Đan Mạch – nước tuyên bố Covid-19 không còn là mối đe dọa giờ lại rối vì Omicron
VOV.VN - Vào tháng 9, Đan Mạch đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế phòng dịch và tuyên bố Covid-19 không còn là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với đất nước. Tuy nhiên, hiện tại quốc gia châu Âu này đang đối mặt với đợt bùng phát nghiêm trọng do biến thể Omicron.
Đan Mạch quay trở lại cơn ác mộng Covid-19
Tại Đan Mạch, nơi theo dõi sự lây lan của các biến thể chặt chẽ hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, diễn biến dịch bệnh có nhiều tín hiệu đáng lo ngại. Số ca nhiễm Omicron tăng gấp đôi sau khoảng 2 ngày. Đan Mạch liên tục ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới hàng ngày cao kỷ lục. Cơ sở xét nghiệm gần đây phải làm việc qua đêm để kịp trả kết quả.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng sự gia tăng này mới chỉ là khởi đầu.
“Tháng tới sẽ là thời điểm khó khăn nhất trong đại dịch”, Tyra Grove Krause, trưởng nhóm dịch tễ học tại Viện Huyết thanh Nhà nước của Đan Mạch, cho biết.
Kể từ khi Omicron xuất hiện vào tháng 11, nhiều người hy vọng rằng biến thể mới sẽ gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với Delta, từ đó giúp làn sóng lây nhiễm dễ kiểm soát hơn và hướng tới coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, làn sóng Omicron đang ập tới Đan Mạch mạnh tới mức, nếu có dịu bớt, vẫn sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Các chuyên gia xây dựng mô hình dịch bệnh của Đan Mạch đã đưa ra nhiều kịch bản, nhưng ngay cả với kịch bản nhẹ nhàng nhất, các bệnh viện tại nước này sẽ sớm phải chứng kiến số người nhập viện tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
“Làn sóng Omicron sẽ khiến các bệnh viện quá tải. Tôi không nghi ngờ gì về điều đó”, bà Krause nói.
Chuyên gia Krause ví virus SARS-CoV-2 như một trận lũ còn vaccine tạo ra hai bức tường bảo vệ sức khỏe. Bức tường thứ nhất giúp giảm khả năng lây nhiễm, giữ cho mức độ lây lan ở mức thấp. Bức tường thứ hai giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19. Cả hai bức tường đều có một số lỗ hổng, nhưng bà Krause tin rằng khi kết hợp cùng nhau, chúng đảm bảo “nước lũ” không bao giờ lên quá cao.
Tuy nhiên, bà Krause cho biết, bức tường đầu tiên phần lớn đã bị hủy bỏ. Dữ liệu của Đan Mạch cho thấy, những người đã tiêm 2 mũi vaccine vẫn có nguy cơ nhiễm Omicron như người chưa tiêm chủng. Những người tiêm mũi tăng cường sẽ nhận được sự bảo vệ tốt hơn, nhưng 3/4 dân số Đan Mạch vẫn chưa tiêm mũi vaccine thứ ba.
Điều này cùng với sự xuất hiện của biến thể mới đồng nghĩa với việc bất kỳ người Đan Mạch nào cũng có nguy cơ nhiễm Omicron. Lúc này, “nước lũ” SARS-CoV-2 sẽ dần chảy qua các lỗ hổng của bức tường thứ hai.
Ca nhiễm Omicron sẽ tiếp tục tăng
Các bệnh viện tại Đan Mạch chưa bao giờ tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân Covid-19, kể cả trong đợt cao điểm mùa đông năm 2020. Vào tháng 1/2021, bệnh viện cũng chỉ tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân mới mỗi ngày. Nếu như Omicron có khả năng lây truyền cao hơn và có mức độ nghiêm trọng như Delta, số người nhập viện có thể lên tới 800 người mỗi ngày.
Đan Mạch chưa từng ghi nhận hơn 5.000 ca mắc Covid-19 mới trong một ngày nhưng ngày 17/12 nước này ghi nhận hơn 11.000 ca nhiễm virus mới. Con số này dự kiến có thể tăng lên mức 27.000 ca trong vòng một tuần tới.
Trước sự gia tăng đột biến số ca mắc bệnh, Đan Mạch trong tháng 12 đã cắt giảm giờ mở cửa đối với các quán bar và nhà hàng, kêu gọi người dân làm việc tại nhà, đóng cửa trường học sớm hơn một tuần so với kế hoạch nghỉ Giáng sinh. Tuy nhiên, bà Krause cảnh báo rằng ngay cả khi phải áp đặt lệnh phong tỏa, Đan Mạch cũng rất khó kiểm soát làn sóng Omicron.
Các nhà khoa học cũng đã xác định được cách Omicron xuất hiện và lây lan ở Đan Mạch. Biến thể Omicron lan tới Đan Mạch thông qua người đến từ châu Phi và sau đó lây lan qua một số sự kiện siêu lây nhiễm như một bữa tiệc Giáng sinh với khoảng 150 người tham dự. Hầu hết những người tham gia đã tiêm chủng nhưng có 71 người nhiễm biến thể Omicron.
Tại Viện Huyết thanh Nhà nước Đan Mạch, các nhà khoa học đang chạy đua với làn sóng Omicron. Chỉ trong vài tuần qua, cơ quan này đã phải tuyển thêm 100 nhân viên mới và mua thêm 20 máy xét nghiệm PCR.
Tính tới ngày 13/12, ngày gần nhất dữ liệu được công bố đầy đủ, biến thể Omicron chiếm 26,8% ca nhiễm ở Đan Mạch. Một tuần trước đó, tỷ lệ này chỉ là 4,9%.
“Omicron đang lây lan rất nhanh”, Arieh Cohen, người phụ trách bộ phận phát triển của Viện Huyết thanh, nói, khi ngày càng nhiều mẫu xét nghiệm được gửi tới văn phòng của ông. “Tôi đã nghĩ tới kịch bản rằng tất cả chúng ta đều sẽ nhiễm bệnh”, ông Cohen nói.
Bức tranh đầy đủ về biến thể Omicron, bao gồm mức độ nghiêm trọng, khả năng lây truyền và khả năng né tránh miễn dịch, có thể sẽ được cung cấp trong vài tuần nữa.
Tại Anh, quốc gia duy nhất có hệ thống giám sát biến thể tương đương Đan Mạch, Thủ tướng Boris Johnson đã cảnh báo về “làn sóng thủy triều” Omicron khi biến thể này hiện đang áp đảo ở nước này. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu cho biết, Omicron có khả năng trở thành biến thể thống trị ở lục địa này vào tháng 1 hoặc tháng 2/2022. Trong khi đó, Mỹ cũng đang phải đối mặt với nguy cơ số ca nhiễm Omicron tăng cao và bệnh viện quá tải vào đầu tháng 1/2022./.