Đồng minh Trung Đông lần lượt sắm S-400 của Nga: Mỹ “đứng ngồi không yên”
VOV.VN - Hệ thống S-400 của Nga đang làm “chao đảo” Trung Đông và khiến vị thế của Mỹ ở khu vực bị “lung lay”.
Quyết định "không lay chuyển" của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar về việc mua hệ thống phòng không S-400 một lần nữa cho thấy những thách thức ngày càng gia tăng ở Trung Đông đối với chính sách ngoại giao của Mỹ. Vấn đề ở đây không phải là liệu Washington có nên tiếp tục duy trì tầm sự hiện diện thống trị trong khu vực hay không mà là Mỹ có thể đạt được những mục tiêu chiến lược của mình trong môi trường Trung Đông đầy thách thức như thế nào.
Mỹ “đứng ngồi không yên” khi các đồng minh lần lượt sắm vũ khí Nga. Ảnh: Reuters |
Cú “phớt lờ” từ các đồng minh Trung Đông
Trong suốt 2 thập kỷ qua, có một cuộc tranh luận sôi nổi về tương lai chính sách Trung Đông của Mỹ. Theo đó, cuộc tranh luận này nêu ra quan điểm rằng Washington nên chấm dứt các chính sách liên quan đến khu vực hỗn loạn này và rút quân về nước, đặc biệt trong bối cảnh sản lượng dầu đá phiến và khí đốt ở Mỹ tăng mạnh và tình hình Trung Đông ngày càng bất ổn.
Tuy nhiên, rõ ràng Trung Đông quá quan trọng với an ninh và sự thịnh vượng khiến Mỹ không dễ dàng "dứt áo" rời khỏi khu vực này. Mỹ sẽ phải điều chỉnh lại chính sách trong khu vực khi mà nhiều công cụ từng được sử dụng trong lịch sử không còn hiệu quả nữa.
Lợi ích khu vực của Mỹ cũng ngày càng bị đe dọa khi các đồng minh của Washington lần lượt sắm hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ngày 5/3/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ tái khẳng định rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục mua hệ thống S-400 của Nga, Washington sẽ xem xét lại sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình F-35, cũng như những thương vụ chuyển giao vũ khí trong tương lai. Dù vậy, cảnh báo của Mỹ vẫn không thể nào thay đổi quyết định mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Không chỉ vậy, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cũng khẳng định rằng nước này vẫn đang tiếp tục xem xét mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Điều này tức là 2 đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực không chỉ lần lượt "phớt lờ" các cảnh báo từ phía Mỹ mà còn kiên quyết mua hệ thống tên lửa từ đối thủ địa chính trị của Washington
Một điều có thể nhận thấy đằng sau các động thái này từ phía các đồng minh của Mỹ là nó cho thấy chất lượng các sản phẩm công nghệ quốc phòng của Nga. Cùng với Mỹ, Nga hiện vẫn là một quốc gia hàng đầu thế giới trong ngành quốc phòng công nghệ cao.
Các chuyên gia cho rằng việc đánh giá thấp Nga không giúp ích gì cho chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông hay bất kỳ nơi nào khác. Trong lịch sử, ngành quốc phòng của Nga là một trong các trụ cột kinh tế của nước này. Rõ ràng lợi ích của Mỹ ở Trung Đông liên quan đến vũ khí Nga có thể sẽ bị tổn thất, nhất là đối với ngành xuất khẩu quốc phòng của Mỹ.
Thế khó của Mỹ trước các đồng minh
Quay trở lại câu chuyện về vấn đề địa chính trị ở Trung Đông, điều đáng chú ý là dù sức mạnh của Moscow trong khu vực ở mức độ nào thì Washington cũng cần củng cố các "vũ khí" chính trị tại khu vực. Rõ ràng Mỹ có thể gia tăng sức ép và buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải hủy bỏ thỏa thuận mua S-400 với Nga. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Mỹ có lẽ đã nhìn xa hơn khi đánh giá được rằng một cuộc đối đầu quy mô rộng với đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đem lại nhiều lợi ích khi mà sự hợp tác với Ankara là vô cùng cần thiết với Washington hiện nay để giải quyết một loạt các vấn đề quan trọng, từ tương lai của Syria, việc Nga xuất khẩu năng lượng tới châu Âu cho tới Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cũng như những tham vọng tên lửa và hạt nhân của Iran.
Ngoài ra, tình hình hiện nay ở Trung Đông cũng diễn biến ngày càng phức tạp. Ngoại trừ Iran và Syria, gần như các nước Trung Đông còn lại đều là đồng minh chính thức của Mỹ. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng khiến Mỹ có khả năng đạt được các mục tiêu của mình. Những quốc gia trong khu vực này bản thân họ cũng đứng trước sức ép về việc đạt được những mục tiêu về chính trị và ngoại giao nhằm chống lại những toan tính của các nước láng giềng.
Trong một cuộc họp báo ngày 4/3/2019, Ngoại trưởng Qatar đã nhấn mạnh nước này đang cân nhắc đến các thỏa thuận mua bán vũ khí với Nga bất chấp những phản ứng tiêu cực từ Saudi Arabia và khẳng định rằng "đó không phải là việc của họ". Dù vậy, một điều không mấy ngạc nhiên là Saudi Arabia cũng thể hiện sự hứng thú nhất định với hệ thống phòng không của Nga, đặc biệt khi hệ thống này nhận được nhiều khen ngợi từ các chuyên gia.
Những diễn tiến này cho thấy 2 quốc gia vùng Vịnh, 2 đồng minh có vai trò quan trọng với an ninh và các kế hoạch quân sự của Mỹ cũng đang cân nhắc đến việc mua các vũ khí của Nga như một phần trong kế hoạch tự bảo vệ mình trước những quốc gia khác trong khu vực. Suy cho cùng, các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông đều đang chọn lựa giữa việc đứng về phía Washington hay bảo vệ lợi ích quốc gia trước những thách thức tiềm tàng từ những “người hàng xóm” nguy hiểm và đây chính là bài toán khó cho các nhà chính sách của Mỹ bởi họ không biết nên bắt đầu từ đâu để giải quyết vấn đề hóc búa này.
Thêm vào đó, khả năng Mỹ sử dụng các đòn trừng phạt như một công cụ nhằm thay đổi quyết định của Tổng thống Tayyip Erdogan về thương vụ mua S-400 của Nga có thể sẽ đem đến một loạt các vấn đề khác. Sau quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018 của Tổng thống Trump, nhiều quốc gia cho rằng Washington sẵn sàng sử dụng quyền lực kinh tế để đạt được những mục tiêu trong chính sách đối ngoại bằng cách cưỡng ép. Do vậy, nếu Mỹ tiếp tục gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ, điều này có thể khiến lời kêu gọi của Nga có thêm sức nặng để tạo nên một cơ chế quốc tế nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nếu điều này xảy ra, hậu quả của nó sẽ vô cùng nghiêm trọng và vượt ngoài mức độ giữa các mối quan hệ ở Trung Đông hay quan hệ Nga - Mỹ.
Rõ ràng trong tình thế hiện nay Washington thiếu các biện pháp để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Nếu các quốc gia Trung Đông khác "nối bước" Ankara mua S-400, rõ ràng vị trí của Mỹ trong khu vực sẽ ngày càng "lung lay". Câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu các nhà chính sách Mỹ sẽ phản ứng như thế nào trước sự thay đổi căn bản về vị thế của Mỹ ở Trung Đông - khu vực đóng vai trò quan trọng với thịnh vượng và an ninh nước Mỹ./.
Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO thứ 2 mua S400 của Nga