Thực tế trớ trêu khi ông Trump gợi ý Ukraine đổi đất hiếm lấy viện trợ
VOV.VN - Ông Trump gợi ý Ukraine có thể đổi đất hiếm lấy viện trợ nhưng loại khoáng sản mà Mỹ quan tâm nhất lại nằm trong những khu vực Nga kiểm soát hoặc bị đe dọa bởi các cuộc tiến công của Moscow.
Thực tế trớ trêu của đề xuất đổi đất hiếm lấy viện trợ
Tổng thống Trump ám chỉ rằng ông sẵn sàng cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine để đổi lấy quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản của nước này. Ukraine đã đồng ý nhưng việc thực hiện kế hoạch trên có thể không dễ dàng khi nhiều loại khoáng sản mà Mỹ quan tâm nhất nằm trong những khu vực Nga kiểm soát hoặc bị đe dọa bởi các cuộc tiến công của Moscow.
Do đó, việc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị của Ukraine, đặc biệt là đất hiếm sẽ phụ thuộc ít nhất là vào kết quả cuộc giao tranh giành miền Đông Ukraine - nơi các lực lượng của Moscow hiện đang tiến quân chậm nhưng chắc. Đất hiếm là một tập hợp các khoáng sản thiết yếu trong một số ngành công nghiệp công nghệ cao, bao gồm quốc phòng và năng lượng tái tạo mà ông Trump đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt. Hiện nay, phần lớn nguồn cung đất hiếm trên thế giới đến từ Trung Quốc.
"Chúng tôi đang tìm cách đạt được một thỏa thuận với Ukraine, theo đó họ sẽ đảm bảo những gì chúng tôi cung cấp cho họ bằng đất hiếm và những thứ khác", ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 3/2.
Theo bản đồ của Cục Khảo sát Địa chất Ukraine, mặc dù các mỏ đất hiếm đã được tìm thấy tại một số khu vực của Ukraine nhưng cho đến nay mỏ lớn nhất được biết đến đang nằm trong vùng lãnh thổ trải dài trên tiền tuyến phía Đông.
Ukraine cũng có các mỏ khoáng sản lớn có giá trị, bao gồm lithium, coban và titan. Ukraine cho biết họ có trữ lượng titan lớn nhất châu Âu, được sử dụng để sản xuất hợp kim dùng trong máy bay và tàu chiến cùng với lithium được sử dụng trong sản xuất pin.
Kế hoạch cung cấp cho các đối tác phương Tây quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine để đổi lấy sự hỗ trợ quân sự và tài chính đã được Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra lần đầu tiên trong "Kế hoạch Chiến thắng" mà ông đã trình lên ông Trump và các quan chức Mỹ vào mùa thu năm ngoái. Phát biểu hôm 4/2, ông Zelensky nhắc lại rằng ông sẵn sàng để Mỹ phát triển các nguồn tài nguyên của Ukraine nếu họ tiếp tục vận chuyển vũ khí đến Kiev.
"Nga đã chiếm đất đai của chúng tôi kể từ năm 2014 và một vài khu vực trong số đó chứa trữ lượng đáng kể tài nguyên. Chúng tôi sẵn sàng phát triển các nguồn tài nguyên này cùng với các đối tác của mình - những bên giúp chúng tôi bảo vệ đất nước và đẩy lùi đối thủ bằng vũ khí, sự hiện diện và các gói trừng phạt của họ. Điều này hoàn toàn công bằng".
Đề xuất của ông Trump về việc trao đổi tài nguyên để lấy viện trợ quân sự cũng nhất quán với những bình luận trong nhiệm kỳ đầu của ông rằng nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của Afghanistan có thể chi trả cho cuộc chiến ở đó.
Điểm yếu lớn nhất của kế hoạch
Các chuyên gia phương Tây bày tỏ sự hoài nghi về việc một số khoáng sản của Ukraine, bao gồm cả đất hiếm, có thể được khai thác bất cứ lúc nào trong tương lai gần.
"Điểm yếu lớn nhất của kế hoạch này là hầu hết các nguồn dự trữ đều nằm ở các khu vực do Nga kiểm soát hoặc rất gần tiền tuyến, nghĩa là không ai có thể khai thác và xử lý các vật liệu này", ông Wolf-Christian Paes, học giả cấp cao về xung đột vũ trang tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho hay. Ông cũng nhận định: "Sẽ rất khó để tiếp cận những tài sản này nếu không có hòa bình lâu dài ở Ukraine. Một lệnh ngừng bắn là không đủ".
Ngoài ra, việc khai thác đất hiếm rất đắt đỏ và các mỏ ở Ukraine nhỏ hơn nhiều so với ở Mỹ, George Ingvall, một nhà phân tích tại Benchmark Minerals Intelligence cho biết.
Trong khi đó, ông Vadym Denysenko, một nhà phân tích chính trị và là cựu nghị sĩ Ukraine nhận định, theo ý tưởng trên, các nguồn tài nguyên của Ukraine sẽ mở ra cho các đồng minh phương Tây khai thác sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình.
"Đúng vậy, chúng tôi có một số nguồn khoáng sản lớn ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng nhưng chúng tôi cũng có rất nhiều khoáng sản không nằm trong các vùng lãnh thổ đó. Nếu có một thỏa thuận hòa bình thực sự thì những việc sau đó sẽ không thành vấn đề", ông Vadym Denysenko nói.
Viện trợ từ Mỹ, bao gồm tên lửa tầm xa, hệ thống phòng không tiên tiến và nguồn cung đạn pháo ổn định là yếu tố thiết yếu giúp Ukraine phòng thủ trước cuộc tấn công của Nga trong gần 3 năm. Nếu Tổng thống Trump cắt đứt hỗ trợ vũ khí như ông từng nói trong chiến dịch tranh cử thì Ukraine có thể sớm phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ về mặt quân sự.
Mặc dù ông Trump hiện sẵn sàng hỗ trợ cho Ukraine - miễn là có lợi cho Mỹ nhưng ông cũng nói về việc cần giảm bớt gánh nặng tài chính trong viện trợ cho Kiev. Ngoài việc đưa ra ý tưởng trao đổi viện trợ để lấy quyền tiếp cận khoáng sản đất hiếm vào 3/2, ông Trump cũng chỉ trích các đồng minh châu Âu vì không gánh vác phần hỗ trợ lớn hơn.
"Họ đi sau chúng ta rất nhiều về mặt tiền bạc. Ít nhất là họ nên chi trả bằng với chúng ta", ông Trump nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mô tả những bình luận của ông Trump về thỏa thuận trao đổi lấy tài nguyên của Ukraine là một lời đề nghị Kiev mua viện trợ thay vì nhận miễn phí.
"Tất nhiên, tốt hơn là không cung cấp khoản viện trợ nào cho Ukraine", Tass dẫn lời ông Peskov nói với các phóng viên hôm 4/2.