Kế hoạch gây tranh cãi của ông Trump ở Gaza làm dậy sóng Trung Đông
VOV.VN - Kế hoạch của ông Trump về việc di dời hơn 2 triệu người dân Palestine khỏi dải Gaza đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các bên và có nguy cơ đẩy Trung Đông vào vòng xoáy căng thẳng mới.
Trung Đông dậy sóng
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục thúc đẩy kế hoạch hòa bình ở Trung Đông theo phương châm "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAGA) khi đưa ra quyết định di dời hơn 2 triệu người dân Palestine khỏi dải Gaza. Tuy nhiên, bên ngoài các phòng họp và trong những cuộc trao đổi riêng tư, một số chuyên gia cho rằng kế hoạch này sẽ không thực sự được tiến hành nghiêm túc.
Ngày 11/2, Tổng thống Trump nhấn mạnh người Palestine ở Gaza không còn muốn sống ở đó nữa và tuyên bố rằng "nền văn minh" này đã bị xóa sổ hoàn toàn trong khu vực bởi cuộc tấn công kéo dài 1 năm qua của Israel.
"Tôi đã theo dõi tình hình từ rất lâu - tất cả sự chết chóc và phá hủy ở Gaza. Một nền văn minh đã bị xóa sổ khỏi đây", ông Trump nói.
"Chúng tôi sẽ có Dải Gaza, chẳng cần bỏ tiền vì chẳng có gì để mua. Gaza là vùng đất bị chiến tranh tàn phá. Chúng tôi sẽ tiếp quản, kiểm soát và trân trọng nó, sau đó giúp vùng đất này phát triển và tạo ra vô số việc làm cho người dân tại Trung Đông", Tổng thống Mỹ cho hay.
Phản ứng trên khắp châu Âu và Trung Đông trước kế hoạch của ông Trump về việc Mỹ "sở hữu" Gaza, điều mà ông nhắc lại hôm 11/2, là sự pha trộn giữa việc vừa kinh ngạc, vừa bác bỏ hoàn toàn. Các quốc gia Arab, những nước đã thúc đẩy giải pháp hai nhà nước ngay cả trước khi chính quyền ông Biden coi đó là mục tiêu cuối cùng cho một thỏa thuận hòa bình, đã đưa ra một loạt chỉ trích nhắm vào những nỗ lực nhằm di dời người dân Palestine khỏi Gaza.
Trong số này có Ai Cập, quốc gia đã từ chối tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn Palestine trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden với lý do lo ngại xung đột sẽ lan rộng và Jordan - Quốc vương của nước này vừa có cuộc gặp với ông Trump tại Nhà Trắng ngày 11/2 (giờ Mỹ). Vua Abdullah II của Jordan đã trở thành nhà lãnh đạo Arab đầu tiên gặp ông Trump tại Nhà Trắng kể từ khi nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump bắt đầu vào ngày 20/1.
"Tôi tin rằng chúng ta sẽ có một lô đất ở Ai Cập và một lô đất ở Jordan (để làm nơi ở cho những người Palestine bị buộc phải rời bỏ nhà cửa)", ông Trump phát biểu trong cuộc họp với Quốc vương Jordan tại Washington.
Khi được hỏi liệu Jordan có tiếp nhận những người Palestine phải di dời khỏi Gaza hay không, nhà lãnh đạo Jordan cho biết ông sẽ làm những gì "tốt nhất" cho đất nước mình. Nhà vua cho biết đất nước của ông sẽ tiếp nhận khoảng 2.000 trẻ em Palestine cần được chăm sóc y tế ngay lập tức, nhưng vẫn phản đối việc di dời cưỡng bức người Palestine trên diện rộng. Giống như các quốc gia khác, chính phủ Jordan đã lên án kế hoạch này là vi phạm luật pháp quốc tế.
Quốc vương Jordan cho biết, các quốc gia Arab sẽ đưa ra kế hoạch riêng của họ cho Gaza và sẽ được trình bày sau khi hoàn thiện. Sự phản đối của Jordan và Ai Cập được Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia khác ủng hộ.
Kế hoạch của ông Trump liệu có khả thi?
"Điều này thật nực cười và quá sức tưởng tượng. Bạn không thể ép buộc di dời một dân tộc khỏi đất đai của họ. Về cơ bản đây là nền tảng của luật pháp quốc tế hiện đại", luật sư nhân quyền người Mỹ gốc Palestine Noura Erakat thuộc Đại học Rutgers nói với tờ The Independent.
"Ông Biden cũng đề xuất điều này nhưng Ai Cập đã phản đối mạnh mẽ và nói rằng: "Không đời nào chúng tôi tiếp nhận họ vào Sinai" và thế là kế hoạch bị hủy bỏ", bà Erakat nói, ám chỉ đến một bài báo của Times of Israel năm 2023 cho biết ông Biden đã thông báo với ông Benjamin Netanyahu rằng Ai Cập từ chối một kế hoạch như vậy.
"Thành thật mà nói tôi không coi đó là một kế hoạch nghiêm túc nhưng tôi nghĩ điều này vẫn gây hại", nhà quan sát Erakat cho hay.
Bà Erakat đã đổ lỗi cho chính quyền ông Biden vì làm suy yếu các thể chế toàn cầu, trong đó có Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Tòa án Hình sự Quốc tế, những cơ quan mà bà cho là đáng lẽ phải được trao quyền để ngăn chặn kế hoạch cưỡng chế di dời người dân Gaza của ông Trump.
Những nhân vật khác trong lĩnh vực chính sách đối ngoại trả lời phỏng vấn The Independent hôm 11/2 cũng bác bỏ ngay kế hoạch của Nhà Trắng về Gaza. Ngay cả Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio không thể tự mình đưa ra lời ủng hộ hoàn toàn cho việc di dời hơn 2 triệu người khỏi Gaza, đồng thời tránh bảo vệ nó như một chiến lược thực tế và nghiêm túc trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 10/2.
"Điều này nằm ngoài khuôn khổ, đó là điều Tổng thống luôn làm. Vì vậy, nếu các bên không thích kế hoạch của ông Donald Trump thì đã đến lúc các quốc gia trong khu vực phải tiến lên và đưa ra giải pháp của họ", ông Rubio nói.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khẳng định: "“Luật nhân đạo quốc tế cấm việc cưỡng bức di dời vĩnh viễn dân thường khỏi một vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Khi việc cưỡng bức di dời như vậy được thực hiện với mục đích phạm tội, thì đó là tội ác chiến tranh. Nếu được thực hiện như một phần của cuộc tấn công có hệ thống hoặc quy mô rộng vào dân thường, phản ánh chính sách của nhà nước, thì đó là tội ác chống lại loài người”.
Một quan chức cấp cao tại một tổ chức phi chính phủ Hồi giáo lớn hoạt động trên khắp thế giới Arab đã dự đoán, kế hoạch của Tổng thống Trump sẽ không nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo trong khu vực. Vị quan chức này nhận định, kế hoạch trên gây ra một mối nguy hiểm khác, đó là phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn vốn đã mong manh giữa Israel và Hamas - lực lượng vẫn đang kiểm soát dải Gaza.
Hamas cho biết hôm 10/2 rằng họ sẽ hoãn kế hoạch thả con tin Israel sắp tới. Lực lượng này đã trích dẫn nhiều cáo buộc Israel vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, bao gồm cả việc Israel không đạt được ngưỡng đã thỏa thuận là cho phép 12.000 xe tải chở hàng cứu trợ vào vùng lãnh thổ bị tàn phá. Theo Al Jazeera, số lượng xe tải thực tế vượt biên giới kể từ khi thỏa thuận được ký kết là gần 8.500.
Tổng thống Mỹ đã đáp trả bằng cách cảnh báo "địa ngục" sẽ mở ra nếu Hamas từ chối thả những con tin còn lại đúng hạn theo các điều khoản ngừng bắn. Thỏa thuận dường như đang đứng trên bờ vực đổ vỡ hơn bất kỳ thời điểm nào cho đến nay.