Hiến pháp mới của Nhật Bản có gây chia rẽ quan hệ quân sự Mỹ- Nhật?
VOV.VN- Việc Nhật Bản thông qua Hiến pháp mới trong tuần này vẫn không khiến Nhật có thể hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống IS như kỳ vọng.
Theo Reuters, Hiến pháp mới, dù cho phép Nhật Bản và Mỹ “đứng chung chiến hào” trong việc đối phó với Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột, nhưng vẫn bó buộc Nhật Bản không được đưa quân đến các nước khác tham chiến cùng đồng minh Mỹ.
Hiến pháp mới của Nhật Bản mở ra triển vọng tăng cường hợp tác quân sự Mỹ- Nhật. Ảnh AP |
Những bó buộc xuất phát từ ý thức hệ
Điều này cho thấy, dù đã nới lỏng khá nhiều các điều khoản trong Hiến pháp vì hòa bình trước đây của mình để phục vụ các mục đích quân sự trong tương lai, Nhật Bản còn xa mới “trở thành một quốc gia bình thường” do vẫn bị tác động bởi những “ý thức hệ lâu đời” trong các điều khoản của bản Hiến pháp trên.
Nhiều người Nhật Bản lo ngại rằng, khoảng cách giữa những gì Nhật Bản có thể làm được và những gì Mỹ kỳ vọng sẽ gây ra chia rẽ giữa hai nước và khiến Mỹ bớt ảo tưởng về đồng minh Nhật Bản.
“Với sự thay đổi Hiến pháp, Nhật Bản có thể làm được mọi điều mà Mỹ yêu cầu. Hầu như không có gì mà chúng tôi không làm được liên quan đến việc cung cấp đạn dược và hỗ trợ tuần tra cho Mỹ”, một quan chức Hải quân Nhật Bản cho biết.
“Tuy nhiên, điều Mỹ thực sự mong muốn lại là Nhật Bản tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố. Nếu như người dân Mỹ vì thế mà phản đối Nhật Bản thì đó sẽ là vấn đề cần phải tính đến”, quan chức này nói.
Mỹ hoan nghênh, Trung Quốc dè chừng
Bất chấp sự phản đối của đa số người dân Nhật Bản, Thượng viện nước này dự kiến sẽ thông qua dự luật quốc phòng mà Thủ tướng Shinzo Abe mô tả là “bước đi đầu tiên trong một loạt những cải cách trong tương lai”.
Những thay đổi này bao gồm việc chấm dứt lệnh cấm Nhật Bản bảo vệ cho một nước đồng minh trong trường hợp nước này bị tấn công kéo dài hàng thập kỷ qua- hay còn gọi là quyền phòng vệ tập thể.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ mở rộng phạm vi hỗ trợ hậu cần cho Mỹ và các nước khác trong cách chiến dịch gìn giữ hòa bình đa quốc gia.
Trong khi Mỹ hoan nghênh sự thay đổi này của Nhật Bản, Trung Quốc tỏ ra rất tức giận và khẳng định, dự luật này của Nhật Bản sẽ chỉ làm “phức tạp thêm” tình hình an ninh trong khu vực.
Ngay cả trong nội bộ Nhật Bản cũng có những chỉ trích cho rằng, sự thay đổi dự luật này sẽ vi phạm Hiến pháp của Nhật Bản và mở cửa cho nước này dính líu vào các cuộc xung đột mà Mỹ có liên quan.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã loại trừ khả năng đưa quân ra chiến đấu ở nước ngoài và thậm chí còn nhấn mạnh, Nhật Bản có thể sẽ không hỗ trợ hậu cần cho Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Thủ tướng Shinzo Abe thể hiện quyết tâm tiến hành sửa đổi Hiến pháp vì hòa bình của Nhật Bản. Ảnh Reuters |
“Không giống như Australia, Anh hay Đức, Nhật Bản sẽ không góp quân vào những khu vực xảy ra chiến tranh tại Afghanistan và Iraq. Đây sẽ là điều mà Nhật Bản chưa thể làm”, nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản tuyên bố.
Vẫn chưa thể là một cường quốc “bình thường”
Điều này khiến cho Nhật Bản vẫn chưa hội đủ yếu tố để trở thành “một quốc gia bình thường” theo tiêu chuẩn về an ninh toàn cầu. Quyền phòng vệ tập thể sẽ chỉ được Nhật Bản thực thi nếu như nước này cảm thấy mối đe dọa đó “có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của Nhật Bản”.
“Đây là một bước đi lớn theo tiêu chuẩn của Nhật Bản nhưng chưa đủ lớn nếu xét theo tiêu chuẩn của các cường quốc”, ông Narushige Michishita, một học giá Nhật Bản tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson nhận định.
Tuy nhiên, ít nhất việc hợp tác với các lực lượng của Mỹ cũng được kỳ vọng là sẽ mở ra khả năng tăng cường các cuộc tuần tra và tập trận chung giữa hai bên cũng như chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp xảy ra xung đột.
Hiến pháp mới của Nhật Bản đang vấp phải sự chỉ trích của người dân trong nước. Ảnh Reuters |
“Điều này cũng giúp Nhật Bản có thể hợp tác với Australia và Philippines cũng như các đồng minh khác của Mỹ”, ông Michael Green, Chủ tịch Trung tâm Nghiên Cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nhận định.
“Nhật Bản có thể tham gia cùng các nước nói trên trong trường hợp cần phải sử dụng vũ lực. Có thể Nhật Bản sẽ không tấn công các nước khác, nhưng có thể hỗ trợ Mỹ trong trường hợp khẩn cấp và có thể đe dọa đến lợi ích của nước này”, ông Green nói thêm.
Ngoài ra, dự luật mới có thể tạo điều kiện để Nhật Bản và Mỹ tính đến việc “bảo vệ chuỗi đảo” bao quanh vùng biển của Trung Quốc trải dài từ quần đảo Kuril xuống Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Philipines đến quần đảo Borneo của Malaysia.
Ông Narushige Michishita, mọt cựu quan chức quốc phòng Nhật Bản nhận định: “Xét từ khía cạnh quân sự, điều này là cực kỳ quan trọng”.
Mặc dù vậy, nhiều người Nhật Bản cũng lo ngại rằng vẫn còn sự khác biệt trong nhận thức giữa Nhật và Mỹ về những gì mà Nhật Bản có thể thực sự làm được và muốn làm.
“Có nhiều chuyên gia tại Mỹ vẫn lầm tưởng rằng, Nhật Bản có thể thực hiện quyền phòng vệ tập thể đầy đủ dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế như Mỹ có thể làm. Nhật Bản đang nỗ lực hết mình để tiến tới điều này”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto nhấn mạnh./.