Đâu là chìa khóa mở ra thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều?
VOV.VN - Một trong những điều kiện quan trọng để đưa tới thành công ngoại giao là hai bên hiểu nhau để có những bước đi đúng đắn trong đàm phán.
Vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, nhà triết học Trung Quốc Trang Tử (Zhuangzi) đã đặt ra câu hỏi: “Bạn không phải là cá, làm thế nào bạn có thể nói con cá này hạnh phúc hay không?”. Liên hệ với câu chuyện về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, câu hỏi trên dường như khiến người ta phải suy ngẫm bởi người Mỹ dường như thường đánh giá về vấn đề này theo những giả định riêng của họ mà không tự đặt mình vào vị trí của Triều Tiên xem Bình Nhưỡng mong muốn điều gì.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: foreignpolicy.
Ví dụ, một số người đã khẳng định mục tiêu cuối cùng của Triều Tiên là sở hữu vũ khí hạt nhân và nói rằng mối quan tâm của Bình Nhưỡng đến an ninh chỉ là một cái cớ. Tại sao điều đó lại xảy ra? Vũ khí hạt nhân không phải là thực phẩm. Nếu Triều Tiên có thể được đảm bảo về sự tồn vong và cơ hội phát triển, tại sao họ không muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân – thứ vốn là nguyên nhân khiến họ bị nhận không ít lệnh trừng phạt và đối mặt với ánh mắt thiếu thiện cảm hơn từ cộng đồng quốc tế?
Khi bị trừng phạt và đối mặt với môi trường chính trị xung quanh ngày một xấu đi, Triều Tiên sẽ rơi vào trạng thái bất an. Và một Triều Tiên trong trạng thái bất an triền miên sẽ chỉ “đi xa hơn” trên con đường phát triển vũ khí hạt nhân. Đây là “vòng luẩn quẩn” mà thế giới đã chứng kiến trên Bán đảo Triều Tiên suốt 15 năm qua.
Cơ hội chưa từng có
Giờ đây, một cơ hội chưa từng có để mang lại hòa bình đã xuất hiện. Thế giới đang được chứng kiến “một dòng hợp lưu” của nhiều yếu tố hiếm thấy trong lịch sử và có thể dẫn đến một kết quả tích cực.
Đầu tiên phải nói đến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, có thể thấy rõ một điều rằng ông Moon là người có niềm tin cháy bỏng vào hòa bình. Ông bắt đầu kêu gọi đối thoại với Triều Tiên ngay từ khi nhậm chức và có nhiều hành động cụ thể để hướng tới điều này chứ không chỉ là nói suông.
Sau lần thử hạt nhân lần thứ 6 vào tháng 9/2017, Triều Tiên tuyên bố đã đạt được mục tiêu phát triển hạt nhân bảo vệ đất nước. Kể từ đó, Bình Nhưỡng thông báo chuyển trọng tâm sang phát triển kinh tế. Bước ngoặt này đến vào thời điểm tốt hơn bao giờ hết.
Và quan trọng hơn cả là chúng ta đã thấy một sự thay đổi trong quan niệm của Mỹ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Chính quyền Donald Trump đã nhận ra những hậu quả nghiêm trọng trong cách tiếp cận của các chính quyền tiền nhiệm và có cách khắc phục những khiếm khuyết đó.
Video Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tiếp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nguồn: Reuters.
Một mặt, chính quyền Tổng thống Trump thực thi các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Triều Tiên. Song song với đó, chính quyền Mỹ hiện tại cũng “đi xa hơn” bất kỳ chính quyền tiền nhiệm nào về sự nghiêm túc và nhất quán trong việc cởi mở tham gia đàm phán với Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi còn tại nhiệm từng đưa ra cam kết “4 không”, khẳng định Mỹ không tìm kiếm sự thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng hay sự sụp đổ của Nhà nước Triều Tiên, không vội vã với việc thống nhất hai miền Triều Tiên, không điều lực lượng Mỹ đến Triều Tiên. Mỹ cũng dành cho Triều Tiên sự tôn trọng như mong đợi từ phía họ. Tuyên bố của ông Tillerson không hề mất đi giá trị trong tư tưởng chỉ đạo của phía Mỹ dù vị trí Ngoại trưởng của nước này đã có sự thay đổi.
Một yếu tố nữa góp phần tạo thuận lợi cho viễn cảnh tươi sáng trên Bán đảo Triều Tiên là ví trí nhất quán của Trung Quốc. Bắc Kinh cam kết vững chắc về một Bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân thông qua các phương tiện hòa bình. Thực tế là Triều Tiên và Mỹ đang bắt tay vào một cuộc hành trình đàm phán hòa bình đúng hướng – hướng đi mà Trung Quốc từng kêu gọi và khẳng định sẽ đóng góp vai trò quan trọng.
Thành công cần có sự đồng cảm
Với những diễn biến gần đây, có thể thấy rằng sự thành công của cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không phải là điều không thể. Cả hai bên đã đưa ra những nhượng bộ mà đặt vào hoàn cảnh trong quá khứ có thể nói là không thể tưởng tượng được. Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử ngày mai (12/6) có thể dẫn đến một thỏa thuận mới và mở ra một quá trình ổn định quan trọng. Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Ai sẽ thắng trong ván bài “hòa bình”?
Đương nhiên, con đường sẽ không trải toàn hoa hồng. Khi hai bên đứng trước thời khắc lịch sử, họ cần phải điều chỉnh và thỏa hiệp nếu muốn đạt được mục tiêu tương ứng của mình. Đối với Triều Tiên, đây là vấn đề sống còn và chắc chắn họ sẽ có cách tiếp cận rất nghiêm túc. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng sẽ dễ bị tổn thương vì có nhiều mối lo cùng lúc phải giải quyết.
Những gì lãnh đạo Kim Jong-un theo đuổi về bản chất không khác những gì mà cha và ông của ông luôn mong muốn. Đó là an ninh quốc gia và giữ vững chế độ. Bất kể Triều Tiên có làm gì đi nữa – có thể là tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân hay ngừng lại thì cuối cùng mục đích của họ cũng phải là đảm bảo các mục tiêu trên. Vì vậy, tính toán của Bình Nhưỡng không khó để đánh giá.
Vậy chúng ta đã biết gì về cách tiếp cận của Mỹ? Người Mỹ đã làm việc dựa trên phân tích kỹ lưỡng về vấn đề hạt nhân và có các yêu cầu chi tiết về cách thức phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, người ta lại hiếm khi nghe được những gì mà phía Mỹ sẵn sàng dành cho Triều Tiên trong trường hợp Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Khi người Mỹ yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa trước, liệu họ có tự đặt mình vào vị trí của Triều Tiên để nghĩ về những lo ngại an ninh đặt ra với đất nước hay không? Khi Mỹ yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa “ngay lập tức” và “vĩnh viễn” làm thế nào để Washington đảm bảo an ninh “vĩnh viễn” cho Bình Nhưỡng? Điều quan trọng là liệu các bên có được sự đồng cảm và đặt mình vào vị trí của người khác trong giây lát để tìm được tiếng nói chung hay không?
Theo đánh giá của giới quan sát, tại cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên ngày mai (12/6), các bên nên tránh bị rơi vào bế tắc khi đưa ra những yêu cầu không thể đáp ứng trong giai đoạn hiện tại. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên là câu chuyện dài kỳ đầy phức tạp suốt nhiều thập kỷ qua, do đó, giải pháp cho vấn đề này đòi hỏi sự kiên nhẫn của tất cả các bên liên quan và cuộc gặp Trump-Kim có thể mới chỉ là sự khởi đầu./. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un mời Tổng thống Donald Trump tới Bình Nhưỡng
Tổng thống Trump sẽ gặp riêng “mặt đối mặt” với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un