Vụ rò rỉ kế hoạch tấn công cầu Crimea khiến NATO lục đục, Nga hưởng lợi
VOV.VN - Sau bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đến lượt Thủ tướng Đức Olaf Scholz khiến nội bộ NATO lục đục liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chọc giận các đồng minh NATO khi cho rằng, phương Tây có thể sẽ buộc phải đưa quân tới Ukraine, báo trước một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga mà liên minh quân sự lâu nay luôn muốn tránh.
Sau đó, đến lượt Thủ tướng Đức Olaf Scholz khiến NATO lục đục. Khi nói về lý do Berlin do dự trong việc gửi tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine, ông Scholz nhấn mạnh, đây là bước đi mà Đức không thể thực hiện giống như Anh, Pháp và Mỹ, ám chỉ những nước này đang bí mật giúp Kiev với các loại vũ khí tương tự.
Đồng minh lục đục
Phát biểu tại một sự kiện ở Dresden ngày 29/2, ông Scholz nói rằng lý do Đức không chuyển tên lửa Taurus cho Ukraine rất đơn giản. Tên lửa này có tầm bắn 500km và thủ đô Moscow có thể trở thành mục tiêu nếu Ukraine không thể kiềm chế để tránh đưa cuộc xung đột tới Điện Kremlin. Tình huống như vậy có thể đẩy Đức vào nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga.
Ông Scholz nhấn mạnh, Đức đã cung cấp và cam kết cung cấp nhiều vũ khí hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới nhưng đôi khi Berlin cũng cần phải trả lời rằng “giờ không phải lúc”.
Nhưng điều khiến ông gặp rắc rối nhất là mô tả về việc các hệ thống tên lửa tiên tiến không thể đơn giản được chuyển giao cho Ukraine. Theo ông Scholz, quân đội Ukraine sẽ cần lực lượng NATO hỗ trợ trong việc nhắm mục tiêu đối với các loại vũ khí phức tạp.
“Những gì người Anh và Pháp đang làm về mặt kiểm soát mục tiêu và đi kèm với việc kiểm soát mục tiêu lại không thể được thực hiện được đối với Đức”, ông Scholz nói, ám chỉ rằng các đồng minh NATO đang trực tiếp kiểm soát hệ thống vũ khí mà họ đã cung cấp cho Ukraine.
“Những gì các quốc gia khác đang làm, là điều mà Đức không thể làm theo cách tương tự”, ông Scholz nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là một chuyện, còn việc chúng nhắm chúng vào những mục tiêu nào lại là một chuyện khác đối với Đức. Đức không được liên quan tới việc nhắm mục tiêu quân sự như vậy ở bất kỳ nơi nào.
Cả Anh và Pháp đều chưa bình luận, nhưng họ gần như không bao giờ lên tiếng về cách triển khai vũ khí ở Ukraine. Ông Scholz ngay lập tức bị các cựu quan chức cáo buộc tiết lộ bí mật chiến tranh.
“Những bình luận của ông Scholz cho thấy, xét về khía cạnh an ninh của châu Âu, ông ấy là người làm sai việc, sai thời điểm”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với nhật báo London The Evening Standard.
NATO cố gắng duy trì sự thống nhất
Các đồng minh NATO đang cố gắng duy trì sự thống nhất tại thời điểm bế tắc của cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng như dòng viện trợ cho Kiev đang bị chững lại, đặc biệt là từ Mỹ.
NATO tìm cách tiếp tục viện trợ vũ khí mới cho Ukraine mà không dẫn đến đối đầu trực tiếp với Nga. Nhưng điều này dường như đặc biệt khó đối với ông Scholz khi ông vạch ranh giới đối với tên lửa hành trình tầm xa Taurus.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn vào cuối tuần qua, khi một cuộc trao đổi dài 38 phút được cho là giữa người đứng đầu lực lượng không quân Đức và các quan chức khác bị rò rỉ và được truyền thông Nga công bố.
Cuộc trao đổi cho thấy có những kế hoạch dự phòng nếu ông Scholz thay đổi quyết định và cuối cùng gửi tên lửa Taurus cho Ukraine.
Quân đội Đức xác nhận đoạn ghi âm cuộc trao đổi đã bị rò rỉ nhưng không bình luận về nội dung của nó
Bản ghi âm được cho là cuộc trò chuyện giữa 4 quan chức quân sự cấp cao của Đức. Họ thảo luận về kế hoạch chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine theo cách giúp họ tránh bị cáo buộc liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột.
Cuộc thảo luận cũng nói tới việc cần phải có binh lính Đức hỗ trợ vận hành tên lửa Taurus nếu nó được chuyển giao cho Ukraine. Đức chỉ có thể gửi tối đa 100 tên lửa, nghĩa là mỗi phát bắn sẽ phải tính toán thận trọng. Ukraine sẽ cần có sự hỗ trợ trong việc nhắm mục tiêu, đặc biệt là các mục tiêu khó tấn công như Cầu Kerch, nối bán đảo Crimea với đại lục Nga.
Nga hưởng lợi
Bộ Quốc phòng Đức đã xác nhận rằng cuộc trò chuyện trên thực tế đã bị rò rỉ, trong khi ông Scholz gọi đây là một “vấn đề rất nghiêm trọng” và nói rằng vấn đề này phải được điều tra kỹ lưỡng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cố gắng né tránh cuộc tranh cãi bằng cách cáo buộc Nga tiến hành một “cuộc chiến tranh thông tin” và phá hoại sự đoàn kết của phương Tây.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4/3 cho biết đoạn ghi âm các quan chức quân sự Đức thảo luận về một cuộc tấn công có thể xảy ra trên cầu Crimea là bằng chứng nữa cho thấy phương Tây, đặc biệt là Berlin, đang theo đuổi chính sách thù địch đối với Nga.
Ông cho rằng, “kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga đang được thảo luận cụ thể và thực chất trong Bundeswehr (quân đội Đức)”. Ông Peskov tuyên bố Nga rất mong được biết kết quả cuộc điều tra vụ việc do Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố.
Dù vậy vụ rò rỉ kế hoạch tấn công cầu Crimea khiến Ukraine càng khó có khả năng nhận được tên lửa Taurus từ Đức, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Còn đối với phía Nga, họ đã đạt được mục đích.