Hội nghị Ngoại trưởng NATO: Hàn gắn quan hệ, hướng tới tham vọng toàn cầu
VOV.VN - Một trong những điểm đáng chú ý trong chính sách đối ngoại của chính quyền của Tổng thống Joe Biden là hàn gắn quan hệ và tăng cường tham vấn với các đồng minh trong các vấn đề quốc tế.
Mục tiêu hàn gắn quan hệ đồng minh của Mỹ
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden tại Mỹ đã chính thức hoạt động được hơn 2 tháng và một trong những cam kết chính sách đối ngoại đầu tiên của ông Joe Biden là làm sống lại quan hệ chiến lược với các đồng minh, coi đó là trọng tâm và là bàn đạp để triển khai các chính sách toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, các hoạt động đối ngoại lớn đáng chú ý đầu tiên của chính quyền ông Joe Biden đều hướng tới khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh “Bộ Tứ Kim cương – Quad” với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Hai quan chức hàng đầu của Mỹ là Ngoại trưởng Anthony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng thực hiện các chuyến công du đầu tiên là đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự kiện đáng chú ý nhất gần đây trong quan hệ quốc tế là cuộc đối thoại cấp cao 2+2 giữa Mỹ và Trung Quốc tại Alaska cuối tuần trước.
Tất cả mọi chỉ dấu đều cho thấy, chính quyền mới tại Mỹ coi khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và việc tạo lập, lôi kéo liên minh để phong tỏa và đối đầu với Trung Quốc là ưu tiên quan trọng nhất của mình. Bản thân Mỹ cũng đã công bố điều đó khi Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đánh giá “Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất với Mỹ trong thế kỷ 21”.
Trong bối cảnh đó, rõ ràng các ưu tiên của Mỹ với khối quân sự NATO và các đồng minh châu Âu sẽ bị đặt câu hỏi. Liệu Mỹ có thực sự chấm dứt quá trình dứt bỏ can dự tại châu Âu từ gần 1 thập kỷ qua, từ đời ông Barack Obama và ông Donald Trump hay không? Và Mỹ sẽ đưa ra các cam kết ra sao để trấn an các đồng minh châu Âu rằng họ đã “thực sự trở lại” để dẫn dắt, như tuyên bố của ông Joe Biden. Do đó, cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken với các đồng cấp NATO tại Brussels sẽ phải giải tỏa các thắc mắc đó.
Cả Mỹ và châu Âu đều phải chứng minh rằng NATO đã sẵn sàng bỏ lại phía sau 4 năm vô cùng sóng gió và chia rẽ dưới thời ông Donald Trump, để mang lại một động lực mới cho NATO, nhất là khi khối này công bố “Tầm nhìn 2030”, đề ra các cấu trúc chính trị và ưu tiên hành động của mình trong 10 năm tới. Phía Mỹ cần đưa ra các cam kết cụ thể và ngược lại, các đồng minh châu Âu cũng cần biết rõ ý định của Mỹ, trong bối cảnh ngày càng nhiều nước châu Âu muốn theo đuổi một sự tự chủ chiến lược của châu Âu về an ninh và đối ngoại, tồn tại song song với NATO nhưng tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.
Quan điểm của châu Âu về việc đối phó Nga và Trung Quốc
Nước Mỹ đang thể hiện rõ ràng ý định tạo lập một liên minh toàn cầu nhằm đối đầu với Trung Quốc, bảo vệ vị trí thống trị của nước này trước sự vươn lên nhanh chóng và cạnh tranh gắt gao của Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quân sự. NATO, vì thế, chắc chắn sẽ bị kéo vào cuộc cạnh tranh địa chính trị này. Chi tiết của các ý định này đang ngày càng thể hiện cụ thể và rõ ràng hơn trong “Tầm nhìn 2030”, trong đó NATO tham vọng biến mình thành một siêu thực thể chính trị, bên cạnh sức mạnh quân sự.
Một trong các chi tiết minh họa, đó là NATO sẽ áp dụng một cơ chế hành động mới, theo đó mọi thành viên NATO sẽ phải đạt được đồng thuận trước khi tham dự bất cứ một phiên họp của một tổ chức quốc tế nào, như Liên hiệp quốc hay G20. Đó là một cơ chế có thể cho phép NATO áp đảo và tự do hành động vượt lên trên khuôn khổ các thiết chế quốc tế. Cơ chế triển khai các chiến dịch của NATO cũng sẽ được đơn giản hóa, khi không cần sự đồng ý của tất cả mọi thành viên. Nói cách khác, một nhóm nước trong NATO có thể triển khai chiến dịch dưới danh nghĩa NATO, không cần các nước khác ủng hộ hay tham gia.
Cách đây 2 tuần, một nhóm Sĩ quan quân đội Pháp đã viết một lá thư gửi cho Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg trong đó có đưa ra các đánh giá rằng “Tầm nhìn 2030” của NATO sẽ làm tổn hại chủ quyền của các quốc gia, khi nó cho phép NATO có những hành động vượt ngoài khuôn khổ và có nguy cơ kéo toàn bộ NATO vào cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc, phục vụ lợi ích chính của nước Mỹ.
Lá thư này chỉ là một ví dụ cho thấy, các nước châu Âu có một sự chia rẽ lớn trong việc nhìn nhận vai trò tương lai của NATO. Một số nước, đứng đầu là Pháp, kiên trì theo đuổi tham vọng xây dựng một châu Âu tự chủ và độc lập hơn về quốc phòng với Mỹ, nhưng đa số các thành viên khác, trong đó gồm toàn bộ các nước ở Baltic và Đông Âu, luôn đi theo quan điểm của Mỹ. Tất cả những điều này phản ánh một thực tại, đó là NATO đang biến đổi mình để phục vụ mục tiêu lâu dài của Mỹ là bảo vệ sự thống trị về kinh tế, quân sự trên thế giới.
Cần nhắc lại rằng, mục đích ra đời của NATO là để phòng thủ, trước một đối thủ mà giờ đã không tồn tại là Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw. Nhưng để duy trì sự tồn tại của mình, NATO, dưới sự chỉ huy của Mỹ, đã kiên quyết biến Nga thành “kẻ thù” trong suốt hơn 2 thập kỷ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, liên tục kết nạp thành viên và tiến sát đến biên giới Nga, tiến hành chiến tranh Nam Tư, xóa bỏ Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung - INF.
Tất cả những điều này được thực hiện bất chấp các cam kết với Nga về việc không Đông tiến và thiện chí hòa bình từ Nga. Và bây giờ, NATO đang dựng Trung Quốc lên thành một kẻ thù mới để biện minh cho các tham vọng toàn cầu của mình.
Bài toán cân não của NATO
Việc rút quân khỏi Afghanistan theo kế hoạch sẽ được thực hiện từ tháng 5/2021, tức chỉ hơn 1 tháng nữa, nhưng điều kiện quan trọng nhất cho việc rút quân là thỏa thuận hòa bình giữa Taliban và chính phủ Afghanistan vẫn chưa thể hoàn tất, và có các dấu hiệu không thể sớm hoàn tất, dù hai bên đã chính thức đàm phán từ tháng 9/2020 tại Doha. Vì thế, khả năng hơn 10.000 lính các nước NATO rút khỏi Afghanistan sau hơn 2 thập kỷ can thiệp quân sự vào đây là một dấu hỏi lớn, đặc biệt trong bối cảnh bạo lực có dấu hiệu leo thang tại Afghanistan trong thời gian qua và quân lính chính phủ Afghanistan và Taliban hiện đang giao tranh tại nhiều nơi.
Trong tuyên bố đưa ra trước Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Brussels lần này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO chưa ra bất cứ quyết định nào về việc rút quân và mọi phương án đều sẽ được các lãnh đạo NATO thảo luận. Trước đó, hôm 21/03, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã thăm Afghanistan để thảo luận tình hình tại đây. Mặc dù hiện nay đa số quân lính NATO tại Afghanistan đến từ các nước châu Âu nhưng quyết định quan trọng nhất về việc khi nào rút quân nằm trong tay chính quyền Mỹ.
Nhiều năm qua, các đời Tổng thống Mỹ như ông Barack Obama và Donald Trump đều đã có ý định rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, kết thúc cuộc chiến dài nhất mà nước Mỹ tham chiến (20 năm) và đã tiêu tốn của nước Mỹ gần 1.600 tỷ USD. Tuy nhiên, cũng có không ít phân tích gần đây cho rằng, trước bối cảnh cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc gia tăng, nước Mỹ, và kéo sau đó là NATO, có thể sẽ xem lại quyết định rút quân của mình khỏi Afghanistan do quốc gia này chiếm vị trí địa chiến lược quan trọng hàng đầu tại khu vực Trung và Nam Á, nơi có thể tạo nên sức ép quân sự lớn lên các lợi ích của Trung Quốc tại khu vực này, như tình hình chính trị tại Tân Cương hay đặc biệt là đại dự án “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc đi xuyên qua Trung Á./.