Dự đoán của Lý Quang Diệu về tương lai đen tối của EU
Trong cuộc phỏng vấn năm 2012, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã nhận định Liên minh châu Âu (EU) mở rộng quá nhanh và dự đoán khối này có thể thất bại.
Từ cuối năm 2009, khi cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu lan rộng tại châu Âu, ông Lý Quang Diệu đã nhiều lần được đề nghị cho biết quan điểm của mình về tình hình tại châu lục này. Và ngay từ khi đó, ông đã có những cái nhìn rất thấu đáo và đầy lo ngại, theo Straits Times.
Cựu thủ tướng của Singapore Lý Quang Diệu (phải) trong cuộc gặp với cựu thủ tướng Tây Đức Helmut Schmidt năm 2012. Hai ông hiện đã qua đời. (Ảnh: Strait Times) |
Tháng 9/2011, cựu lãnh đạo Singapore trong một cuộc đối thoại đã dự báo sự sụp đổ của đồng Euro, và nói rằng sẽ là "một công việc đầy đau đớn", nhưng một châu Âu bình đẳng với mọi thành viên là điều quá khó. Thời điểm đó, cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu đã bước sang năm thứ hai.
Tại cuộc nói chuyện tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ông cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nỗ lực hết sức để tránh cho đồng Euro sụp đổ, bởi đó sẽ là "một sự thừa nhận rằng lý tưởng của họ về một châu Âu thống nhất là không thể đạt được".
"Tôi không tin họ sẽ cứu được nó. Dẫu vậy, họ sẽ cố gắng và đang tiếp tục làm việc này", ông nói thêm.
Khi được một khán giả hỏi việc liệu Singapore có mua trái phiếu của các nước châu Âu đang chìm trong nợ nần hay không, ông Lý khẳng định tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Singapore chỉ bằng một phần của EU, và do đó "không thể nào cứu được châu Âu, và tôi cũng không nghĩ rằng việc mua trái phiếu của họ sẽ đồng nghĩa với cứu được họ".
Nhà lãnh đạo kỳ cựu cũng cho rằng đồng tiền chung của 17 quốc gia EU chính là vấn đề. "Vấn đề căn bản của đồng Euro là nó khiến cho mọi người, mọi quốc gia châu Âu bước đi với cùng một nhịp, trong khi đó mỗi quốc gia lại có những nhịp đập riêng và bạn không thể trông chờ người Hy Lạp di chuyển cùng nhịp với người Đức. Do đó, vấn đề này sẽ không thể giải quyết".
"Cuối cùng, tôi cũng không biết là khi nào, nhưng sẽ phải có sự thừa nhận rằng lý tưởng đó là nằm ngoài tầm với. Một châu Âu được phân thành hai thậm chí ba nhóm là có thể đạt được, nhưng một châu Âu nhất thể hóa với những thói quen chi tiêu, tiết kiệm và quy định khác nhau là quá khó", ông Lý nhận xét thêm.
Đồng euro được đưa vào lưu thông năm 1999 với hy vọng sẽ gia tăng hợp tác kinh tế và tăng trưởng tại châu Âu, trong khi nâng cao vị thế của EU trên trường quốc tế. Tuy nhiên, khi nhiều quốc gia trong khu vực đồng Euro đối diện với khủng hoảng nợ, liên minh đồng tiền chung này đã chịu chỉ trích, khi họ buộc các quốc gia châu Âu khác phải cứu trợ các thành viên gặp khủng hoảng. Ngoài ra, EU cũng khiến các nhà hoạch định chính sách mất đi sự linh hoạt trong chính sách tiền tệ - một công cụ ngăn ngừa suy thoái.
Ông Lý cũng cho biết ông không tin Trung Quốc sẽ hứng thú với việc "giải cứu châu Âu chỉ vì một mục đích duy nhất là giúp châu Âu. Họ chỉ quan tâm tới việc mua trái phiếu châu Âu giá rẻ và hy vọng rằng sẽ thu lợi lớn". Truyền thông thời điểm đó ước tính khoảng 1/4 dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có thể là đồng Euro.
Tới tháng 5/2012, khi ông Lý gặp người bạn cũ là cựu thủ tướng Tây Đức Helmut Schmidt, cả hai đã được tờ Die Zeit của Đức phỏng vấn. Khi đó, ông Lý 89 tuổi còn ông Schmidt 93.
Trước câu hỏi của phóng viên rằng liệu mô hình EU có phải là một niềm cảm hứng cho thế giới, khi châu lục này đã đoàn kết lại sau khi chứng kiến hai cuộc Thế chiến, ông Lý trả lời đầy bất ngờ: "Không, tôi không xem EU là niềm cảm hứng cho thế giới. Tôi thấy đó là một doanh nghiệp đã được nhìn nhận một cách sai lầm bởi nó đang mở rộng quá nhanh và có thể thất bại".
Khi được phóng viên hỏi thêm rằng, vậy có nghĩa là châu Á không thể học hỏi gì từ sự hội nhập của châu Âu, ông Lý nhận định chắc chắn không thể đạt được sự nhất thể hóa theo cách đó.
"Nhưng điều chúng tôi có thể rút ra là nhận thức ngày một lớn hơn về những lợi ích chung, đó là các khu vực tự do thương mại, và từ đó chúng ta có thể phát triển nó từng bước một. Vấn đề của châu Á là vị thế áp đảo của Trung Quốc", ông nói.
"Phải chăng tự do thương mại là tất cả những gì có thể đạt được tại châu Á?", phóng viên tờ Zeit hỏi tiếp. Ông Lý đáp lại rằng "tự do thương mại và cảm giác thuộc về nhau; chúng tôi không chiến tranh với nhau. Chúng tôi giải quyết những khác biệt, đó là thực tế. Chúng tôi gặp nhau thường xuyên, không đe dọa lẫn nhau".
Trong cuốn sách "Lý Quang Diệu: Cách nhìn thế giới" được xuất bản năm 2013, ông Lý cũng dành nhiều thời gian để bàn về tương lai châu Âu.
"Trong vòng 2-3 năm qua, các lãnh đạo châu Âu, bao gồm David Cameron, Nicolas Sarkozy và Angela Merkel, đã tuyên bố một cách riêng rẽ rằng triết lý đa văn hóa đã thất bại tại quốc gia của mình. Nói cách khác, người Thổ Nhĩ Kỳ định cư tại Đức không trở thành người Đức, người Algeria và Tunisia tại Pháp cũng không trở thành người Pháp. Chủng tộc là gốc rễ của sự bất lực trong quá trình hấp thụ này, cho dù các yếu tố tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ cũng là các nhân tố liên quan khác", một đoạn trong cuốn sách viết.
"Nhưng châu Âu cũng không thể dừng dòng người nhập cư bởi họ là những người đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của khu vực. Do đó chúng ta có thể thấy chính phủ các nước châu Âu sẽ để cho người nhập cư tràn vào chừng nào họ còn có thể, và sẽ chỉ dừng lại khi các cuộc bầu cử diễn ra, và các đảng cánh hữu lấn lướt những đối thủ ôn hòa thông qua những tuyên bố đầy giận dữ", ông Lý Quang Diệu viết.
"Sự nhất thể hóa đem lại những hứa hẹn lớn, không chỉ là hòa bình. Một châu Âu đạt được sự nhất thể về mục đích sẽ tạo ra một sức mạnh kinh tế lớn hơn, và quan trọng hơn, một tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Hãy nhìn nước Mỹ. Họ về cơ bản là người châu Âu đã được chuyển tới một lục địa khác và đã bỏ đi sự trung thành theo chủng tộc của mình cùng những ngôn ngữ khác nhau. Nếu châu Âu cũng đi tới nhất thể hóa ở mức độ đó, và trở thành Hợp chủng quốc châu Âu, không gì người Mỹ có thể làm mà người châu Âu không thể."
"Thế nhưng, mọi dấu hiệu đều cho thấy sự nhất thể hóa là không thể. Đến nay họ đã không thể tạo ra một đồng tiền chung hiệu quả, và ít có khả năng sẽ đạt được một chính sách đối ngoại duy nhất hoặc một quân đội duy nhất", ông khẳng định trong cuốn sách.
"Mỗi nước có lịch sử riêng, đều kéo dài nhiều thế kỷ. Mỗi quốc gia đều tự hào về truyền thống của mình. Trên tất cả, họ đều muốn giữ gìn ngôn ngữ của mình – đằng sau đó là những hào quang và văn học. Nước Mỹ đã quyết định mở ra một khởi đầu hoàn toàn mới, tạo ra một nền văn học mới, nhưng châu Âu sẽ không thể làm điều đó. Cho dù tiếng Anh hiện là ngôn ngữ thứ hai tại mọi quốc gia khác, các nước tại lục địa châu Âu sẽ không bao giờ chấp nhận đó là ngôn ngữ chính thống duy nhất", ông viết.
Từ quan điểm đó, ông Lý Quang Diệu tin rằng vị thế của châu Âu trên trường quốc tế sẽ ngày một yếu đi so với các cường quốc chính.
"Trước sự lấn át của các cường quốc lớn khác như Mỹ, Trung Quốc và sau này có thể là Ấn Độ, châu Âu sẽ chỉ còn giữ vai trò của diễn viên phụ. Hầu hết các quốc gia châu Âu sẽ bị đối xử như những quốc gia nhỏ đơn thuần. Nước Đức có thể tiếp tục một mình gánh vác trọng trách, nhờ quy mô dân số và thành công về kinh tế. Người Anh sẽ giữ được một số ảnh hưởng nhờ mối quan hệ đặc biệt xuyên Đại Tây Dương với Mỹ.
Nhưng mặt khác, châu Âu không thể hy vọng có tiếng nói trọng lượng tại bàn đàm phán bên cạnh Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, cho dù một số nhà lãnh đạo châu Âu có thể còn miễn cưỡng chưa muốn thừa nhận điều đó.
Soros: Tương lai châu Âu ảm đạm sau khi Anh rời EU (Brexit)
Xét cho cùng, chúng ta đang so sánh các quốc gia có 40, 50 hoặc 80 triệu dân với Trung Quốc có 1,3 tỷ dân hoặc Ấn Độ có 1,2 tỷ dân. Đặc biệt là người Trung Quốc sẽ thấy rằng một châu Âu chia rẽ sẽ dễ dàng ứng phó hơn. Họ có thể đối phó với từng nước một thay vì cả nhóm. Mỗi quốc gia châu Âu sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc phụ thuộc vào họ. Điều này sẽ còn trở nên rõ ràng hơn bởi kinh tế Trung Quốc đang chuyển sang phát triển dựa trên tiêu dùng nội địa", ông Lý Quang Diệu viết./.