Israel cáo buộc nhiều quân nhân Nga đã có mặt tại Syria
VOV.VN- Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon cáo buộc, Nga đã đưa các quân nhân đến Syria nhằm ủng hộ quân đội của Tổng thống Bashar Assad.
AP dẫn lời ông Yaalon ngày 10/9 nhận định, việc gia tăng các hoạt động quân sự của Nga tại Syria phản ánh lo ngại của Nga rằng, đồng minh lâu đời của nước này tại khu vực Trung Đông đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Ngoài ra, Tổng thống Nga Putin cũng kỳ vọng rằng, với việc kề vai sát cánh trong cuộc chiến chống IS, Nga sẽ cải thiện được quan hệ với phương Tây.
Một máy bay của Nga xuất hiện tại Syria. Ảnh Reuters |
Tuy nhiên, chiến thuật này được phía Israel cho là quá mạo hiểm bởi trừ khi Nga có thể đưa một số lượng lớn binh sĩ sang Syria, nếu không việc cầm chân phiến quân IS sẽ trở nên cực kỳ khó khăn.
Theo ông Yaalon, các hoạt động quân sự của Nga tại Syria hiện vẫn rất hạn chế. Theo đó, các cố vấn quân sự, nhân viên an ninh và kỹ thuật viên của Nga đã đế Syria nhằm thiết lập một căn cứ không quân tại thị trấn ven biển Latakia để không kích IS.
“Cho đến nay, Israel mới chỉ nhận thấy các cố vấn quân sự, nhân viên an ninh và kỹ thuật viên nói trên đang chuẩn bị cho việc vận hành các máy bay và trực thăng chiến đấu”, ông Yaalon nói.
Những tính toán chiến lược của Nga
Trong khi đó, tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Nga đang vận chuyển vũ khí đến Syria và các quân nhân Nga đang huấn luyện cho binh sĩ Syria để sử dụng số vũ khí này.
Khi được hỏi về việc máy bay Nga tới Latakia, ông Lavrov cho biết, những máy bay này “mang theo những trang thiết bị quân sự và hàng viện trợ theo hợp đồng giữa Nga và Syria”.
Ngoại trưởng Nga Lavrov. Ảnh AP |
Ông Lavrov khẳng định, Nga “chưa có kế hoạch gì cho những bước đi tiếp theo” nhưng vẫn để ngỏ khả năng có thể mở rộng các hoạt động của mình.
“Nếu cần, Nga sẽ thực thi các hoạt động của mình theo luật pháp của Nga, luật pháp quốc tế và theo yêu cầu của Chính phủ Syria và các nước khác trong khu vực”, ông Lavrov nói.
Ngoài ra, Nga được xem là đang muốn bảo vệ những lợi ích chiến lược của mình tại Syria. Hiện Nga vẫn duy trì một căn cứ Hải quân tại Tartus, cách Latakia khoảng 80km về phía Nam. Trước đó, tỉnh Idlib gần đó đã rơi vào tay phiến quân al-Qaeda.
Cho đến nay, Nga vẫn chưa tham gia cùng bất kỳ nước nào trong các hoạt động của mình tại Syria. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin cũng không loại trừ khả năng Nga sẽ đóng một vai trò lớn hơn tại đây và tuyên bố ông “đang cân nhắc một loạt các lựa chọn khác nhau”.
Dự kiến, Tổng thống Nga Putin sẽ có bài phát biểu quan trọng về tình hình Syria tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối tháng 9 này. Một số nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Nga muốn các binh sĩ của mình phải sẵn sàng hành động tại thời điểm ông đưa ra bài phát biểu nói trên.
Người phát ngôn của ông Putin, Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga coi chính quyền của ông Assad là lực lượng duy nhất có thể chiến đấu với IS và Nga có nhiệm vụ phải hỗ trợ lực lượng này.
Mỹ- Israel bị đẩy vào thế khó
Hiện vẫn chưa rõ liệu việc Nga ủng hộ Syria có thể thay đổi cục diện của cuộc chiến này. Kể từ khi cuộc nội chiến bùng phát tại đây vào đầu năm 2011, lực lượng của ông Assad đã phải hứng chịu nhiều thất bại liên tiếp. Đã có 2 trong tổng số 14 tỉnh của Syria hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Syria. Tỉnh Idlib thất thủ vào ngày 9/9 trước al-Qaeda, trong khi thành phố Raqqa bị IS chiếm làm thủ phủ của chúng vào năm 2014.
Các chuyên gia nhận định, Nga khó có thể cử một số lượng lớn binh sĩ đến tham chiến tại Syria mà nhiều khả năng chỉ cử một số máy bay chiến đấu cùng binh sĩ đến tiến hành các cuộc không kích mang tính biểu tượng nhằm thể hiện quyết tâm chiến đấu chống IS của Nga.
Xe tăng của Syria xuất hiện trên đường phố Damascus. Ảnh AP |
Trong bối cảnh IS ngày càng mạnh lên trong khu vực, Mỹ đã phải “mềm dẻo” trong cách tiếp cận vấn đề liên quan đến việc lật đổ ông Assad và tính đến việc hợp tác với Nga.
Trong khi đó, Israel lại có những toan tính riêng của mình. Từ trước đến nay, Israel luôn thận trọng đứng bên lề cuộc chiến tại Syria và chỉ phản ứng nếu như có “tên bay đạn lạc” vào khu vực do mình kiểm soát.
Một mặt, Israel cũng không muốn ông Assad tồn tại với lo ngại rằng, việc ông Assad mạnh dần lên có thể khiến Iran và nhóm phiến quân người Shiite là Hezbollah ở Lebanon vốn chống Israel cũng mạnh lên theo. Các quan chức Israel tin rằng, Iran đã gửi hàng trăm binh sĩ đến Syria để hỗ trợ lực lượng của ông Assad.
Mặc khác, Israel cũng lo ngại rằng, nếu chính thể của ông Assad sụp đổ, rất có khả năng các nhóm phiến quân lên thay thế còn thù địch với Israel hơn cả ông Assad./.