Giới chức Anh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” về Covid-19
VOV.VN - Giới chức Anh đang khiến cuộc chiến chống Covid-19 phức tạp hơn với những tuyên bố trái ngược nhau về vấn đề này trong vài tháng qua.
Xét nghiệm Covid-19
Ngày 12/3, Cố vấn trưởng về Y tế của Chính phủ Anh, Chris Whitty tuyên bố: “Chúng ta không cần phải xác định từng trường hợp phải xét nghiệm nữa. Trong tương lai, chỉ những trường hợp phải nhập viện mới cần xét nghiệm Covid-19”.
Cũng theo ông Whitty, nước Anh đang chuyển từ giai đoạn khống chế dịch bệnh sang giai đoạn làm giảm đà lây lan của Covid-19. Ông Whitty khẳng định, số ca mắc và tử vong vì Covid-19 sẽ “thấp hơn rất nhiều” so với các mô hình dự đoán mà các chuyên gia đưa ra.
Gần 2 tháng sau, Cố vấn trưởng về khoa học của Chính phủ Anh Patrick Vallance lại cho rằng: “Tôi nghĩ việc chúng ta có thể tăng cường mạnh mẽ năng lực xét nghiệm một cách nhanh chóng sẽ mang lại lợi ích lớn lao. Tuy nhiên, các bạn biết đấy, vì nhiều lý do, điều này đã không xảy ra. Tôi nghĩ rằng, việc chúng ta tiến hành xét nghiệm hàng loạt là rất cần thiết.
Tôi cho rằng, nếu chúng ta có thể xét nghiệm và theo dấu các đối tượng nghi mắc Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội tốt, chúng ta có thể tránh được làn sóng lây lan dịch bệnh thứ 2”.
Miễn dịch cộng đồng
Ngày 13/3, ông Vallance tuyên bố: “Mục tiêu của chúng ta là hạn chế Covid-19 lên đến đỉnh điểm chứ không dập tắt hoàn toàn dịch bệnh này bởi đa số người mắc Covid-19 chỉ bị sốt nhẹ. Việc xây dựng miễn dịch cộng đồng sẽ giúp cho ngày càng nhiều người có khả năng miễn nhiễm với dịch bệnh này, giảm nguy cơ lây nhiễm, đồng thời chúng ta có thể bảo vệ những người dễ bị tổ thương nhất. Đó là những điều quan trọng nhất mà chúng ta cần làm”.
Tuy nhiên, cũng gần 2 tháng sau, vị quan chức này lại thay đổi quan điểm: “Tôi muốn làm rõ những gì tôi muốn nói, và tôi xin lỗi nếu như những gì tôi nói vẫn chưa thực sự rõ ràng. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, khi chưa có biện pháp điều trị bệnh rõ ràng, cách thức duy nhất để ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng chính là tạo dựng hệ miễn dịch và hệ miễn dịch này chỉ có thể đạt được nhờ tiêm chủng hoặc nhờ trích xuất được huyết tương của những người đã từng mắc Covid-19 giờ đã được chữa khỏi”.
Số ca tử vong vì Covid-19
Giám đốc Y tế Quốc gia Stephen Powis ngày 28/3 khẳng định: “Nếu chúng ta có thể giữ số ca tử vong vì Covid-19 xuống dưới 20.000 thì chúng ta đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh này”.
Theo ông Powis, giờ không phải là lúc để than vãn và rằng, Cơ quan Y tế Quốc gia Anh hoàn toàn có đủ năng lực để đạt được mục tiêu trên: “Nếu chúng ta có thể đảm bảo rằng, mỗi cơ quan chức năng đảm đương đúng trách nhiệm của mình, điều đó hoàn toàn khả thi”.
Hơn 1 tháng sau, ngày 30/4, khi số ca tử vong vì Covid-19 tại Anh ở mức 26.711, Thủ tướng Anh Boris Johnson lại cho rằng: “Chúng ta có thể tránh được khả năng đại dịch Covid-19 trở nên không thể kiểm soát và gây ra những thảm hoạ kinh hoàng nếu có thể giữ số ca tử vong vì Covid-19 trong kịch bản tồi tệ nhất ở mức 500.000”.
Trang thiết bị bảo hộ y tế cá nhân
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 11/4 tuyên bố: “Thách thức chính xuất phát từ việc phân phối số trang thiết bị bảo hộ y tế cá nhân chứ không phải từ việc cung cấp. Mức độ phân phối trang thiết bị bảo hộ y tế cá nhân đang ở mức rất thấp chưa từng có tiền lệ đã gây ra rất nhiều khó khăn trong việc phòng chống Covid-19.
Đúng 1 tuần sau, Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương, Robert Jenrick cho rằng: “Việc cung cấp trang thiết bị bảo hộ y tế cá nhân, đặc biệt là quần áo bảo hộ và một số loại khẩu trang, đang thiếu hụt nghiêm trọng vào thời điểm này và các nhân viên y tế trên tuyến đầu đang rất lo lắng. Tuy nhiên, họ cần hiểu rằng chúng tôi đang làm hết sức có thể để giải quyết tình hình và cung cấp cho họ mọi trang thiết bị y tế cần thiết”.
Sử dụng khẩu trang nơi công cộng
Phó Giám đốc Y khoa Anh Jonathan Van Tam ngày 3/4 tuyên bố: “Từ những bằng cứ rất chắc chắn và từ những khuyến nghị của Chính phủ Anh, chúng tôi không khuyến khích người dân đeo khẩu trang nơi công cộng”.
Theo Giáo sư Jonathan Van Tam, việc đeo khẩu trang là “một dạng văn hoá” của các nước Đông Nam Á và chẳng có bằng chứng nào cho thấy điều này giúp ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19: “Đây đã là vấn đề gây tranh cãi trong suốt 15 năm qua trong việc chuẩn bị cho công tác phòng chống dịch”.
“Tôi đã gọi cho một đồng nghiệp là Giáo sư ở Hong Kong, người vừa hoàn tất việc xem xét những bằng chứng khoa học về tác động của khẩu trang đối với phòng chống dịch bệnh cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chúng tôi nhất trí rằng, không có bằng chứng nào cho thấy việc đeo khẩu trang có tác động tích cực đến việc ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Điều quan trọng hơn lúc này là việc chúng ta tập trung thực hiện giãn cách xã hội”.
Trong khi đó, ngày 30/4, Thủ tướng Anh Borish Johnson nhấn mạnh: “Tôi cho rằng Sage (Nhóm Cố vấn Khoa học về Tình trạng khẩn cấp) đã đưa ra khuyến nghị và hiển nhiên là tôi đồng ý với kế hoạch phong toả mà họ đưa ra. Tôi cũng cho rằng, việc đeo khẩu trang là cần thiết không chỉ vì lý do ngăn ngừa dịch bệnh mà còn khiến người dân tự tin rằng, họ có thể quay trở lại làm việc như trước đây”./.