Đằng sau các thỏa thuận an ninh Ukraine ký với phương Tây
VOV.VN - Các thỏa thuận an ninh riêng lẻ mà Ukraine ký với các nước phương Tây một phần được thúc đẩy bởi lo ngại ngày càng tăng về chủ nghĩa biệt lập của Mỹ, đặc biệt là trong trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới và quay trở lại nắm quyền.
Đầu năm 2024, Ukraine đã ký với các nước phương Tây 7 thỏa thuận kéo dài 10 năm nhằm đảm bảo an ninh cho Ukraine trong khi đàm phán gia nhập NATO.
Theo cố vấn ngoại giao của Tổng thống Volodymyr Zelensky, Ukraine đang đàm phán thêm 10 thỏa thuận song phương khác.
Câu hỏi lớn nhất là liệu các thỏa thuận này có thể ngăn chặn một cuộc xung đột đóng băng kéo dài và tạo nền tảng cho chiến thắng của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga hay không.
Thỏa thuận đảm bảo an ninh giữa Ukraine và các nước phương Tây bao gồm cam kết viện trợ quân sự cho năm 2024 cùng các điều khoản áp dụng trong toàn bộ thời hạn của thỏa thuận. Các cam kết dài hạn bao gồm hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, hỗ trợ nhân đạo và các sáng kiến chống tham nhũng.
Theo ông Max Bergmann, Giám đốc Chương trình châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), sự thất vọng lớn nhất ở các thỏa thuận là thiếu những cam kết viện trợ quân sự ổn định sau năm 2024 để gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Nga và cho phép Kiev cùng các nước đồng minh có thể lên kế hoạch cho tương lai.
Các thỏa thuận này cho thấy những thách thức hiện tại mà Ukraine và các nước phương Tây phải đối mặt cũng như sự chia rẽ trong NATO.
Dù vậy, ông Stefan Meister, người đứng đầu chương trình Đông Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho rằng: “Hiện tại, đây là điều tốt nhất Ukraine có thể có được”.
Những cam kết tài chính
Mỗi quốc gia đã cam kết một số tiền khác nhau cho Ukraine trong năm 2024, trong đó Đức cam kết 7,1 tỷ euro (7,6 tỷ USD).
Vương quốc Anh, Hà Lan, Đức và Đan Mạch đều đặt mục tiêu rõ ràng về viện trợ quân sự.
Pháp cam kết “lên tới 3 tỷ euro (3,2 tỷ USD)”, Canada cam kết 3,02 tỷ USD bao gồm “hỗ trợ kinh tế vĩ mô và quân sự”. Italy không nêu rõ con số cụ thể nhưng đồng ý duy trì “mức hỗ trợ tương tự”. Nước này chỉ đóng góp hơn 700 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ năm 2022.
Viện trợ quân sự của Pháp, vốn bị một số đồng minh coi là mờ nhạt, luôn là nguyên nhân gây căng thẳng, đặc biệt là sau những bình luận của Tổng thống Emmanuel Macron về khả năng triển khai binh sỹ tới Ukraine.
Theo thỏa thuận của Pháp với Ukraine, cho đến nay, nước này đã đóng góp 3,8 tỷ euro (4,1 tỷ USD) viện trợ quân sự.
Tiến sĩ Marie Dumoulin, cựu nhà ngoại giao Pháp và hiện là chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, cho rằng các ước tính trước đây đã đánh giá thấp sự hỗ trợ của Pháp. Theo bà, Pháp đã chuyển một số vũ khí có tác động mạnh nhất đến Ukraine, như tên lửa SCALP và pháo tự hành Ceasar.
Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào nêu rõ chính xác loại viện trợ quân sự mà các đồng minh dự định cung cấp và có bao gồm việc chuyển giao vũ khí, đào tạo hay hỗ trợ tiền mặt trực tiếp hay không.
Ông Bergmann nói rằng bằng cách tập trung vào rạn nứt giữa Pháp và Đức cũng như tranh cãi về việc cung cấp tên lửa tầm xa Taurus, châu Âu đã “né tránh câu hỏi chính”.
“Vấn đề chính là ở chỗ các cuộc xung đột hay chiến tranh luôn đòi hỏi việc huy động các nguồn lực và tiền bạc”, ông Bergmann nói, đồng thời thừa nhận việc các nước không đưa ra cam kết tài chính dài hạn cho Ukraine là điều gây thất vọng.
“Khi Mỹ cam kết 1 tỷ USD mỗi năm cho Israel để mua F-35, điều này mang lại sự ổn định cho tất cả các bên người, bao gồm cả nhà sản xuất Lockheed, họ biết mình sẽ nhận được số tiền đó và có thể đầu tư vào tương lai”, ông Bergmann nêu ví dụ so sánh cho thấy Ukraine không có được sự ổn định như vậy.
Căng thẳng xuyên Đại Tây Dương
Sự không chắc chắn trong tương lai là một trong những yếu tố đằng sau các thỏa thuận an ninh song phương, một phần được thúc đẩy bởi lo ngại ngày càng tăng về chủ nghĩa biệt lập của Mỹ, đặc biệt là trong trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới và quay trở lại nắm quyền.
Ngoài những cam kết ngắn hạn sẽ được chi cho đạn dược cần thiết khẩn cấp ở tiền tuyến, cả 7 thỏa thuận an ninh đều nhấn mạnh vào việc phát triển lĩnh vực quốc phòng châu Âu - bao gồm cả ở Ukraine.
Theo ông Bergmann, dự luật hỗ trợ Ukraine được Tổng thống Joe Biden đề xuất vào tháng 10/2023 và cho đến nay vẫn bị đình trệ tại Quốc hội. Đây là một “lời cảnh tỉnh” đối với các nước châu Âu.
Theo ông Bergmann, EU có khả năng sản xuất nhiều hơn nữa nhưng họ đã bắt đầu quá muộn và mọi việc tiến triển chậm chạp.
Ông Stefan Meister đồng tình với quan điểm này và nói rằng, châu Âu ngày càng nhận thức rõ rằng một ngày nào đó họ có thể đứng một mình. Các thỏa thuận song phương giữa Ukraine và các đồng minh phản ánh nhận thức này và có thể đem lại cung cấp cái mà ông gọi là “lộ trình” phát triển các ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu.
Chặng đường dài
Giới phân tích cho rằng, thông điệp rõ ràng mà các thỏa thuận an ninh gửi tới cả Kiev và Moscow là các đồng minh của Ukraine đã cam kết trong 10 năm tới, nhưng sức mạnh thực sự của chúng lại là điều không chắc chắn.
Theo bà Dumoulin, các thỏa thuận này có thể xua tan hy vọng của Nga về việc giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukrainre bằng cách chia rẽ phương Tây.
Ông Bergmann cũng có quan điểm tương tự, đồng thời nói thêm rằng không nên đánh giá thấp tín hiệu ngoại giao và những thỏa thuận song phương như vậy thường tạo nền tảng cho các mối quan hệ đối tác lâu dài quan trọng.
Sau cuộc phản công thất bại của Ukraine vào mùa hè năm 2023, sự đoàn kết giữa các đồng minh phương Tây bị rạn nứt. Nhiều người lo ngại rằng những năm tới sẽ là những năm xung đột đóng băng, hoặc tệ hơn là cán cân sức mạnh sẽ thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho Nga.
Không có diễn biến đơn lẻ nào, dù là về quân sự hay chính trị, có thể kết thúc xung đột ngay lập tức. Một số chuyên gia lạc quan về sự xuất hiện sắp tới của các máy bay chiến đấu F-16 và khả năng tích hợp của hệ thống cảnh báo và kiểm soát sớm trên không (AWACS) của NATO.
Tuy nhiên nhiều nhà phân tích khác tỏ ra thận trọng. Năm 2024 sẽ diễn ra các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu và đó sẽ là phép thử đối với sự ủng hộ của đồng minh dành cho Ukraine.
Ukraine chỉ có thể phá vỡ bế tắc theo hướng có lợi cho mình nếu các thỏa thuận an ninh là bước khởi đầu cho một khuôn khổ hợp tác quân sự có ý nghĩa trong thập kỷ tới và xa hơn thế.