Dư luận Pháp về việc Trung Quốc đưa tên lửa ra Hoàng Sa ở Biển Đông
VOV.VN -Báo chí Pháp cho rằng, Trung Quốc triển khai tên lửa tại Hoàng Sa là một bước tiếp tục trong tham vọng kiểm soát Biển Đông
Việc mới đây Trung Quốc triển khai 2 tổ hợp tên lửa đất đối không HQ 9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) thu hút sự quan tâm của dư luận báo chí Pháp.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Ảnh Reuters) |
Bài viết của François d’Alançon đăng trên tờ La Croix 17/2 nhấn mạnh: "Bằng việc triển khai các tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm (Woody) thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc lại tiến thêm một bước trong việc quân sự hóa Biển Đông"..."Động thái này càng gây ấn tượng khi diễn ra đồng thời với Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN- Mỹ tại California".
Bài viết lưu ý việc Bắc Kinh không công khai bác bỏ việc triển khai tên lửa này, đồng thời nhấn mạnh quyền của họ được xây dựng các hệ thống "tự vệ" tại khu vực này.
Cùng ngày, tờ Les Echos đăng bài viết của Michel de Grandi nêu rõ: Đây là một sự leo thang. Cuộc "khủng hoảng tên lửa" này rõ ràng là một bước mới trong chiến lược “cấm qua lại” trong khu vực của Bắc Kinh. Bài viết dẫn lời của ông Jean-Vincent Brisset, Giám đốc nghiên cứu Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Paris (IRIS) đánh giá: Sau khi đã thực hiện nhiều cuộc bồi đắp tại các đá, xây dựng các đường băng, cảng nước sâu, hải đăng và các công trình khác nhau “Trung Quốc không còn trong quá trình chiếm đóng, mà thực sự đã làm xong việc này”.
Theo ông Jean-Vincent Brisset, 2 hệ thống tên lửa đất đối không là một sự tiếp tục logich. Khó tin rằng Trung Quốc sẽ tự giới hạn trong việc bảo vệ vùng nước chu vi 12 hải lý (tương đương 22 km). Với tầm bắn 200 km, những tên lửa Hongqi 9 này có thể trở thành vũ khí tấn công.
Tờ Le Monde ngày 18/2 đăng bài viết của Harol Thibault đề cập đến việc Trung Quốc triển khai tên lửa tại Hoàng Sa, coi đó như một bước tiếp tục trong tham vọng kiểm soát Biển Đông. Bài viết lưu ý việc Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam sau một cuộc tấn công chớp nhoáng năm 1974 và từ đó xây dựng cơ sở hạ tầng, duy trì sự hiện diện dân sự ổn định và trao cho nơi đây quy chế "quận". Bài viết cho việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không ở Hoàng Sa là sự phản ứng với các chuyến bay do thám của không quân Mỹ tại khu vực này.
Dưới tiêu đề: "Tên lửa ở Hoàng Sa: Trung Quốc ngụy biện về nguyên do gây căng thẳng", đài RFI ngày 19/2 bình luận về thái độ của Bắc Kinh, sau khi không thể bác bỏ những chứng cứ xác thực từ ảnh vệ tinh, biện minh cho việc triển khai tên lửa ở đảo Phú Lâm chỉ là để phòng thủ một vùng lãnh thổ "thuộc về Trung Quốc từ ngàn xưa", đồng thời chỉ trích báo chí phương Tây đã thổi phồng sự kiện này, khiến nó trở thành căng thẳng.Đài RFI cũng đưa tin về phản ứng của Việt Nam trước hành động này của Trung Quốc. RFI dẫn tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình phản đối Trung Quốc về hai sự kiện: Xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm đều nằm trong vùng quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
RFI cho biết ngày 19/02/2016, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối, đồng thời phái đoàn Việt Nam tại Liên hiệp quốc đã có công hàm gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, yêu cầu cho chính thức lưu hành công hàm phản đối Trung Quốc của Việt Nam.
RFI lưu ý: Việc yêu cầu Liên Hợp Quốc cho lưu hành công hàm nói trên tương đương với việc công khai phản đối các hành động của Bắc Kinh trước quốc tế./.