Iran không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân vào lúc này?
VOV.VN - Giới quan sát đánh giá, nếu cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân vào lúc này thì đó sẽ là thảm họa lớn đối với Iran và nước này ý thức rõ điều đó.
Vào ngày 4/1/2021, Iran tuyên bố sẽ bắt đầu làm giàu urani ở mức 20%, vượt xa giới hạn 3,67% theo thỏa thuận hạt nhân Iran. Một tháng sau đó, chính quyền Iran bắt đầu sản xuất kim loại urani – một thành phần chủ chốt cho vũ khí hạt nhân. Anh, Pháp, và Đức phản ứng lại bằng việc nói rằng các động thái của Iran không có “sự biện minh tin cậy ở góc độ quân sự”.
Tuy nhiên, các bước mà Iran đã thực hiện trong 2 năm qua không đạt đến mức của một nỗ lực ngầm trong phát triển vũ khí hạt nhân tương tự như Triều Tiên hồi thập niên 2000. Theo các tài liệu mà tình báo Israel thu được vào năm 2018 thì chương trình hạt nhân mật của Iran được bắt đầu vào năm 1989.
Các chương trình vũ khí hạt nhân thường được giữ bí mật cao độ. Nhưng hành vi của Iran ngày nay thì trái ngược lại thế. Mỗi lần Iran gia tăng mức độ làm giàu urani, họ lại tổ chức họp báo ở thủ đô Tehran để công bố các bước tiến này trước sự có mặt của hàng chục nhà báo. Các bước đi kỹ thuật được thông báo bằng tiếng Anh và chia sẻ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Đâu là lý do Iran làm giàu urani ở mức độ này?
Giới quan sát nhận định, Iran làm vậy không phải để tạo ra năng lượng, thuốc men, hoặc thậm chí lúc này cũng không phải để tạo vũ khí hạt nhân, mà là để tạo ra nỗi sợ hãi ở Washington và thủ đô các nước châu Âu, rằng Iran có thể chế được bom hạt nhân nếu nước này muốn.
Giới quan sát đánh giá, giới chức Iran hy vọng nỗi sợ trên sẽ chuyển đổi thành việc chấp nhận đàm phán giảm nhẹ các lệnh trừng phạt lên Iran.
Mohsen Rezaie - một trong các cố vấn hàng đầu của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, đã xác nhận chiến thuật này vào ngày 13/3 khi ông kêu gọi Iran gia tăng việc làm giàu urani lên mức 60%, “bởi việc này sẽ dẫn tới việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ”. Nếu Mỹ trở lại thỏa thuận Kế hoạch hành động chung Toàn diện (JCPOA) thì việc gây sức ép kiểu này từ phía Iran sẽ thành công.
JCPOA mang lại nhiều lợi thế cho Iran. Các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran theo thỏa thuận này bắt đầu hết hiệu lực vào thời điểm chỉ 3 năm tính từ bây giờ.
Do vậy Iran không việc gì phải vội vã phát triển vũ khí hạt nhân vào lúc này.
Năm đời tổng thống Mỹ vừa qua đã tuyên bố rằng Iran sẽ không được phép có được một vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thì đơn giản cam kết rằng Israel “sẽ làm mọi thứ” để bảo đảm Iran không sở hữu được vũ khí hạt nhân. Quyết tâm của Israel lớn đến mức Tổng thống Mỹ Obama được cho là từng phải thuyết phục Israel không ném bom các cơ sở hạt nhân của Iran.
Đã vậy, ngày nay Iran cũng không có năng lực tốt trong việc bảo vệ các cơ sở hạt nhân của mình trước phá hoại ngầm cũng như trong việc bảo vệ tính mạng các nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của mình.
Nhưng thời cơ có thể sẽ sớm đến với Iran trong 10 năm nữa, khi ông Netanyahu đã nghỉ hưu và Mỹ bận rộn cạnh tranh với Trung Quốc. Trong thời gian tới, Iran có thể dễ dàng mua các hệ thống phòng không lợi hại S-400 và S-500 của Nga (để đối phó với đòn tấn công phá hoại cơ sở hạt nhân). Trong lúc chờ đợi, Iran cũng có thể tự phát triển kho tên lửa hạt nhân đạn đạo làm vũ khí răn đe và bảo vệ các cơ sở hạt nhân của mình trước các đòn không kích của Mỹ và Israel.
Một khi đã hoàn thiện các biện pháp giảm nguy cơ thì Iran có thể sẽ mong phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình./.