Đằng sau cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và Tổng thống Ukraine
VOV.VN - Chính quyền Tổng thống Zelensky đã tìm cách liên lạc với đội ngũ của ông Donald Trump nhằm thúc đẩy ứng viên đảng Cộng hòa hướng tới lập trường ủng hộ Ukraine trong bối cảnh cơ hội chiến thắng của cựu Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử cuối năm nay đã tăng đáng kể.
Cuộc điện đàm “tốt đẹp”
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/7 cho biết, ông đã có cuộc điện đàm rất “tốt đẹp” với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó ông nhắc lại cam kết chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.
“Tôi chân thành cảm ơn Tổng thống Zelensky đã liên lạc. Một khi trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, tôi sẽ mang hòa bình đến với thế giới và chấm dứt cuộc cung đột đã khiến quá nhiều người thiệt mạng và vô số gia đình vô tội bị hủy hoại. Hai bên đều có thể cùng ngồi lại và đàm phán một thỏa thuận, chấm dứt bạo lực và mở đường hướng đến thịnh vượng”, ông Trump đăng trên mạng xã hội Truth.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Ukraine chúc mừng ông Trump về thành công của Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa, đồng thời “lên án vụ ám sát tàn bạo” nhằm vào cựu Tổng thống Mỹ. Ông Zelensky tin tưởng ông Trump sẽ duy trì ủng hộ Ukraine trong “tìm kiếm hòa bình công bằng”.
“Tôi và ông Trump đã thống nhất sẽ họp trực tiếp về các bước tạo dựng hòa bình công bằng và bền vững thật sự”, Tổng thống Zelensky cho biết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter).
Cuộc điện đàm diễn ra ngay sau khi ông Trump chính thức chấp nhận đề cử trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa ra tranh cử vào tháng 11 tới.
Cựu Tổng thống Mỹ nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ nếu ông tái đắc cử. Ông Trump không đưa ra chi tiết cụ thể cho kế hoạch này, nhưng Politico dẫn các nguồn tin nói rằng, ông có thể tìm cách đạt được một thỏa thuận, theo đó “NATO cam kết không mở rộng thêm về phía Đông”, đặc biệt là sang Ukraine và Gruzia, đồng thời hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về thực tế lãnh thổ Ukraine.
Bên cạnh đó, ông Trump nhiều lần bày tỏ không hài lòng với những yêu cầu viện trợ mà lãnh đạo Ukraine liên tục đưa ra trong hai năm qua. Ông thậm chí dọa cắt viện trợ cho Kiev ngay khi tái đắc cử.
Ukraine chuẩn bị cho khả năng ông Trump trở lại
Theo Kyiv Independent, chính quyền Tổng thống Zelensky đã tìm cách liên lạc với đội ngũ của ông Trump nhằm thúc đẩy ứng viên đảng Cộng hòa hướng tới lập trường ủng hộ Ukraine trong bối cảnh cơ hội chiến thắng của cựu Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử cuối năm nay đã tăng đáng kể sau vụ ám sát hụt hôm 13/7.
Trong cuộc phỏng vấn tại Anh vào tuần này, Tổng thống Zelensky cũng thừa nhận ông Trump sẽ là “ca khó” đối với Ukraine, nhưng tự tin rằng Kiev đủ kiên trì và có thể thuyết phục ông Trump đứng về phía mình.
Nhiều người trong phe MAGA (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại) và nhóm cố vấn của ông Trump đã phản đối hoặc đặt câu hỏi về việc tăng cường viện trợ cho Ukraine, bao gồm cả J.D. Vance - người mà ông Trump đã chọn làm phó tổng thống tranh cử.
Dù vậy, vẫn có một số nhân vật trong nhóm ủng hộ hoặc cấp dưới trước đây của ông Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giúp Ukraine đánh bại Nga và Kiev đã tận dụng ảnh hưởng của họ để tiếp cận người có khả năng sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của Mỹ.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham trong chuyến thăm Kiev vào tháng 3 đã chỉ trích sự chậm trễ trong việc cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine. Khi đó, ông cam kết, Ukraine “sẽ sớm có ATACMS để có thể đánh sập cây cầu nối bán đảo Crimea với đất liền Nga”.
Mike Pompeo, người từng giữ chức Ngoại trưởng và Giám đốc CIA trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, trong chuyến thăm Kiev vào tháng 4/2023 đã kêu gọi Mỹ viện trợ nhiều hơn cho Ukraine. Khi đó, ông nói rằng ông sẽ làm việc để Washington cung cấp máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa tầm xa cho Ukraine.
Cũng có những thành viên khác trong đảng Cộng hòa ủng hộ tăng cường viện trợ cho Ukraine, bao gồm cả Thượng nghị sĩ Marco Rubio.
Brian Mefford, nhà tư vấn chính trị người Mỹ làm việc tại Ukraine trong 25 năm, cho biết: “Trong năm đầu tiên của cuộc xung đột với Nga, ông Zelensky tập trung chủ yếu vào mối quan hệ với chính quyền Tổng thống Biden. Nhưng Ukraine nhận thấy cần phải có mối quan hệ chặt chẽ với cả 2 chính đảng của Mỹ và không ràng buộc với một đảng hoặc một tổng thống nhất định. Sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Mỹ đóng vai trò quan trọng, cả trong cuộc xung đột hiện nay cũng như thời kỳ hậu xung đột để đảm bảo tương lai của Ukraine”.
Ông Trump có thể thay đổi quan điểm
Nhà phân tích chính trị Ukraine Volodymyr Fesenko cho rằng, ông Trump ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình và Ukraine không nên bác bỏ ý tưởng này một cách thẳng thừng.
“Từ chối không phải quyết định khôn ngoan. Nếu mất đi sự hỗ trợ của Mỹ, Ukraine sẽ thua”, ông Fesenko nói với Kyiv Independent.
Năm 2023, ông Trump từng nói rằng, nếu ông tái đắc cử, ông sẽ yêu cầu Nga và Ukraine thực hiện một thỏa thuận hòa bình. Ông đã cảnh báo Tổng thống Nga Putin rằng, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine nếu không đạt được thỏa thuận.
Trong một bài viết hồi cuối tháng 6 vừa qua, hãng tin Reuters dẫn lời 2 cố vấn của ông Trump cho biết, họ đã đề xuất kế hoạch ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine trừ khi Kiev đồng ý tổ chức đàm phán hòa bình với Nga.
Theo ông Fesenko, Ukraine nên đồng ý đàm phán nhưng khẳng định lợi ích của Ukraine phải được đặt lên hàng đầu.
“Nếu ông Trump có những nhượng bộ lớn với phía Nga, ông ấy sẽ bị cáo buộc phản bội lợi ích của Mỹ. Mặt khác, ông ấy cũng cần phải có được những nhượng bộ từ Moscow. Nếu Tổng thống Nga Putin không đồng ý, ông Trump có thể tăng viện trợ quân sự cho Ukraine và thậm chí dỡ bỏ các hạn chế và cho phép Kiev sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga”, ông Fesenko nhận định.
Nhà phân tích Fesenko cho rằng, vấn đề này có thể giống như những gì đã từng xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi ông muốn đạt được thỏa thuận với Tổng thống Nga Putin nhưng cuối cùng mối quan hệ Nga-Mỹ lại trở nên xấu đi.
“Ông Putin không muốn nhượng bộ và ông Trump không thích điều đó”, nhà phân tích Fesenko nói. Do vậy, ông Trump đã tăng cường viện trợ cho Ukraine bằng cách gửi lô tên lửa chống tăng Javelin đầu tiên cho Kiev. Đây là loại vũ vũ khí phức tạp nhất mà Mỹ cung cấp cho Ukraine tính đến thời điểm đó mặc dù Kiev đã yêu cầu từ lâu. Động thái này cũng diễn ra ngay trước khi xung đột Nga Ukraine bắt đầu bùng phát.