Dỡ bỏ hay duy trì phong tỏa vì Covid-19: Lựa chọn khó khăn của Ấn Độ

VOV.VN - Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ phải đưa ra quyết định về dỡ bỏ hay duy trì lệnh phong tỏa toàn quốc khi mà dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa lắng dịu.

Lựa chọn nào cũng có mặt trái nhưng vì mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh triệt để, New Dehli chắc chắn cân nhắc các biện pháp mạnh nhất. Lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 21 ngày chính thức được Chính phủ Ấn Độ ban hành vào tối 24/3 và có hiệu lực ngay lập tức.

Lệnh phong tỏa này nhằm làm giãn cách xã hội, ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan và khoanh vùng các điểm nóng để cách ly, chữa trị. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục gia tăng trong những ngày qua buộc Thủ tướng Modi phải có những tính toán về thời điểm dỡ bỏ lệnh phong tỏa, vốn sẽ hết hạn vào ngày 14/4.

 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi họp trực tuyến với thủ hiến các bang về tình hình dịch Covid-19 sáng 11/4. Ảnh: ANI.

Trong hai ngày 9 đến 10/4, Thủ tướng Ấn Độ đã có 6 giờ đồng hồ nghe các cố vấn cấp cao và các nhóm nghiên cứu chuyên trách trình bày về các lựa chọn vào thời điểm then chốt này. Các tiêu chí được cân nhắc là sinh mạng của người dân trước nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát, khi mà Ấn Độ không có đủ cơ sở vật chất y tế để xử lý lây nhiễm cộng đồng. Ngoài ra, sinh kế của người dân Ấn Độ, đặc biệt là người nghèo trong điều kiện phong tỏa tiếp tục kéo dài cũng đã được cân nhắc.

Ông Modi cũng đã nói chuyện với thủ hiến các bang để nghe quan điểm và chiến lược đối phó với Covid-19 của từng địa phương. Một quan chức cấp cao của một trong các nhóm chuyên trách này cho biết: “Giải pháp dễ dàng nhất là gia hạn lệnh phong tỏa, còn lựa chọn khó khăn nhất là dỡ bỏ nó nhưng phải đảm bảo Ấn Độ không rơi vào cảnh bệnh dịch bùng nổ trở lại”.

Hầu hết các ý kiến đều đồng ý rằng ưu tiên cao nhất là ngăn chặn số ca bệnh và tử vong, nhưng đồng thời cũng phải khôi phục lại các hoạt động kinh tế. Hiện tại, các cảng biển tại Ấn Độ đang tắc nghẽn vì hàng hóa bị ùn ứ suốt nhiều tuần qua. 2 thành phố cảng lớn nhất là Mumbai và Chennai đều đang chịu ảnh hưởng nặng vì dịch. “Các lô hàng thiết yếu đang nằm giữa những lô hàng không thiết yếu. Bởi vậy, dỡ bỏ lệnh phong tỏa sẽ giúp giải phóng chúng”.

Một quan chức cấp cao cho biết. “Nếu chúng ta bắt đầu khôi phục lại các hoạt động thiết yếu, các lực lượng tuần tra trên đường phố sẽ phải phân biệt đâu là hoạt động thiết yếu, đâu là không thiết yếu để xử phạt”.

Theo quan chức này, một giải pháp được các nhóm cố vấn đưa ra là khôi phục lại các hoạt động kinh tế đi kèm dỡ bỏ phong tỏa theo từng mức độ. Dự kiến, chính phủ Ấn Độ sẽ phân chia đất nước thành các khu vực Đỏ, Vàng và Xanh. Vùng Đỏ là nơi vẫn xảy ra lây nhiễm virus SARS-CoV-2 mạnh sẽ tiếp tục bị phong tỏa. Vùng Vàng là nơi còn các ca nhiễm mới nhưng đã kiểm soát được, vẫn sẽ bị giám sát, nhưng người dân được phép đi lại. Vùng Xanh là khu vực được trở lại sinh hoạt bình thường.

Theo Chính phủ Ấn Độ, hiện có khoảng 400 quận, huyện trên cả nước không còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính quyền có thể sẽ dỡ bỏ phong tỏa tại các khu vực này để các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường, đồng thời phân loại những nơi còn bị ảnh hưởng vào vùng Đỏ và Vàng. Đáng chú ý là vụ thu hoạch nông nghiệp tại Ấn Độ sẽ bắt đầu vào ngày 14/4, và đây sẽ là nguồn thu nhập chủ yếu của rất nhiều người dân Ấn Độ.

Dự kiến, thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ có bài phát biểu trước người dân để công bố quyết định về lệnh phong tỏa toàn quốc trong những ngày tới. Lựa chọn nào vào lúc này cũng sẽ phải tính tới hai bài toán khó vào lúc này. Đó là ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19, và đảm bảo sinh kế của người dân sau khi dịch bệnh kết thúc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên