Dốc toàn lực đánh chiếm Kursk, Ukraine tự đẩy mình vào thế khó?
VOV.VN - Ukraine đang chứng minh họ vẫn còn nguồn lực để tấn công Kursk, nhưng nếu Kiev không thể làm giảm sức chiến của đối phương thì họ sẽ sớm bị “dồn vào chân tường” do quân đội Nga có quy mô và sức mạnh lớn hơn.
Dốc toàn lực đánh chiếm Kursk
Cuộc đột kích quy mô lớn của Ukraine vào lãnh thổ Nga có thể làm thay đổi cục diện cuộc chiến, khiến xung đột leo thang, đồng thời thử thách mức độ hỗ trợ của phương Tây đối với Kiev.
Trong một động thái bất ngờ, Ukraine đã thực hiện bước đi táo bạo chưa từng có bằng cách phát động chiến dịch xâm nhập quy mô lớn vào tỉnh Kursk ở miền tây nước Nga, mở ra một mặt trận mới trong cuộc xung đột. Những bước tiến ban đầu mà Ukraine giành được trong cuộc tấn công này đặt ra câu hỏi về tương lai cuộc chiến, đồng thời mở ra cánh cửa cho những kịch bản mới chưa được tính đến.
Sự kiện này đang đặt ra một thách thức lớn đối với giới lãnh đạo Nga, làm tăng áp lực với phương Tây trong việc cung cấp thêm hỗ trợ quân sự và chính trị cho Ukraine. Chiến dịch đột kích xảy ra trong bối cảnh đang có nhiều xung đột đan xen giữa Nga với Ukraine cũng như giữa Nga và phương Tây về chính trị, ngoại giao và quân sự.
Cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga có tác động sâu sắc đến diễn biến cuộc chiến. Một mặt, nó giúp thúc đẩy tinh thần của quân đội Ukraine và gửi thông điệp tới phương Tây rằng Kiev hoàn toàn có khả năng giành thế chủ động.
Mặt khác, nó bác bỏ niềm tin cho rằng công nghệ hiện đại đã giúp loại bỏ hoàn toàn yếu tố bất ngờ trong xung đột. Ngay cả trong thời đại trí tuệ nhân tạo và máy bay không người lái phát triển, yếu tố bất ngờ vẫn là vũ khí mạnh mẽ của bất cứ quân đội nào. Tuy nhiên, tính bền vững của chiến dịch mà Kiev đang thực hiện sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự hỗ trợ về quân sự của phương Tây.
Giới phân tích nhận định, cuộc tấn công vào Kursk có thể là cuộc phiêu lưu mạo hiểm của Ukraine. Trong quá trình tìm cách giành lợi thế, Ukraine có nguy cơ phân tán lực lượng và làm suy yếu thành công của họ trên các mặt trận khác. Nếu Ukraine không thể giành được chiến thắng quyết định ở Kursk, họ có thể phải chịu tổn thất nặng nề ở những nơi khác, làm suy yếu vị thế đàm phán của họ và củng cố vị thế của Nga.
Việc Nga tái bố trí lực lượng tại Kursk đã định hình lại tiến trình quân sự, buộc Ukraine phải từ bỏ kế hoạch tấn công nhanh chóng. Cuộc đối đầu này đã chứng minh rằng để đạt bất kỳ bước tiến nào ở khu vực này, Ukraine phải vượt qua những thách thức đáng kể, trong đó có cả hệ thống phòng thủ kiên cố và vững chắc của Nga và điều đó có thể dẫn đến một cuộc chiến tiêu hao kéo dài tiếp theo tại vùng biên giới.
Xung đột ở Ukraine đang leo thang nhanh chóng, khi cả Ukraine và Nga giao tranh ác liệt trên nhiều mặt trận. Trong khi Ukraine tìm cách mở rộng hoạt động tại Kursk, Nga đang tiến hành các cuộc tấn công liên tiếp ở miền Đông Ukraine. Chiến dịch của Ukraine nhằm tấn công Kursk đã làm cuộc chiến trở nên căng thẳng hơn và cho thấy tình hình có thể trở nên phức tạp hơn trong thời gian tới.
Ukraine sắp bị dồn vào chân tường?
Theo giới phân tích, Ukraine có một số lựa chọn. Họ có thể tiếp tục tiến sâu hơn vào Nga và bắt đầu củng cố quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ mới giành được bằng cách đào chiến hào và lập tuyến phòng thủ. Các lực lượng Ukraine cũng có thể chấp nhận chịu nhiều tổn thất ở Donbass để gửi một thông điệp tới phương Tây rằng họ khả năng tiến lên và giành thắng lợi một phần ở mặt trận khác. Ngoài ra, Ukraine cũng có thể lựa chọn rút khỏi Kursk sau khi chứng minh rằng họ có khả năng phá vỡ các lằn ranh đỏ và phơi bày điểm yếu của Moscow ở vùng biên giới.
Một số nhà quan sát suy đoán, mục đích của Ukraine là muốn kéo quân đội Nga ra khỏi Donbass để giảm áp lực cho quân phòng thủ của họ tại đó. “Nếu đúng như vậy, canh bạc này thực sự không mang lại lợi ích”, ông Philip Karber, một nhà phân tích quân sự về Ukraine đánh giá. Chuyên gia này lo ngại Ukraine sẽ sớm phải đối mặt với cuộc phản công quyết liệt của Nga ở một hoặc cả hai mặt trận. Chiến thuật của Nga có thể là dồn ép và bao vây quân đội Ukraine trong một khu vực chật hẹp, sau đó tấn công ồ ạt. “Các đơn vị của Nga rất mạnh”, ông Karber lưu ý.
Tiến sỹ Karin von Hippel tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) có trụ sở tại London nhận định, Ukraine đang chứng minh vẫn còn các nguồn lực dự trữ để tấn công Kursk, nhưng nếu Kiev không thể liên tiếp làm giảm sức chiến của đối phương thì họ sẽ sớm bị “dồn vào chân tường” do quân đội Nga có quy mô và sức mạnh tương đối lớn.
“Nếu không kết thúc sớm, chiến dịch đột kích biên giới sẽ gây bất lợi cho Ukraine bởi vì Nga có lực lượng dự bị và kho dự trữ vũ khí lớn. Họ có nhiều binh sỹ hơn, có nhiều đạn pháo và thiết giáp hơn. Xung đột tại biên giới càng kéo dài thì Moscow càng có nhiều lợi thế”, bà Karin von Hippel nhấn mạnh.
Cuộc chiến ở Ukraine là một ván cờ phức tạp, với nhiều yếu tố đan xen ảnh hưởng đến diễn biến của các sự kiện. Ukraine đang tìm cách giành chiến thắng trên mặt trận ở Kursk để củng cố vị thế đàm phán của nước này. Trong khi đó, Nga đang cố gắng áp đặt một thực tế mới trên thực địa thông qua các cuộc tấn công liên tiếp tại Donbass.
Tuy vậy, rủi ro mà hai bên phải đối mặt là rất lớn. Ukraine cần xem xét việc duy trì nhịp độ tấn công để không bị tổn thất quá nhiều binh lực và vật lực, còn Nga phải chịu áp lực lớn khi vừa tìm cách tăng cường khả năng phòng thủ tại Kursk, lại vừa duy trì đà tiến ở miền Đông Ukraine. Trong bối cảnh căng thẳng đó, viện trợ của phương Tây đối với Ukraine được cho là một trong những yếu tố chính quyết định cán cân giữa hai bên.