Đòn đáp trả của Trung Quốc với Mỹ và nguy cơ chiến tranh thương mại
VOV.VN - Bắc Kinh đã công bố một gói các biện pháp kinh tế rộng rãi nhằm vào Mỹ hôm 4/2, đáp trả việc Tổng thống Donald Trump áp thuế 10% với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Đánh giá đòn đáp trả của Trung Quốc với Mỹ
Các mức thuế mới do Bộ Tài chính Trung Quốc công bố, đánh thuế 15% đối với một số loại than và khí tự nhiên hóa lỏng, cùng với mức thuế 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp, ô tô phân khối lớn và xe bán tải của Mỹ. Các biện pháp này có hiệu lực vào ngày 10/2.
Bộ thương mại và Cơ quan hải quan Trung Quốc cũng đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới có hiệu lực ngay lập tức với hơn 20 sản phẩm kim loại và công nghệ liên quan, trong đó bao gồm vonfram - một loại khoáng chất quan trọng thường được sử dụng trong các thiết bị công nghiệp và quốc phòng, cùng với tellurium, được sử dụng để sản xuất pin mặt trời.
Bộ này cũng cho biết họ đã thêm 2 công ty của Mỹ - công ty công nghệ sinh học Illumina và nhà bán lẻ thời trang PVH Group, chủ sở hữu của Calvin Klein và Tommy Hilfiger - vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy, nói rằng họ "vi phạm các nguyên tắc giao dịch thị trường thông thường".
Một người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hôm 4/2 rằng họ đã phát hiện ra PVH phân biệt đối xử và can thiệp vào hoạt động của các công ty Trung Quốc, song người phát ngôn này không cung cấp thông tin chi tiết
PVH đã chỉ trích quyết định trên và cho biết sẽ làm việc với các nhà chức trách Trung Quốc để giải quyết tình hình.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên và thất vọng sâu sắc khi biết quyết định của Bộ Thương mại Trung Quốc. Trong 20 năm hoạt động tại Trung Quốc và tự hào phục vụ khách hàng, theo chính sách, PVH luôn tuân thủ nghiêm ngặt mọi luật lệ và quy định liên quan cũng như hoạt động theo các tiêu chuẩn và thông lệ đã được thiết lập của ngành", người phát ngôn của PVH cho hay.
Trong một tuyên bố riêng, Cục Quản lý Thị trường Nhà nước Trung Quốc thông báo họ đang tiến hành điều tra Google vì nghi ngờ tập đoàn này vi phạm luật chống độc quyền.
Một loạt thông báo, được đưa ra sau khi mức thuế 10% áp dụng rộng rãi với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ do Nhà Trắng công bố hôm 1/2, đã có hiệu lực
Các biện pháp của Trung Quốc dường như có tác động tiềm tàng đến nền kinh tế và doanh nghiệp Mỹ. Chẳng hạn, theo ước tính của chính phủ Mỹ từ năm 2020, Trung Quốc là nhà sản xuất quặng vonfram hàng đầu thế giới, chiếm hơn 80% sản lượng thế giới. Tuy nhiên, các mặt hàng chịu thuế chỉ chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng thể thương mại song phương.
Julian Evans-Pritchard, Người đứng đầu bộ phận Kinh tế Trung Quốc tại công ty phân tích tài chính Capital Economics ngày 4/2 cho biết: "Các biện pháp này tương đối khiêm tốn, ít nhất là so với các động thái của Mỹ và rõ ràng đã được điều chỉnh để cố gắng gửi đi một thông điệp tới Mỹ cũng như người dân trong nước mà không gây ra quá nhiều thiệt hại".
Ông cũng nói thêm rằng, thuế quan của Trung Quốc nhằm vào tối đa 20 tỷ USD trong tổng số hàng nhập khẩu hàng năm của nước này từ Mỹ, chiếm khoảng 12% tổng số, cách biệt "khá xa" so với hơn 450 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mà Mỹ nhắm tới.
Bắc Kinh đã chỉ trích mạnh mẽ các mức thuế quan đó trong một tuyên bố ngày 2/2 và khẳng định sẽ "kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình" bằng cách đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thực hiện "các biện pháp đối phó tương ứng".
Trong một tuyên bố ngày 4/2, Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận họ đã đưa ra các biện pháp thuế quan của chính quyền ông Trump lên cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
"Động thái của Mỹ làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, làm suy yếu nền tảng hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như phá vỡ sự ổn định của chuỗi công nghiệp và cung ứng toàn cầu", Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay.
Cuộc chiến thương mại mới
Các biện pháp của Trung Quốc đánh dấu những gì có thể mở màn cho một cuộc chiến thương mại mới ăn miếng trả miếng giữa Washington và Bắc Kinh. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng tiếp tục đối thoại hoặc đạt được thỏa thuận giữa hai bên,
Nhà Trắng đã công bố mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc hôm 1/2 như một phần của các biện pháp thương mại rộng hơn nhắm vào cả Mexico và Canada - một phần trong những gì mà chính quyền ông Trump cho là một nỗ lực để buộc các quốc gia này phải chịu trách nhiệm về tình trạng nhập cư bất hợp pháp cũng như dòng chảy fentanyl và ma túy vào Mỹ.
Ông Trump đã đồng ý sẽ "tạm dừng ngay lập tức" thuế quan với Mexico và Canada sau khi có các cuộc trao đổi riêng với lãnh đạo các nước này hôm 3/2, 1 ngày trước khi lệnh áp thuế đối với hàng hóa từ cả 3 quốc gia có hiệu lực. Cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tăng cường an ninh dọc biên giới.
Ông Trump cho biết hôm 3/2 rằng ông hy vọng có thể trao đổi với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong 24 giờ tới. Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận bất kỳ cuộc gọi nào. Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết sau đó rằng cuộc điện đàm có thể diễn ra "trong vài ngày tới".
Cuộc trao đổi tiềm năng này diễn ra khi Bắc Kinh và Washington muốn định hình mối quan hệ của họ và giải quyết một loạt vấn đề gai góc, bao gồm thâm hụt thương mại, cạnh tranh về công nghệ, quân sự và hoạt động buôn bán fentanyl.
Cơ quan thực thi pháp luật Mỹ tin rằng một số thực thể có trụ sở tại Trung Quốc cung cấp các hóa chất tiền chất có thể được sử dụng để sản xuất fentanyl thành phẩm trong các phòng thí nghiệm do các băng đảng ma túy ở Mỹ và Mexico điều hành. Canada chỉ chiếm 0,2% số vụ tịch thu fentanyl tại biên giới Mỹ.
Bắc Kinh đã bảo vệ những nỗ lực kiểm soát xuất khẩu các hóa chất tiền chất được sử dụng để sản xuất fentanyl và cho biết mức thuế mới nhất sẽ "làm xói mòn nền tảng của lòng tin và sự hợp tác trong lĩnh vực kiểm soát ma túy giữa Trung Quốc và Mỹ".
Cơ hội nào cho một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc?
Mức thuế 10% còn lâu mới so sánh được với mức thuế lên tới 60% mà ông Trump gợi ý rằng ông có thể áp dụng với hàng hóa Trung Quốc trong quá trình vận động tranh cử, báo hiệu rằng có thể sẽ còn nhiều màn ăn miếng trả miếng hơn nữa nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận về nhiều vấn đề rộng hơn.
Ông Trump vận động tranh cử với mục tiêu giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc và ngay trong ngày đầu nhậm chức, ông đã ra lệnh xem xét lại mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc, dự kiến diễn ra vào 1/4. Kết quả của quá trình này có thể tạo cơ sở cho việc áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Những biện pháp này có thể giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại sâu sắc giữa hai nước trong khi ông Trump đã liên kết cụ thể mức thuế 10% đối với hoạt động buôn bán fentanyl.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông hy vọng các nước có thể đạt được một thỏa thuận thương mại và cùng nhau giải quyết các vấn đề, bao gồm cả việc chấm dứt xung đột ở Ukraine. Ông cũng tạm dừng việc thực thi luật yêu cầu cấm ứng dụng mạng xã hội TikTok nếu công ty mẹ ở Trung Quốc của ứng dụng này không thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh tại Mỹ.
Những vấn đề trên sẽ được đưa vào các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra giữa hai nước trong những tuần và tháng tới.
Bắc Kinh cũng đã ra tín hiệu về ý định tránh một cuộc chiến thương mại leo thang như cuộc chiến từng diễn ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Vào thời điểm đó, Nhà Trắng đã áp thuế với hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc trong khi Bắc Kinh cũng có các động thái trả đũa.
Trung Quốc đã đa dạng hóa nền kinh tế và các đối tác thương mại của mình kể từ đó nhưng nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của nước này đang phải vật lộn với tăng trưởng chậm và những thách thức khác.