra hôm 21/8 là “cuộc tàn sát khủng khiếp” của Chính phủ Syria.
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc phiên họp Đại Hội đồng ngày 24/9, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki - moon đã gọi cuộc khủng hoảng Syria là "thách thức lớn nhất đối với hòa bình và an ninh trên thế giới" đồng thời kêu gọi các nước thành viên Liên Hợp Quốc không bỏ rơi người dân Syria.
Theo ông Ban Ki-moon, chiến thắng bằng quân sự là điều ảo tưởng và giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột hiện nay tại Syria chỉ có thể là bằng con đường chính trị.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul và Quốc vương Jordan Abdullah cũng đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua ở Syria.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul nói: “Cuộc nội chiến ở Syria đã phát triển thành một mối đe dọa thực sự đối với hòa bình và an ninh trong khu vực”. Đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng có những biện pháp tích cực để tình hình Syria không rối loạn thêm.
Quốc vương Jordan Abdullah cho biết, số lượng người Syria tị nạn ở Jordan có thể lên đến 1 triệu người trong năm tới. Quốc vương Abdullah nói: “Chúng tôi không thể một mình gánh vác việc đảm bảo các nhu yếu phẩm cần thiết cho những người tị nạn trong thời gian dài. Chúng tôi cần sự hỗ trợ, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế”.
Tổng thống Lebanon Michel Sleiman cũng đã lên tiếng cảnh báo về những ảnh hưởng đến an ninh và kinh tế khi dòng người tị nạn Syria tràn sang Lebanon để lánh nạn. Theo ông Sleiman, số người tị nạn Syria hiện đã chiếm hơn ¼ dân số Lebanon”.
Tổng thống Obama tuyên bố sẽ viện trợ thêm 339 triệu USD để giúp giải quyết vấn đề liên quan đến người tị nạn Syria. Gói viện trợ này bao gồm 161 triệu USD dành cho những người dân hiện vẫn đang lưu trú ở Syria và phần còn lại dành cho những người đang tị nạn ở các quốc gia láng giềng./.