Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 7/3
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến nổi bật liên quan đến tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 7/3.
Ukraine tuyên bố cản bước tiến của Nga ở phía Tây Avdiivka: Quân đội Ukraine cho biết, lực lượng nước này đã cản bước tiến của Nga bên ngoài Avdiivka, thành phố chiến lược Nga tuyên bố giành quyền kiểm soát vào tháng trước.
Theo người phát ngôn quân đội Ukraine Dmytro Lykhoviy, dù lực lượng Nga giành quyền kiểm soát thêm hai ngôi làng nữa nhưng bước tiến của họ gần Avdiivka hiện đã dừng lại.
“Tại khu vực nóng nhất trên chiến trường, chúng tôi đang cố gắng ổn định tình hình và bước tiến của đối phương đã bị chặn lại”, ông Lykhoviy cho hay, lưu ý thêm rằng cường độ các cuộc tấn công của Nga xung quanh các ngôi làng phía Tây Avdiivka đã gia tăng.
Tờ The Kyiv Independent dẫn lời ông Lykhoviy cho biết, quân đội Ukraine đã tăng cường lực lượng gần các làng Novoselivka, Berdychi, Tonenke, Pervomaiske và Nevelske. “Quân đội Ukraine đang cố gắng gây tổn thất đáng kể cho đối phương”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng của họ “nhờ hoạt động tấn công phối hợp, tiếp tục kiểm soát các vị trí thuận lợi hơn” gần Avdiivka, nhưng không đề cập đến bất kỳ cuộc tấn công nào gần Novomykhailivka.
Cận cảnh bệ phóng HIMARS của Ukraine bị phá hủy ở Donbass: Đoạn video do máy bay không người lái (UAV) giám sát ghi lại cho thấy bệ phóng HIMARS bị lực lượng Nga phá hủy gần thị trấn Dobropolye do Ukraine kiểm soát ở vùng Donbass, cách tiền tuyến hơn 40 km.
Bệ phóng HIMARS cùng 2 phương tiện khác của Ukraine được phát hiện gần một rừng cây ngay khi nó chuẩn bị khai hỏa. Các hình ảnh cho thấy, bệ phóng HIMARS đã trúng một loại đạn không xác định, khiến kho đạn của nó phát nổ, tên lửa phóng đi mất kiểm soát. Vụ nổ gây ra nhiều đám cháy ở khu vực lân cận và thiêu rụi hoàn toàn hệ thống.
Hiện chưa có thông tin chính xác loại đạn nào đã bắn trúng bệ phóng HIMARS, nhưng đoạn video cho thấy nó bị nhắm mục tiêu bằng đạn dẫn đường phóng từ hệ thống phóng tên lửa đa nòng Tornado-S của Nga.
Quan chức Nga cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân sau bình luận của ông Macron: Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergei Naryshkin ngày 5/3 cho biết, việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố về việc không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân tới Ukraine đang đẩy thế giới đến bờ vực của chiến tranh hạt nhân.
Tuần trước, Tổng thống Macron tuyên bố không loại trừ khả năng các nước phương Tây đưa quân tới Ukraine dù các quốc gia chưa đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào ở giai đoạn này. Mỹ và các đồng minh chủ chốt ở châu Âu cho biết, hiện tại không có kế hoạch gửi các lực lượng chiến đấu đến Ukraine.
Theo Giám đốc Cơ quan Tình Báo Sergei Naryshkin, điều này cho thấy sự vô trách nhiệm cao độ của các nhà lãnh đạo châu Âu ngày nay, đặc biệt là Tổng thống Pháp. Ông cho rằng khả năng đàm phán của các nhà lãnh đạo hiện tại ở châu Âu và Bắc Đại Tây Dương đang rất yếu kém.
“Càng ngày các nhà lãnh đạo càng hiếm khi đi tới sự đồng thuận chung. Nhưng những tuyên bố của Tổng thống Pháp về việc không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân tới Ukraine là vô cùng nguy hiểm và sẽ đẩy chúng ta đến bờ vực của chiến tranh hạt nhân”, Giám đốc Sergei Naryshkin cảnh báo.
UAV Nga phá hủy trạm liên lạc Starlink của Ukraine: Một máy bay không người lái kamikaze của Nga đã phá hủy mô-đun liên lạc của hệ thống Starlink trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Người điều khiển UAV có hô hiệu Topaz của Nga cho hay: “Máy bay không người lái trinh sát của chúng tôi đã phát hiện một trạm liên lạc Starlink của Ukraine được lắp đặt bí mật và được ngụy trang tại một trong các vị trí của đối phương. Các trinh sát đã chuyển thông tin cho người điều khiển máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất. Sau khi nhận được thông tin, đơn vị vận hành UAV đã triển khai máy bay không người lái để phá hủy mục tiêu”.
Binh sỹ “Topaz” cho biết thêm, bất chấp hoạt động tác chiến điện tử của lực lượng Ukraine, UAV vẫn thành công đánh trúng mục tiêu. Theo Sputnik, máy bay không người lái được sử dụng để phá hủy trạm Starlink là UAV do Nga sản xuất, được gắn đầu đạn PG-7.
Nguyên nhân xe tăng Abrams liên tục bị hạ gục trên chiến trường Ukraine: Ukraine đã mất 2 trong số 31 chiếc xe tăng M1 Abrams do Mỹ cung cấp vào mùa thu năm ngoái. Nhà quan sát quân sự Alexei Leonkov cho rằng, Nga có thể nhắm mục tiêu vào số xe tăng chiến đấu chủ lực còn lại do Mỹ gửi cho Ukraine nếu chúng tiếp tục được triển khai ở các khu vực tiền tuyến.
Bình luận về việc xe tăng M1 Abrams mà Mỹ gửi cho Ukraine bị phá hủy trên chiến trường, nhà quan sát quân sự Alexei Leonkov cho rằng có thể do Ukraine nhận được những chiếc xe không được lắp đặt thiết bị bảo vệ bổ sung. Trong khi đó, theo ông Leonkov, các thiết bị bảo vệ bổ sung được lắp đặt trên xe tăng do binh sĩ Mỹ vận hành.
>>> Nguyên nhân xe tăng Abrams liên tục bị hạ gục trên chiến trường Ukraine
Vụ rò rỉ kế hoạch tấn công cầu Crimea khiến NATO lục đục, Nga hưởng lợi: Sau bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đến lượt Thủ tướng Đức Olaf Scholz khiến nội bộ NATO lục đục liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chọc giận các đồng minh NATO khi cho rằng, phương Tây có thể sẽ buộc phải đưa quân tới Ukraine, báo trước một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga mà liên minh quân sự lâu nay luôn muốn tránh. Sau đó, đến lượt Thủ tướng Đức Olaf Scholz khiến NATO lục đục. Khi nói về lý do Berlin do dự trong việc gửi tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine, ông Scholz nhấn mạnh, đây là bước đi mà Đức không thể thực hiện giống như Anh, Pháp và Mỹ, ám chỉ những nước này đang bí mật giúp Kiev với các loại vũ khí tương tự.
>>> Vụ rò rỉ kế hoạch tấn công cầu Crimea khiến NATO lục đục, Nga hưởng lợi