Đằng sau lời từ chối cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine của Mỹ
VOV.VN - Trong khi nhiều quốc gia phương Tây đang cân nhắc yêu cầu cung cấp máy bay chiến đấu của Ukraine, Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ lời đề nghị này.
Ukraine từng yêu cầu phương Tây cung cấp các hệ thống vũ khí tiên tiến để đẩy lùi lực lượng Nga. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã từ chối và gợi ý rằng Ukraine có thể nhận được các vũ khí tương tự từ các nước láng giềng châu Âu với thời gian chuyển giao chỉ bằng một nửa.
Tuy nhiên, các quốc gia NATO từ chối cam kết gửi cho Ukraine bất kỳ vũ khí nào có thể leo thang cẳng thẳng với Nga, trừ khi có Mỹ cùng thực hiện. Bởi vậy, sau nhiều tháng do dự, chính quyền Tổng thống Biden đã đồng ý cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí hiện đại hơn.
Đối với các hệ thống phòng không cũng vậy, khi Tổng thống Biden vào cuối tháng 12/2022 quyết định gửi một khẩu đội Patriot tới Ukraine. Sau đó, Đức và Hà Lan tuyên bố rằng họ cũng sẽ chuyển hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine.
Vào cuối tháng 1, Mỹ đột ngột thay đổi quan điểm và đồng ý viện trợ 31 xe tăng chủ lực M1 Abrams cho Ukraine sau nhiều tháng từ chối yêu cầu này. Ngay sau đó, Đức cũng thông báo chuyển 14 xe tăng chủ lực Leopard 2 cho Ukraine và Pháp nói sẽ viện trợ một số xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC.
Ukraine sẽ khó có được F-16 từ phương Tây nếu Mỹ từ chối?
Hiện tại, cuộc tranh luận mới đã nổ ra, tập trung vào việc gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine. Ukraine đã yêu cầu phương Tây gửi hàng chục chiếc F-16, máy bay chiến đấu một động cơ do General Dynamics và Lockheed Martin phát triển cho Không quân Mỹ vào những năm 1970.
Quân đội Ukraine muốn nhận được sự hỗ trợ trên không trong bối cảnh nỗ lực giành lại quyền kiểm soát các thành phố và thị trấn ở phía Đông và phía Nam, nơi quân đội Nga đã chiếm được.
Theo diễn biến thông thường, Mỹ sẽ đưa ra lời từ chối. Hôm 30/1, ông Biden đã khẳng định Mỹ sẽ không cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine trong các gói viện trợ quân sự tương lai. Tuy nhiên, một số quan chức cho rằng việc từ chối có lẽ chỉ là tạm thời.
Theo một số nhà quan sát, câu trả lời “không” của nhà lãnh đạo Mỹ không ngăn cản chính quyền Tổng thống Biden quyết định cung cấp F-16 cho Ukraine về sau này hoặc nhiều khả năng hơn là đưa ra một thỏa thuận cho phép một quốc gia khác gửi tiêm kích này tới Kiev.
“Chúng tôi liên tục trao đổi với Ukraine và các đồng minh, đối tác về những mong muốn của Kiev”, John Kirby, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia, nói.
Trong một bài đăng trên Telegram, Andriy Yermak, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho hay “quá trình đạt được máy bay chiến đấu F-16 đang diễn ra”, nói thêm rằng Ukraine đã nhận thấy “những tín hiệu tích cực từ Ba Lan” trong việc cung cấp chiến đấu cơ này. Thủ tướng Mateusz Morawiecki tuyên bố Ba Lan sẽ chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, nhưng chỉ khi đó là hành động phối hợp giữa các thành viên NATO
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng nhiều khả năng việc viện trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine sẽ đến từ Đan Mạch hoặc Hà Lan. Trang tin NL Times của Hà Lan dẫn lời Ngoại trưởng Wopke Hoekstra cho biết, nội các nước này sẽ xem xét yêu cầu mua F-16 từ Ukraine với “tinh thần cởi mở”.
Các quan chức Mỹ cho biết Hà Lan có khoảng 40 chiếc F-16 và đang chuyển sang sử dụng máy bay chiến đấu F-35 tiên tiến hơn, vì vậy việc gửi một số chiếc F-16 tới Ukraine sẽ là điều hợp lý.
Chính phủ Mỹ phải phê duyệt việc bán hoặc chuyển giao F-16 từ các quốc gia đối tác sang các quốc gia bên thứ ba. Điều đó có nghĩa là bất kỳ thành viên NATO nào muốn gửi máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất tới Ukraine trước tiên phải được chính quyền Tổng thống Biden “bật đèn xanh”.
Giới chức Mỹ cho biết, sự cho phép của Mỹ có thể giúp trấn an các nước NATO lo ngại về việc bị Nga chỉ trích vì đã gửi máy bay chiến đấu tiên tiến đến Ukraine.
“Chúng tôi có một khuôn mẫu, nếu chúng tôi nói rằng sẽ cung cấp các loại thiết bị cho nước khác, các đồng minh của chúng tôi sẽ làm như vậy. Họ dường như khá e ngại việc Nga sẽ nổi giận với với bất kỳ một quốc gia NATO nào”, Evelyn Farkas, quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc về Ukraine dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, cho biết.
Trước đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz phản đối việc gửi xe tăng Leopard 2 đến Ukraine, nhưng sau động thái cung cấp xe tăng Abrams cho Kiev của Washington, Berlin đã thay đổi quyết định. Các quan chức Đức thừa nhận rằng, trước đó, cam kết gửi xe tăng Challenger cho Ukraine của Anh chưa đủ để thúc đẩy các nước châu Âu khác theo sau.
Tiếp theo Mỹ sẽ viện trợ cho Ukraine những gì?
Hiện tại, chính quyền Tổng thống Biden không đồng ý gửi máy bay chiến đấu tiên tiến cho Ukraine. Theo các quan chức Lầu Năm Góc, họ muốn ưu tiên cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí có thể giúp ích cho Kiev ngay bây giờ.
Mỹ đang chuẩn bị gói viện trợ mới trị giá 2,2 tỷ USD cho Ukraine, dự kiến lần đầu tiên bao gồm cả tên lửa tầm xa. Gói viện trợ mới cũng bao gồm các thiết bị hỗ trợ cho hệ thống phòng không Patriot, pháo dẫn đường chính xác, tên lửa chống tăng Javelin. Tuy nhiên, thời gian chuyển giao tên lửa tầm xa có thể sẽ kéo dài.
Giới chức Mỹ đánh giá rằng nếu quân đội Ukraine được trang bị máy bay chiến đấu và xe tăng, họ sẽ có thể tiến hành các cuộc phản công để giành lại lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát. Theo các quan chức, ưu tiên hàng đầu của Ukraine lúc này là hệ thống phòng không, pháo binh và thiết giáp, nhưng Ukraine đã kiên quyết bày tỏ mong muốn có được máy bay chiến đấu của phương Tây.
Michael Fantini, một thiếu tướng đã nghỉ hưu, người đã lái F-16 trong Chiến tranh Iraq, cho biết, rất nhiều đồng minh của Mỹ sở hữu F-16 nên chuỗi cung ứng cho máy bay chiến đấu tiên tiến này sẽ được hỗ trợ tốt, điều này giúp Ukraine bảo trì chúng dễ dàng hơn. Ông Fantini cho rằng tiêm kích này có thể giúp Ukraine giành ưu thế đáng kể trên chiến trường và trên bầu trời.
Yurii Ihnat, Người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine, cho biết trong một cuộc họp báo vào tuần trước rằng, các phi công Ukraine sẽ mất vài tuần để học cách lái máy bay chiến đấu nhưng mất khoảng 6 tháng để thành thạo cách sử dụng máy bay trên chiến trường./.