Đông Bắc Á 2015: Tiếp tục căng về vấn đề lãnh thổ
VOV.VN - Tranh chấp chủ quyền biển đảo vẫn là chủ đề ảnh hưởng tới khu vực Đông Bắc Á trong năm 2015
Quan hệ giữa các nước Đông Bắc Á trong năm 2014 cho dù vẫn còn bất đồng liên quan tới các vấn đề chủ quyền lãnh thổ và lịch sử, tuy nhiên, quan hệ giữa các quốc gia đã có những chuyển biến đáng kể, một phần nhờ sự thay đổi cơ cấu nhân sự lãnh đạo cấp cao cũng như những động thái “xích lại gần nhau” của một số quốc gia trong khu vực. Như vậy, khu vực Đông Bắc Á đi qua một năm 2014 bớt sóng gió hơn cho dù triển vọng của mối quan hệ ngoại giao giữa các nước vẫn chưa thật sự sáng sủa trong năm 2015.
Trung-Nhật đối đầu, Trung-Hàn tăng cường hợp tác kinh tế
Đầu năm 2014, căng thẳng nổi lên trong quan hệ Trung-Nhật liên quan tới vùng biển Hoa Đông, nơi có quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Tuy vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cái bắt tay tạm gọi là “hòa giải” ở Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 diễn ra ngày 11/11/2014 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Mặc dù điều này chưa phải là sự cải thiện mạnh mẽ trong quan hệ song phương, song cũng chứng tỏ cả Trung Quốc và Nhật Bản đều nhận thấy cần xoa dịu bất đồng sau gần hai năm khiến quan hệ song phương gần như “đóng băng”.
Từ trái qua phải, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Cũng trong số những sự kiện ngoại giao nổi bật của khu vực Đông Bắc Á trong năm 2014 là chuyến công du Hàn Quốc hai ngày 3-4/7 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thúc đẩy quan hệ đối tác chính trị-kinh tế Trung Quốc-Hàn Quốc lên một tầm cao mới. Đây cũng là lần đầu tiên một Chủ tịch nước Trung Quốc đến Hàn Quốc mà không ghé qua Triều Tiên, cho thấy tầm quan trọng gia tăng trong quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc, đồng thời báo hiệu trục trặc trong quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh (Ảnh:Reuters)
Trong khi đó, Nhật Bản và Triều Tiên cũng có dấu hiệu xích lại gần nhau với việc hai nước nhất trí đàm phán giải quyết các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản trong quá khứ. Đổi lại, Nhật Bản cũng đồng ý nới lỏng một số biện pháp cấm vận và cam kết nối lại viện trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng.
Nhật-Hàn lạnh nhạt nhiều bề
Trái lại, quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản có chiều hướng đi xuống khi Hàn Quốc công khai không hài lòng với những câu hỏi gần đây của Nhật Bản về “Tuyên bố Kono”, và cho rằng Nhật Bản không thực hiện trách nhiệm đầy đủ về những vấn đề lịch sử liên quan tới chiến tranh trước đây. Ngoài ra, quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản còn “lấn cấn” về các vấn đề xung quanh tranh chấp đảo Takeshima/Dokdo.
Phía Hàn Quốc coi đây là thách thức ngoại giao và mạnh mẽ lên án. Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản triển khai các nỗ lực ngoại giao và không có hành động đi ngược lại trào lưu thời đại.
Trong quan hệ kinh tế, Hàn Quốc vẫn tỏ ra lo lắng nhiều về tương lai kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ giảm. Việc chính sách “Abenomics” không mang lại hiệu quả như mong muốn khiến nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục khó khăn, hơn nữa sẽ gây ảnh hưởng xấu tới các nền kinh tế khác.
Theo Hàn Quốc, trong trường hợp chính sách này thất bại thì đầu tư của Nhật Bản vào Hàn Quốc sẽ giảm, hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ bị phá vỡ, kéo theo thiệt hại lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc.
Một chuyên gia kinh tế của Mỹ phân tích rằng: “Chính sách “Abenomics” có hai mặt. Nếu chính sách được thực hiện thành công thì các công ty của Nhật sẽ làm cho lực cạnh tranh của các công ty Hàn Quốc giảm, cũng là mối lo ngại của Hàn Quốc. Nếu chính sách thực hiện không thành công cũng sẽ ảnh hưởng tới Hàn Quốc. Còn nếu chính sách thực hiện thành công một nửa cũng không thể nói là có lợi cho Hàn Quốc”.
2015: Vẫn căng vấn đề lãnh thổ
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng những biến chuyển trên có thể chỉ là tạm thời bởi quan hệ ngoại giao ở Đông Bắc Á vẫn chưa thể có sự đột phá trong “một sớm một chiều” trong bối cảnh các nước Đông Bắc Á đều đang nỗ lực thực hiện chính sách “cân bằng ngoại giao” nhằm cân bằng mối quan hệ với các đối tác cụ thể để hướng tới những lợi ích kinh tế quốc gia.
Một vấn đề tồn tại trong năm 2015 mà các nước Đông Bắc Á tiếp tục phải giải quyết đó là vấn đề sách giáo khoa, nô lệ tình dục, thảm sát Nam Kinh. Ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhiều lần mở các cuộc gặp cấp chính phủ, nhưng những vấn đề trên vẫn dậm chân tại chỗ, không tìm thấy tiếng nói chung.
Như vậy, về tổng thể, sự căng thẳng quan hệ giữa các nước trong khu vực Đông Bắc Á trong năm 2014 đã có phần lắng dịu sau nhiều biến động không thuận lợi. Song những tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hay quan hệ liên Triều dự kiến vẫn là những quân cờ quan trọng ảnh hưởng tới bàn cờ an ninh, chính trị và kinh tế khu vực Đông Bắc Á trong năm 2015./.