Hàng trăm triệu người Trung Quốc đón tết xa nhà vì dịch Covid-19

VOV.VN - Đối với những người Trung Quốc phải rời quê hương để tìm kiếm những cơ hội việc làm tốt hơn tại các thành phố lớn, Tết Nguyên đán là dịp để họ trở về đoàn tụ với gia đình. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người đã phải từ bỏ kế hoạch này.

Kỳ Xuân vận đìu hiu

Thông thường vào thời điểm này trong năm, người dân Trung Quốc bắt đầu bước vào cuộc di chuyển thường niên lớn nhất thế giới mang tên Xuân vận. Hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ đổ về các bến xe, bến tàu và sân bay để về quê ăn Tết Nguyên đán cùng với gia đình. Nhưng năm nay, cuộc đại di cư này đã bị hoãn lại sau khi chính phủ Trung Quốc kêu gọi người dân tránh đi lại nhiều trong kỳ nghỉ lễ để ngăn chặn làn sóng mới của dịch Covid-19.

Tết Nguyên đán, còn được gọi là Lễ hội Mùa xuân ở Trung Quốc là kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất theo lịch âm của Trung Quốc, tương đương với Lễ Tạ ơn, Giáng sinh và Năm Mới ở các nước phương Tây. Đối với nhiều người Trung Quốc phải rời quê hương để tìm kiếm những cơ hội việc làm tốt hơn tại các thành phố lớn, đây là cơ hội để họ được trở về đoàn tụ với gia đình sau thời gian dài xa cách.

Trước nguy cơ dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát nghiêm trọng, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ban hành những quy định mới, yêu cầu người dân trở về các khu vực nông thôn phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 7 ngày qua và trải qua 14 ngày “cách ly tại nhà”.

Chính quyền một số địa phương thậm chí còn áp dụng những quy định nghiêm ngặt hơn. Chẳng hạn ở một số nơi, những người trở về cần phải lưu trú tại khu cách ly tập trung của chính quyền trong 2 tuần, thay vì “cách ly tại nhà” cùng với những người thân trong gia đình.

Trong nhiều tháng qua, truyền thông Trung Quốc đã ca ngợi thành công của chính phủ nước này trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19, so sánh những biện pháp mà họ cho là đạt hiệu quả nhanh chóng với cách tiếp cận của một số chính phủ phương Tây.

Tuy vậy ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Vào tháng 1/2021, Trung Quốc đã phát hiện hơn 2.000 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở các tỉnh thành phía bắc nước này. Đây là đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020. Với tốc độ lây lan nhanh chóng của virus, giới chức và người dân Trung Quốc đều nhận thấy sự cần thiết phải đẩy nhanh các biện pháp ngăn chặn.

Tết Nguyên đán thứ hai bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Tết Nguyên đán tại Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 12/2, bị phủ bóng đen bởi đại dịch Covid-19. Dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người trên toàn thế giới tính đến nay.

Năm 2020, ga tàu chính ở thủ đô Bắc Kinh đã đón một số lượng lớn hành khách trước Tết Nguyên đán vì lúc đó chính phủ Trung Quốc vẫn chưa công bố virus SARS-CoV-2 có thể lây từ người sang người và chưa thừa nhận dịch bệnh đã lan xa khỏi thành phố Vũ Hán-tâm chấn của đợt bùng phát ban đầu.

Sau đó, nhà chức trách Trung Quốc đã phải phong tỏa thành phố Vũ Hán, 2 ngày trước Tết Nguyên đán. Tuy vậy, hàng triệu người ở thành phố này đã đổ về quê trước dịp nghỉ lễ, làm gia tăng tốc độ lây lan của virus. Sau Tết Nguyên đán, nhiều người bị mắc kẹt ở quê nhà của họ vì các biện pháp hạn chế về đi lại khiến họ không thể trở lại các thành phố để làm việc.

Năm nay, khu vực khởi hành tại ga tàu ở Bắc Kinh hầu như vắng bóng người trước dịp Tết Nguyên đán. Lời kêu gọi của chính phủ “ai ở đâu cứ ở yên đó” dường như đã phát huy tác dụng.

Vào ngày đầu tiên của kỳ Xuân vận, kéo dài 40 ngày bắt đầu từ 28/1, sân bay quốc tế ở thủ đô Bắc Kinh đã chứng kiến số lượng hành khách giảm 86% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Cơ quan Hàng không Dân dụng Trung Quốc, trên toàn quốc, lượng hành khách đi máy bay trong ngày đầu tiên của kỳ Xuân vận giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn Bộ Giao thông Vận tải nước này ước tính sẽ có 1,15 tỷ chuyến đi được thực hiện trong kỳ Xuân vận, ít hơn 61% so với năm 2019 và ít hơn 22% so với năm 2020.

Kế hoạch của Trung Quốc cho dịp Tết nguyên đán năm nay hoàn toàn trái ngược với kỳ nghỉ lễ lớn vào tháng 10/2020, khi người dân đổ về các điểm giao thông công cộng và các điểm du lịch trên khắp đất nước để hưởng ứng “Tuần lễ vàng”. Tuần lễ Vàng là 8 ngày nghỉ ăn mừng Quốc khánh Trung Quốc và Tết Trung thu.

Trung Quốc đã không ghi nhận bất kỳ ca mắc Covid-19 nào trong cộng đồng kể từ giữa tháng 8/2020. Cả chính phủ và người dân nước này đều rất tin tưởng vào các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Hình ảnh khách du lịch nội địa chật cứng tại Vạn Lý Trường Thành được đăng tải trên các phương tiện truyền thông như một bằng chứng cho thấy sự thành công của Trung Quốc trong chống dịch Covid-19.

Còn ở thời điểm này, truyền thông Trung Quốc đang thực hiện một chiến dịch tuyên truyền khác, kêu gọi mọi người hạn chế di chuyển, đồng thời ca ngợi quyết định ở lại của người dân là hành động có trách nhiệm với đất nước. Tờ Nhân dân nhật báo đăng tải thông điệp nêu rõ: “Mỗi người dân Trung Quốc đều có những kỷ niệm đáng nhớ về Lễ hội Mùa xuân. Nhưng năm nay, Lễ hội Mùa xuân sẽ khác biệt so với các năm trước. Hàng chục nghìn người đã lựa chọn ở lại nơi họ đang ở để đón Tết Nguyên đán. Hành động của họ đã giúp tạo tiền đề cho một cuộc đoàn tụ tốt đẹp hơn trong tương lai”.

Chính phủ Trung Quốc đã cấm đi lại đối với những người ở hoặc từng tới các khu vực có nguy cơ cao. Những người ở khu vực có nguy cơ trung bình cũng không được phép đi lại cho đến khi họ được sự chấp thuận từ các quan chức kiểm soát dịch bệnh địa phương và nộp giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Những người ở các khu vực có nguy cơ thấp được khuyến cáo nên “ở yên một chỗ” nhưng không bị cấm đi lại.

Tuân thủ chặt chẽ biện pháp kiểm soát dịch bệnh

Sau một năm 2020 đầy khó khăn, nhiều người Trung Quốc mong ngóng trở về đoàn tụ với gia đình. Tuy vậy, dịch bệnh bùng phát ở khu vực phía Bắc đang đe dọa làm tiêu tan những nỗ lực mà Trung Quốc đã thực hiện trong công cuộc kiểm soát dịch bệnh. Nhiều địa phương đã ủng hộ các biện pháp mà chính phủ trung ương thực hiện. Họ không chỉ áp đặt những quy định nghiêm ngặt trong việc xét nghiệm và cách ly mà còn hỗ trợ tài chính và đưa ra những ưu tiên để khuyến khích người dân thực hiện.

Chẳng hạn, thành phố Hàng Châu ở miền đông Trung Quốc đang hỗ trợ 1.000 nhân dân tệ (155 USD) cho mỗi công nhân nhập cư. Các thành phố khác cung cấp phiếu mua sắm giảm giá, giảm tiền thuê nhà và trao quyền tiếp cận sớm với vaccine ngừa Covid-19, theo thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc.

Tian Qimeng, giám đốc điều hành một công ty tư vấn kỹ thuật ở thành phố Thiên Tân, miền đông Trung Quốc, cho biết, công ty của ông đang hỗ trợ 300 nhân dân tệ (46 USD) cho những nhân viên không phải người địa phương chọn ở lại trong dịp nghỉ lễ.

“Ban đầu tôi cũng muốn trở về nhà, nhưng tôi đã dừng kế hoạch này vì muốn trở thành một tấm gương tốt cho mọi người,” ông nói. Ông Tian Qimeng cho biết thêm, ông “hiểu và tôn trọng” những biện pháp được áp dụng nhằm hạn chế đi lại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hàn Quốc kéo dài quy định giãn cách thêm 2 tuần cho tới hết Tết Nguyên đán
Hàn Quốc kéo dài quy định giãn cách thêm 2 tuần cho tới hết Tết Nguyên đán

VOV.VN - Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun hôm nay (31/1) cho biết, Hàn Quốc sẽ kéo dài quy định giãn cách xã hội thêm 2 tuần cho tới hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Hàn Quốc kéo dài quy định giãn cách thêm 2 tuần cho tới hết Tết Nguyên đán

Hàn Quốc kéo dài quy định giãn cách thêm 2 tuần cho tới hết Tết Nguyên đán

VOV.VN - Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun hôm nay (31/1) cho biết, Hàn Quốc sẽ kéo dài quy định giãn cách xã hội thêm 2 tuần cho tới hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Biến đổi khí hậu ngày càng khiến Tết Nguyên đán không còn rét hại
Biến đổi khí hậu ngày càng khiến Tết Nguyên đán không còn rét hại

VOV.VN - Thống kê 30 năm gần đây cho thấy Tết Nguyên đán không còn rét hại. Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, nhiều khả năng không có rét hại.

Biến đổi khí hậu ngày càng khiến Tết Nguyên đán không còn rét hại

Biến đổi khí hậu ngày càng khiến Tết Nguyên đán không còn rét hại

VOV.VN - Thống kê 30 năm gần đây cho thấy Tết Nguyên đán không còn rét hại. Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, nhiều khả năng không có rét hại.

Tiền lương tháng 2/2021 có được ứng trước để nghỉ Tết Nguyên đán?
Tiền lương tháng 2/2021 có được ứng trước để nghỉ Tết Nguyên đán?

VOV.VN - Vào dịp Tết, do nhu cầu sắm sửa và tiêu dùng tăng nên việc người lao động muốn ứng trước tiền lương cũng là điều cần thiết. Vậy có được ứng trước lương tháng 2 để nghỉ Tết Nguyên đán?

Tiền lương tháng 2/2021 có được ứng trước để nghỉ Tết Nguyên đán?

Tiền lương tháng 2/2021 có được ứng trước để nghỉ Tết Nguyên đán?

VOV.VN - Vào dịp Tết, do nhu cầu sắm sửa và tiêu dùng tăng nên việc người lao động muốn ứng trước tiền lương cũng là điều cần thiết. Vậy có được ứng trước lương tháng 2 để nghỉ Tết Nguyên đán?