Đòn trừng phạt - Công cụ "át chủ bài" của Trump liệu còn được Biden tận dụng?
VOV.VN - Đòn trừng phạt, vốn là công cụ át chủ bài của Tổng thống Trump khi thực hiện các chính sách đối ngoại, liệu có còn được ông Biden tận dụng?
Công cụ “át chủ bài” của chính quyền Tổng thống Trump
Chính quyền Tổng thống Trump đã áp một loạt các lệnh trừng phạt với tần suất phá vỡ mọi kỷ lục với các biện pháp hạn chế nhằm vào các công ty, các cá nhân và thậm chí các tàu chở dầu có liên hệ với Iran, Triều Tiên, Trung Quốc, Venezuela và Nga.
Trong khi đó, đội ngũ của Tổng thống đắc cử Joe Biden khẳng định sẽ xem xét lại từ đầu đến cuối các chiến dịch trừng phạt trên. Khoảng 7 tuần trước khi nhậm chức, việc lựa chọn các quan chức hàng đầu trong chính quyền mới của ông Biden đã cho thấy lệnh hạn chế về kinh tế với một số quốc gia vẫn là một công cụ hiệu quả, thậm chí cả khi họ không thích mọi thứ về cách Tổng thống Trump sử dụng chúng.
Việc thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt có vai trò cần thiết đã cho thấy vị trí trung tâm của chúng trong cách thức Mỹ tiến hành chính sách đối ngoại qua việc sử dụng sức mạnh kinh tế cũng như sức mạnh quân sự để đạt được mục tiêu, thậm chí cả khi các đồng minh thân cận phản đối. Mặc dù ông Biden muốn tách rời các chính sách của ông Trump càng nhiều càng tốt nhưng các chuyên gia và các nhà quan sát nhận định, Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể sẽ tiếp tục theo đuổi hướng tiếp cận cứng rắn của Tổng thống Trump.
Trong nỗ lực thúc đẩy hướng tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" với các cuộc khủng hoảng địa chính trị, đội ngũ của Tổng thống Trump đã nghĩ ra những hình thức gây sức ép về kinh tế mới, kết hợp giữa các biện pháp trừng phạt thông thường như thuế quan, kiểm soát xuất khẩu với các biện pháp trừng phạt phụ (secondary sanction) để trừng phạt đồng minh và kẻ thù như nhau.
Phớt lờ cảnh báo rằng nền kinh tế Trung Quốc quá lớn và có mối liên hệ quá chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Trump đã nhiều lần trừng phạt các quan chức và công ty Trung Quốc, mới đây là việc 14 quan chức liên quan đến vấn đề Hong Kong (Trung Quốc) bị trừng phạt ngày 7/12 vừa qua. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tiến hành các lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào Iran bất chấp sự phản đối từ các đồng minh châu Âu.
Theo dữ liệu do Gibson Dunn thu thập, dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã thực hiện hơn 3.900 hoạt động trừng phạt với sự gia tăng đáng kể vào năm 2018 khi Washington tuyên bố nối lại nhiều lệnh trừng phạt Tehran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Hiện không có chính quyền trước đó nào ở Mỹ vượt quá 700 lệnh trừng phạt/năm.
Đội ngũ của ông Biden, vốn thận trọng với việc sử dụng công cụ này trước khi nhậm chức, đang cân nhắc về việc nên tiếp tục hay dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Tổng thống Trump mặc dù ông Biden tuyên bố sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran, trong đó yêu cầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt theo một vài cách thức nào đó. Dù vậy, trong một bài báo của CNN hồi tháng 9, ông Biden đã khẳng định rằng, chính quyền của ông sẽ tiếp tục các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
"Chúng ta phải tập trung vào vai trò quan trọng của Bộ Tài chính trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Điều này bao gồm việc sử dụng các lệnh trừng phạt để khiến một số nhân tố xấu phải chịu trách nhiệm", ông Adewale “Wally” Adeyemo, nhân vật quyền lực thứ hai trong Bộ Tài chính, đã phát biểu khi được đề cử ngày 1/12.
Một thách thức mà ông Biden sẽ đối mặt là sự phức tạp của các lệnh trừng phạt hiện nay khiến họ khó có thể thực hiện cũng như xử lý mà không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.
Một số nhà phân tích cho rằng chính quyền Tổng thống Trump quá lạm dụng các lệnh trừng phạt khi sử dụng chúng để giải quyết gần như mọi vấn đề đối ngoại.
Biden có tiếp tục kế thừa các biện pháp trừng phạt của Trump?
Trong khi đó, đội ngũ của ông Biden cho biết nếu sử dụng đến các lệnh trừng phạt, họ sẽ hợp tác với các quốc gia có cùng lợi ích chứ không phải chống lại họ.
"Những gì tôi mong đợi là chứng kiến một chiến lược bao quát, chú ý nhiều hơn đến các liên minh đa phương và các đối tác của chúng ta", Adam Szubin, cựu quyền Thứ trưởng phụ trách vấn đề tình báo tài chính và chống khủng bố phát biểu tại hội nghị của Viện An ninh Quốc gia ngày 1/12.
Hướng tiếp cận của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump trở nên thù địch hơn với lập luận rằng, các công ty sẽ phải tuân thủ quy tắc dù họ có thích hay không bởi giá trị của việc tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ. Những phàn nàn về việc lạm dụng lệnh trừng phạt tài chính sẽ làm suy giảm ưu thế của đồng USD đều nhanh chóng bị bác bỏ.
Giữa bối cảnh ông Biden chuẩn bị nhậm chức, sẽ không có mục tiêu trừng phạt nào lớn hơn Iran. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Mỹ đã trừng phạt 1.500 người và các thực thể ở Iran với 77 vòng trừng phạt riêng lẻ, chiếm khoảng gần một nửa trong số các lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Trump.
"Chúng tôi biết chiến dịch của chúng tôi đang hiệu quả, bởi hiện nay Iran đang thể hiện rằng họ sẵn sàng quay lại bàn đàm phán để được dỡ bỏ trừng phạt", ông Pompeo cho hay.
Các chuyên gia về lệnh trừng phạt cho biết, mặc dù các lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Trump khá hiệu quả nhưng đôi khi chúng không hoàn toàn phục vụ mục đích kinh tế, mà nghiêng về mục tiêu quan hệ công chúng nhiều hơn, chẳng hạn như thể hiện cho người dân Mỹ thấy là họ đang cứng rắn với một chính quyền nước ngoài nào đó. Các nhà phân tích trên cũng cho rằng điều này sẽ không xảy ra dưới thời chính quyền ông Biden.
"Tôi không nghĩ chính quyền ông Biden sẽ thu hẹp quy mô các lệnh trừng phạt mà thay vào đó, họ sẽ giảm bớt việc sử dụng sai lầm các lệnh trừng phạt", Daniel Fried, cựu đại sứ, trợ lý Bộ trưởng và là người điều phối các lệnh trừng phạt ở Bộ Ngoại giao cho hay./.