Điều gì chờ ông Trump và ông Kim sau Thượng đỉnh tại Việt Nam?
VOV.VN - Theo giới quan sát, sau cuộc gặp Thượng đỉnh lần 2, Mỹ và Triều Tiên cần duy trì động lực đối thoại, tránh để tiến trình phi hạt nhân hóa sụp đổ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã không đạt được một thỏa thuận chung sau khi rời bàn đàm phán tại Hà Nội ngày 28/2. Tuy nhiên, cả 2 nhà lãnh đạo đều cam kết sẽ tiếp tục đối thoại để tiến tới phi hạt nhân hóa trong tương lai dù vẫn tồn tại nhiều khác biệt trong kỳ vọng giữa 2 bên.
Hôm 28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội mà không đạt được thỏa thuận chung. Ảnh: Reuters. |
Nhiều chuyên gia tin rằng sau các cuộc đàm phán tại Hà Nội, điều quan trọng hiện nay là Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un phải tìm cách duy trì động lực đối thoại, tránh để tiến trình phi hạt nhân hóa bị sụp đổ. Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội dù chưa mang lại kết quả như kỳ vọng nhưng là điều cần thiết trong bối cảnh Washington và Bình Nhưỡng ngày càng gia tăng các yêu cầu đối với mỗi bên. Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để tiếp tục đóng góp cho tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Mỹ và Triều Tiên cần duy trì động lực đối thoại
Có nhiều lý do khiến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2 không đạt được tuyên bố chung, trước hết phải kể đến sự khác biệt quá lớn về kỳ vọng giữa các bên. Chỉ vài ngày trước và trong thời điểm diễn ra hội nghị, trên nhiều tờ báo đã tràn ngập thông tin về khả năng các bên sẽ tiến hành đàm phán nhằm mở lại văn phòng liên lạc của Mỹ tại Triều Tiên cũng như tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Dường như những thông tin này đã chuyển sự chú ý ra khỏi trọng tâm của Hội nghị, đó là Mỹ muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, còn Triều Tiên đề nghị Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt và thực hiện những biện pháp tương xứng.
Mặc dù việc đưa ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh và mở văn phòng liên lạc chung sẽ góp phần hoàn tất hai điều khoản đầu tiên của Tuyên bố chung các bên đã ký kết tại Singapore vào tháng 6/2018, nhưng Triều Tiên vẫn mong muốn điều này phải đi kèm với các động thái của Mỹ nhằm hạ nhiệt “chiến dịch gây sức ép” của Washington đối với Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Hội nghị tại Hà Nội cũng cho thấy một rào cản khác là mâu thuẫn về các biện pháp trừng phạt. Lý giải về việc không đạt được bất cứ thỏa thuận nào với Triều Tiên, chính Tổng thống Mỹ cho biết nguyên nhân nằm ở việc bất đồng về cấm vận. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 28/2, ông Trump nói: “Triều Tiên muốn bãi bỏ cấm vận hoàn toàn nhưng chúng ta chưa thể làm việc đó. Họ sẵn sàng từ bỏ nhiều phần của chương trình hạt nhân, nhưng chưa đủ để chúng ta bãi bỏ cấm vận hoàn toàn. Chúng tôi sẽ phải tiếp tục làm việc với nhau”.
Cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ và cũng là nhà phân tích của CNN John Kirby nhận xét, nhiều người dự đoán Tổng thống Trump sẽ nhượng bộ nhiều trước hội nghị này. Nhưng việc ông ấy không làm vậy và sẵn sàng bỏ đi cho thấy ông ấy không sẵn sàng nhượng bộ. Theo tờ Diplomat, Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt mà Liên Hợp Quốc đã thông qua từ năm 2016 đến 2017, nhưng Mỹ lại xem đây là cốt lõi của chiến dịch gây sức ép với Triều Tiên, vì thế Tổng thống Trump sẽ khó lòng nhượng bộ về vấn đề này.
Trước khi Hội nghị diễn ra đã có nhiều đồn đoán cho rằng Triều Tiên sẽ thảo luận nhiều lĩnh vực khác nhau trong chương trình hạt nhân của nước này, thế nhưng Triều Tiên lại chỉ để cập đến khu tổ hợp Yongbyon và việc Mỹ không chuẩn bị một kịch bản như vậy, cho thấy sự thiếu tương tác giữa các bên. Joseph Yun, một cựu nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Triều Tiên, bình luận kết thúc đột ngột của Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 cho thấy một sự "thiếu chuẩn bị". Thông thường, các cuộc gặp thượng đỉnh liên quan đến rất nhiều hoạt động ở các cấp độ làm việc. Lần này, chúng tôi đã nhận thấy sự thiếu chuẩn bị và cảm thấy lo lắng về điều đó", ông Joseph Yun nói.
Chuyên gia David Kim, cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ đặc trách khu vực Đông Á cho rằng, sau Hội nghị, Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với những phản ứng trái ngược từ dư luận trong nước. Đó có thể là những lời chỉ trích từ Đảng Dân chủ hoặc cũng có thể là lời khen ngợi từ đảng Cộng hòa. Ông Trump cũng có thể chịu sức ép từ công chúng bởi ông đã thể hiện nhiều hoài bão đối với hội nghị này và đặt nó làm trung tâm trong chính sách đối ngoại suốt nhiều tuần qua. Về phía Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un, dù không mang về một thỏa thuận nào nhưng chắc chắn ông đã nhận được sự tín nhiệm nhiều hơn trên trường quốc tế.
Tờ Diplomat cho rằng, dù cả hai nhà lãnh đạo không đạt được thỏa thuận chung nhưng điều này không đồng nghĩa với việc quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ tiếp tục căng thẳng. Thay vào đó, Hội nghị là cơ hội tốt để Washington và Bình Nhưỡng nắm bắt rõ hơn quan điểm của nhau. Với Triều Tiên, giảm nhẹ trừng phạt và thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều là những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Đối với Mỹ, việc Triều Tiên dừng các vụ thử tên lửa, dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân, trong đó có khu tổ hợp Yongbyon và duy trì trừng phạt với một tốc độ hợp lý sẽ là những vấn đề cần phải được nêu ra trong các cuộc đàm phán tương lai với Triều Tiên.
Ngoài ra, cả hai nhà lãnh đạo cần phải thu hẹp sự bất đồng về định nghĩa phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Trên thực tế, có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong Un không coi Hội nghị tại Hà Nội là một thất bại và hai bên sẽ tiếp túc cải thiện quan hệ song phương, xúc tiến những cuộc đàm phán có ý nghĩa hơn. CNN dẫn lời ông Kevin Martin, chủ tịch tổ chức Korea Peach Network (KPN) khẳng định, việc các bên không đạt được một thỏa thuận không phải là dấu hiệu cho thấy biện pháp ngoại giao đã thất bại. Ngoại giao cần có thời gian và rõ ràng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Việt Nam sẽ phải làm gì để tiếp tục đóng góp cho tiến trình phi hạt nhân hóa?
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, Việt Nam vẫn là bên chiến thắng dù kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều có như thế nào đi chăng nữa. Việt Nam đã tổ chức tốt và thành công sự kiện quan trọng này, không để xảy ra bất cứ sự cố nào về an ninh cũng như công việc hậu cần. Bản thân Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đều ca ngợi các nỗ lực của nước chủ nhà, mặc dù thời gian chuẩn bị chỉ khoảng 10 ngày, ngắn hơn nhiều so với thời gian chuẩn bị của Singapore tại Thượng đỉnh Trum-Kim lần 1.
Hơn nữa, trước và trong suốt thời gian diễn ra hội nghị, Hà Nội được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, nổi bật với hình ảnh một thành phố đang phát triển nhanh, pha trộn những nét cổ điển và hiện đại trong một môi trường năng động, cùng với những gương mặt trẻ và thân thiện. Nhiều chuyên gia dự đoán, ngành du lịch của Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng chắc chắn sẽ có nhiều khởi sắc trong năm 2019 nhờ sự kiện quan trọng này. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng từ cơ hội đó, chính quyền trung ương và địa phương cần tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch cũng như cơ sở hạ tầng.
Tờ Diplomat cho rằng trong những ngày qua, Hà Nội đã trở thành “ngọn hải đăng hy vọng” về một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn cần duy trì những động lực ngoại giao đạt được từ Hội nghị Thượng đỉnh, để tránh đi theo lối mòn của Mông Cổ - quốc gia từng là trung gian hòa giải của quá trình đàm phán hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên đầu những năm 2000, nhưng sau đó đã để vuột mất cơ hội này. Giới quan sát cho rằng, nếu như muốn trở thành một Paris hay một Geneve khác - những cái tên thường được nhắc đến khi người ta nghĩ về những cuộc đàm phán hòa bình quan trọng trong lịch sử, Việt Nam cần phải giữ thế chủ động, tích cực tiếp cận các đối tác Mỹ và Triều Tiên, trước mắt ở các cấp độ thấp, để thúc đẩy hai bên tăng cường đối thoại.
Tổng thống Trump đã nhiều lần khuyến khích Triều Tiên nên học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam về cải cách kinh tế và bình thường hóa quan hệ, trong khi đó giới chức Triều Tiên cũng đánh giá cao chính sách “Đổi mới” của Việt Nam. Với những lợi thế như trên, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng thúc đẩy hiện thực hóa nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực../.