Kabul thất thủ, 20 năm sứ mệnh phương Tây ở Afghanistan sụp đổ chỉ trong 1 ngày
VOV.VN - Sứ mệnh 20 năm của phương Tây tại Afghanistan đã sụp đổ chỉ trong 1 ngày khi các tay súng Taliban tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/8, Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước và Mỹ hối hả bỏ lại đại sứ quán.
20 năm sụp đổ trong 1 ngày
Thậm chí, chính những tay súng Taliban cũng bất ngờ với tốc độ giành chiến thắng của mình như những gì người đứng đầu Văn phòng Chính trị của Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar thừa nhận trong một tuyên bố trên video tối 15/8. Ông Mullah Abdul Ghani Baradar cho biết hiện Taliban đang đối mặt với những thách thức của việc cầm quyền và sẽ sớm tuyên bố thành lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan mới.
Nhiều người ở Kabul không tin tưởng vào những hứa hẹn mà Taliban đưa ra, trong đó có những nhà hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ, những người muốn tìm kiếm một tương lai khác cho Afghanistan. Ngày 15/8, các sân bay tập trung hàng nghìn người đang tuyệt vọng để chạy trốn khỏi đất nước này.
Ở một diễn biến khác, chỉ chưa đầy 1 tháng trước lễ kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố 11/9 vào nước Mỹ, khói bốc lên từ đại sứ quán Mỹ khi các nhân viên hối hả tiêu hủy các tài liệu trước khi nhóm nhân viên cuối cùng kéo lá cờ Mỹ xuống và tiến về sân bay trên trực thăng quân sự.
Ngày 15/8, kỷ nguyên cầm quyền thứ hai của Taliban đã chính thức bắt đầu. Các chỉ huy Taliban bắt đầu ngày này bằng tuyên bố chiến thắng sau khi các tay súng Taliban bao vây thủ đô.
"Các lực lượng của chúng tôi sẽ không tiến vào Kabul. Chúng tôi muốn sự chuyển giao quyền lực hòa bình", người phát ngôn của Taliban Suhail Shaheen cho hay. Tuy nhiên, sau khi các quan chức chính phủ Afghanistan rời đi, tình trạng hôi của và hỗn loạn xảy ra khiến vài giờ sau đó Taliban tuyên bố sẽ đưa lực lượng vào để khôi phục trật tự.
Vào tối 15/8, Taliban đã tiến vào Dinh Tổng thống, nơi đặt chiếc ghế quyền lực lịch sử của Afghanistan và thay những lá cờ của chính quyền trước bằng lá cờ của mình.
Người dân Afghanistan không còn lựa chọn nào ngoài việc vội vã về nhà khi nhận ra rằng Taliban đang phá hủy mọi sự liên hệ với phương Tây và chính phủ. Những người phụ nữ ra đường không có khăn burqa đang tìm kiếm các cửa hàng để mua. Thậm chí các bệnh viện cũng đã đóng cửa khiến cho một người phụ nữ buộc phải sinh con ở nhà.
Tại các công viên và những địa điểm công cộng khác ở Kabul, những người chạy trốn khỏi các cuộc tấn công của Taliban tại các địa phương khác đã dựng lều trại để ở tạm với nỗi thấp thỏm về tương lai phía trước. Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết, hơn 550.000 người Afghanistan đã phải rời bỏ nhà cửa do xung đột kể từ đầu năm nay.
Theo người phát ngôn Taliban Shaheen, lực lượng này sẽ "ân xá" cho những người từng làm việc cho chính phủ và các nước phương Tây, đồng thời mời họ - có thể chỉ có đàn ông - phục vụ Taliban.
Dù vậy, lời đề nghị này đã vấp phải nhiều hoài nghi. Tại những khu vực do Taliban kiểm soát, đã có những bài báo đáng tin cậy ghi nhận về các vụ trả thù, hành quyết những người lính đầu hàng, trong khi phụ nữ buộc phải bỏ việc, không được đến trường, cũng như buộc phải kết hôn với các tay súng của lực lượng này.
Kỷ nguyên thứ hai của Taliban ở Afghanistan
Dòng người di cư đã bắt đầu chạy khỏi Afghanistan từ sáng 15/8 sau khi Taliban chiếm được thành phố Jalalabad ở phía đông, thành trì lớn cuối cùng mà chính phủ kiểm soát, và một cửa khẩu với Pakistan ở gần đó.
Tối 15/8, Tổng thống Afghanistan được cho là đã rời đất nước để tới Tajikistan. Trong một bài viết trên Facebook, ông Ghani thừa nhận chiến thắng của Taliban và cho biết ông rời đi để tránh việc giao tranh ở Kabul có thể dẫn đến một cuộc "đổ máu".
Taliban đã chiếm được thủ đô Kabul mà không cần giao chiến sau cuộc tấn công chớp nhoáng kéo dài 11 ngày vào các thành phố của Afghanistan. Lực lượng này đã nắm giữ hầu hết khu vực nông thôn ở Afghanistan cùng với các cửa khẩu quan trọng từ tháng 5 và cho tới tháng này thì tấn công vào các khu vực đô thị trên toàn quốc.
Ngày 13/8, Taliban chiếm được các thành phố lớn thứ hai và thứ ba của Afghanistan là Kandahar và Herat. Cho tới ngày 14/8, lực lượng này đã chiếm được thành trì quan trọng ở phía bắc là Mazar-i-Sharif.
Gần 2 thập kỷ sau khi liên minh quốc tế do Mỹ và Anh dẫn đầu lật đổ Taliban vào tháng 12/2001, lực lượng này đã quay lại nắm quyền ở Afghanistan với tốc độ chiến thắng đáng kinh ngạc.
Cả Mỹ và Anh đều khẳng định sẽ tiếp tục sứ mệnh chống khủng bố lâu dài. Khi được hỏi về tình hình Afghanistan, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhận định rằng: "Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là phương Tây nên hợp tác cùng nhau để đạt đồng thuận với chính phủ mới đó, dù là của Taliban hay bất cứ thế lực nào, để cho thấy rằng, không ai muốn Afghanistan một lần nữa trở thành ‘cái nôi’ của khủng bố".
Những nỗ lực của phương Tây trong những năm qua nhằm ủng hộ dân chủ và nhân quyền ở Afghanistan, cũng như những thành tựu đạt được có thể sẽ bị xóa bỏ. Taliban luôn khẳng định rằng lực lượng này chiến đấu để bảo vệ sự nghiêm ngặt của Hồi giáo, trong đó có những quy định hà khắc đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Trong những cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ làm trung gian, các nhà đàm phán Taliban khẳng định sẽ tôn trọng quyền lợi của phụ nữ theo những quy định của đạo Hồi, song từ chối nêu ra những thông tin cụ thể. Tại những khu vực mà lực lượng này kiểm soát, phụ nữ bị hạn chế về giáo dục, công việc và tự do đi lại.
Ở Kabul, các cửa hàng bắt đầu gỡ những bức ảnh phụ nữ mặc váy cưới xuống và những người phụ nữ sẽ phải chấp nhận một cuộc sống rất khác kể từ đây.
"Ngày hôm nay tôi cảm thấy rất buồn. Tôi vẫn không thể tin được Taliban đã quay lại Kabul. Họ sẽ không tôn trọng quyền tự do của chúng tôi", Hawa – một người phụ nữ Afghanistan cho hay./.