Đánh giá khả năng Mỹ cung cấp cho Ukraine vũ khí “thay đổi cục diện chiến trường”
VOV.VN - Tổng thống Joe Biden đã gợi ý rằng, trong tương lai Mỹ có thể sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa tầm xa mà Kiev mong muốn có được để đẩy lùi lực lượng Nga.
Ngày 29/5, Tổng thống Biden đã đưa ra bình luận khi được hỏi về phản ứng trước việc Nga tăng cường các cuộc không kích nhằm vào Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng động thái của Nga là “không bất ngờ”, đồng thời nói “đó là lý do tại sao chúng tôi phải tiếp tục cung cấp cho Ukraine tất cả những gì họ cần”.
Theo Newsweek, sau đó, Tổng thống Biden đã đề cập với các phóng viên về khả năng Mỹ đồng ý cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân đất đối đất (ATACMS) do Washington sản xuất.
“Điều đó vẫn đang được thảo luận và nằm trong kế hoạch”, ông Biden nói với truyền thông Mỹ bên ngoài Nhà Trắng hôm 29/5 sau khi được hỏi liệu Mỹ có cung cấp ATACMS cho Ukraine hay không.
Kira Rudik, nghị sĩ Quốc hội Ukraine, cho rằng, các cuộc tấn công gần đây của Nga, bao gồm cả những cuộc tấn công vào Kiev trong tuần này, “chứng minh tính cấp bách yêu cầu của chúng tôi”. “Chúng tôi cần những loại vũ khí tầm xa càng sớm càng tốt”, bà Rudik chia sẻ trên Twitter.
Mỹ sẽ thay đảo ngược quyết định gửi vũ khí cho Ukraine?
Ukraine từ lâu đã yêu cầu Mỹ cung cấp ATACMS, một loại tên lửa đất đối đất tầm xa được phóng từ hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS do Lockheed Martin sản xuất. Washington đã từ chối cung cấp tên lửa tầm bắn trên 300km, có khả năng tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, do lo ngại điều này sẽ làm leo thang căng thẳng với Moscow. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh tầm quan trọng của những vũ khí như vậy là vô cùng cần thiết đối với quân đội nước này.
Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, từng là chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu, đã nhiều lần kêu gọi Mỹ cung cấp cho Ukraine tất cả các loại vũ khí mà Kiev cần, đặc biệt là các hệ thống tầm xa để có thể giúp Ukraine giành lại Crimea, bán đảo Nga sáp nhập vào năm 2014.
Ông Hodges lập luận rằng ATACMS sẽ “tạo ra sự khác biệt lớn” đối với quân đội Ukraine. “300km tương ứng với khoảng cách từ Odessa đến Sevastopol. Cũng có nghĩa là Ukraine sẽ có khả năng tấn công trung tâm hậu cần khổng lồ của Nga tại Dzhankoi ở phía Bắc Crimea”, ông giải thích.
Ngày 30/5, ông Hodges nói với Newsweek rằng ông tin chính quyền Tổng thống Biden cuối cùng sẽ cung cấp ATACMS cho Ukraine.
Theo ông Hodges, chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí chính xác tầm xa cho Ukraine, đó là “kết quả của việc họ miễn cưỡng hoặc không có khả năng xác định rõ ràng kết quả chiến lược mà họ tìm kiếm trong cuộc xung đột ở Ukraine”.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố rằng Washington “sẽ tiếp tục sử dụng nhiều công cụ sẵn có để hỗ trợ các lực lượng vũ trang của Ukraine chống lại lực lượng Nga”.
“Chúng tôi tiếp tục thảo luận chặt chẽ với Ukraine và nỗ lực làm việc để tiếp tục chuyển giao vũ khí hỗ trợ Kiev”, tuyên bố cho hay.
Vào tháng 1, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl, nói rằng Ukraine có thể “thay đổi cục diện chiến trường” mà không cần ATACMS. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Ukraine nên nhận được vũ khí tầm xa mà họ muốn.
Trong chuyến thăm Ukraine tuần trước, Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Nam Carolina Lindsey Graham, cho biết, Mỹ cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa ATACMS và bom, đạn chùm càng sớm thì Kiev sẽ giành lại được nhiều lãnh thổ hiện do Moscow kiểm soát hơn.
Lý do Ukraine mong muốn có được ATACMS
Anh xác nhận đang gửi tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow tới cho Ukraine. Các tên lửa này sẽ bổ sung cho các hệ thống tầm xa khác đã được chuyển cho Ukraine, bao gồm tên lửa HIMARS và Harpoon, cũng như tên lửa hành trình Neptune do Ukraine sản xuất. Cựu Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu Mark Hertling cho rằng tên lửa này sẽ cung cấp khả năng tấn công lớn hơn ATACMS.
Có thể hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt cả ngày lẫn đêm, Storm Shadow có tầm bắn gần 250km, ít hơn khoảng 50km so với ATACMS.
ATACMS là tên lửa chiến thuật tầm xa, được phát triển và sản xuất bởi công ty quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ từ những năm 1990. ATACMS được thiết kế để hoạt động với nhiên liệu rắn. Tên lửa đạn đạo tấn công mặt đất có tầm bắn hiệu quả lên tới 300km và vận tốc tối đa trong giai đoạn tăng tốc lên tới Mach 3, hoặc 1km/giây, khiến chúng khó bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng không thế hệ cũ.
Lý do Ukraine mong muốn có được hệ thống tên lửa này là vì tầm bắn của nó. So với hệ thống tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS), phiên bản ATACMS mà Ukraine muốn có thể mang đầu đạn lớn hơn 50% và có thể tấn công các mục tiêu xa gấp 3 lần.
Ngoài khả năng mang đầu đạn thông thường, khi cần thiết, ATACMS có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để tạo đòn tấn công đối phương.
Với tầm bắn xa, ATACMS có thể giúp làm giảm khả năng tấn công tầm xa của Nga vốn được sử dụng để nhắm vào các thành phố của Ukraine thời gian qua. Ngoài ra, quân đội Ukraine có thể phá hủy các đường sắt và cây cầu sâu hơn phía sau chiến tuyến của Nga nhằm cản trở khả năng hậu cần của Moscow./.