Indonesia tuyên bố kiểm soát được đại dịch, chuyên gia cảnh báo làn sóng mới
VOV.VN - Các quan chức y tế Indonesia tuyên bố số ca mắc Covid-19 hàng ngày tại quốc gia từng là tâm dịch của Châu Á này đã giảm đáng kể, đưa Indonesia ra khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch.
Tuy nhiên các nhà dịch tễ học vẫn lưu ý quốc gia này cần cảnh giác trước làn sóng Covid-19 thứ ba.
Indonesia đã vượt qua tình trạng khẩn cấp về đại dịch
Indonesia đã vượt qua tình trạng khẩn cấp về đại dịch thành công. Ông Wiku Adisasmito, phát ngôn viên xử lý đại dịch Covid-19 của Indonesia cho biết, ít nhất có 14 tỉnh tại Indonesia có tỷ lệ kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 dưới 5% mà theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đây là mức độ phản ánh việc đại dịch đã nằm trong tầm kiểm soát.
Trong khi đó, tỷ lệ dương tính quốc gia của Indonesia là 6,9%, cao hơn một chút so với mức tham chiếu của WHO. Ông Wiku Adisasmito cho rằng, điều này cho thấy Indonesia đã vượt qua tình trạng khẩn cấp về đại dịch thành công. Ngoài ra, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh ở hầu hết các tỉnh ở Indonesia đều giảm xuống dưới 60%.
Dựa trên dữ liệu của Bộ Y tế Indonesia, tỷ lệ tử vong trung bình trong vài tuần qua là 563 trường hợp, giảm nhiều so với giữa tháng 7 là 2.000 người mỗi ngày. Trong khi đó, trong ba tuần gần đây, số lượng người được xét nghiệm và truy vết đã tăng từ 600.000 lượt/ngày lên 800.000 lượt/ngày. Phát ngôn viên xử lý đại dịch Covid-19 Indonesia cho biết: “Số ca mắc Covid-19 hàng ngày tại Indonesia tiếp tục giảm xuống thứ 20 trên thế giới, dưới cả các nước ASEAN khác là Malaysia, Việt Nam và Thái Lan. Mặc dù dân số Indonesia lớn hơn nhiều so với các nước ASEAN khác".
Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận 7.201 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 4.140.638, trong đó có 137.156 trường hợp đã tử vong. Khi làn sóng Covid-19 thứ hai do biến thể Delta đạt đến đỉnh điểm vào giữa tháng 7/2021, số ca mắc Covid-19 tại quốc gia này đã lên tới hơn 50.000 trường hợp mỗi ngày.
Đạt được thành tích này một phần nhờ vào nỗ lực tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Indonesia. Kể từ khi bắt đầu chương trình tiêm chủng hồi tháng 1 cho đến nay, đã có khoảng 24% trong tổng số 276 triệu người Indonesia đã tiêm liều đầu tiên vaccine Covid-19 và ít nhất 14% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Indonesia là quốc gia đứng thứ 7 thế giới về số liều vaccine được tiêm và là một trong số các quốc gia đạt mục do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra là tiêm chủng ngừa Covid-19 cho 10% dân số vào cuối tháng 9/2021.
Hồi đầu tuần, chính phủ Indonesia tiếp tục gia hạn Giới hạn hoạt động cộng đồng cho đến ngày 13/9 với việc hạ cấp giới hạn cho nhiều tỉnh thành trên cả nước và điều chỉnh lại các quy tắc cho phù hợp với tình hình. Một số trường học đã được mở cửa học tập trực tiếp có giới hạn và hiện quốc gia này đang thí điểm mở dần các khu du lịch.
Chuyên gia cảnh báo về làn sóng Covid-19 thứ ba
Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ vẫn cảnh báo, Indonesia tiếp tục theo dõi và đề phòng các làn sóng Covid-19 mới có thể xảy ra. Nhà dịch tễ học từ Đại học Griffith, Australia, Dicky Budiman, cho biết mặc dù trong vài tuần qua số ca mắc Covid-19 đã giảm, chính Indonesia phủ đã có những nỗ lực xử lý đại dịch nhưng vẫn chưa đủ để thoát ra khỏi giai đoạn khủng hoảng này trong bối cảnh Indonesia vẫn chưa thực hiện đầy đủ các xét nghiệm và truy vết cần thiết, đặc biệt bên ngoài đảo Java và Bali.
Ông dự đoán tiềm năng làn sóng Covid-19 thứ 3 có thể xảy ra bên ngoài đảo Java và chính phủ cần tiếp tục nâng cao ý thức cảnh giác với người dân. Cuối tuần qua, phương tiện truyền thông Indonesia đưa tin hàng ngàn người đã tập trung tại các điểm du lịch như bãi biển Pangandaran và ở khu du lịch Puncak, Bogor, miền Tây Java gây ùn tắc giao thông kéo dài hàng giờ đồng hồ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Điều phối các Vấn đề Hàng hải và Đầu tư, Luhut Binsar Panjaitan, cho biết trong tổng số 21 triệu người đã tải ứng dụng PeduliLindung, một ứng dụng về Covid-19 của Indonesia, có hơn 1.000 người được xác nhận mắc Covid-19 đã cố gắng đi đến những nơi công cộng.
Tổng thống Joko Widodo cho rằng, đại dịch có thể được kiểm soát nhưng virus không biến mất hoàn toàn, đặc biệt trước các biến thể mới như biến thể Delta dễ lây lan hiện nay. Ông kêu gọi lực lượng chức năng tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng sự phát triển Covid-19 ở các khu vực để đưa ra các biện pháp xử lý ngay lập tức và ngăn chặn sớm sự lây lan của đại dịch./.