Khoảng trống ở Syria và cuộc chiến giành “trái tim Trung Đông” của các phe phái
VOV.VN - Trong những ngày kể từ khi chế độ Assad sụp đổ, nhiều quốc gia đã ném bom các mục tiêu ở Syria khi khoảng trống quyền lực mở ra một cuộc chiến giành "trái tim Trung Đông".
Cuộc chiến giành “trái tim Trung Đông”
Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad ở Syria đã gây ra một cuộc tranh giành quyền kiểm soát “trái tim Trung Đông”, một cuộc cạnh tranh có thể trì hoãn vô thời hạn hòa bình và sự ổn định mà người dân Syria khao khát, đồng thời có khả năng lan sang một khu vực rộng hơn.
Trong tuần đầu tiên của Syria sau những biến động vừa qua, 3 cường quốc nước ngoài đã tiến hành ném bom các mục tiêu trong nước này để theo đuổi các mục tiêu chiến lược của mình: Mỹ chống lại tàn dư của IS ở phía Đông, Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng người Kurd ở phía Đông Bắc và Israel phá hủy các tài sản quân sự của Syria ở nhiều địa điểm.
Nga và Iran, những bên ủng hộ chính của ông Assad, sau sự thay đổi quyền lực ở Damascus đang vội vã rút quân hoặc tái bố trí lực lượng. Một phát ngôn viên của chính phủ Iran cho biết Tehran đã sơ tán 4.000 nhân sự khỏi Syria kể từ khi chế độ Assad sụp đổ. Nga cũng đã rút quân khỏi các căn cứ quanh Syria và đưa lực lượng này tới căn cứ không quân Hmeimim ở bờ biển Địa Trung Hải của Syria mặc dù hiện chưa rõ việc bố trí lại vị trí này có phải là dấu hiệu cho một cuộc rút quân toàn diện hay không.
Những diễn biến trên cho thấy tầm quan trọng chiến lược sống còn của Syria với tư cách là ngã tư của các tôn giáo, hệ tư tưởng và vị trí địa lý giáp ranh với 5 quốc gia Trung Đông khác. Nó cũng nhấn mạnh đến khả năng xảy ra biến động khi các liên minh chính trị và quân sự thay đổi, trong khi lực lượng nổi dậy Hồi giáo do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo, giành quyền kiểm soát ở Damascus.
Việc tiếp quản vào tuần trước bởi các chiến binh Hồi giáo dòng Sunni với một số người trong số đó có liên hệ với al-Qaeda, đã thay đổi hoàn toàn cán cân quyền lực trong khu vực.
Trục ảnh hưởng Đông - Tây nối Tehran với Beirut qua Iraq và Syria đã bị cắt đứt; hành lang quyền lực hiện chạy từ Bắc xuống Nam, từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Syria vào Jordan và các quốc gia Arab theo Hồi giáo dòng Sunni ở Vịnh Ba Tư.
"Dù bạn xoay chuyển thế nào thì đây cũng là cơn địa chấn chính trị với cường độ lớn nhất ở trung tâm Trung Đông. Đó là một sự thay đổi lớn", Firas Maksad, thành viên cấp cao của Viện Trung Đông, cho biết.
Lịch sử của các cuộc nổi dậy và đảo chính gần đây của khu vực này chứa đựng những lời nhắc nhở đáng ngại về khả năng bất ổn trước sự thay đổi quyền lực.
Việc lật đổ chế độ Sunni của Saddam Hussein ở Iraq năm 2003 đã trao quyền cho đa số người Shiite của đất nước và gây ra một cuộc nổi loạn của người Sunni phát triển thành IS. Việc lật đổ Moammar Gaddafi của Libya năm 2011 cũng mở ra cánh cửa cho một cuộc nội chiến kéo dài giữa các phe phái nổi dậy được các thế lực nước ngoài hậu thuẫn.
Lò nung của những phe phái đối địch
Nội chiến Syria vẫn có thể tiếp diễn nếu những bên chiến thắng tìm cách trả thù, lực lượng nổi dậy chia rẽ và các thế lực nước ngoài cố gắng can thiệp.
"Đây là một nỗi sợ hãi lớn", nhà báo người Syria Ibrahim Hamidi, sống lưu vong tại London và là tổng biên tập tạp chí Al-Majalla do Saudi Arabia sở hữu cho biết: "Có rất nhiều thách thức và những khó khăn ở phía trước".
Cách Iran quyết định phản ứng khi những tham vọng khu vực chịu đòn giáng nặng nề sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định vận mệnh của Syria và một Trung Đông mới. Iran có thể quyết định bắt đầu các cuộc đàm phán mới với phương Tây về chương trình hạt nhân của mình hoặc có thể tìm cách xây dựng lại mạng lưới dân quân đã tan tác.
Nhà báo Hamidi cho rằng Iran đã "thua lớn" khi chính quyền Tổng thống Assad sụp đổ.
"Nhưng chúng ta cũng biết Iran có sự kiên nhẫn. Hiện tại, họ đang lùi một vài bước để quyết định cách giải quyết vấn đề này", ông Hamidi cho hay.
Nguy cơ bạo lực bùng lên ngay lập tức đang nằm ở trong và xung quanh vùng đất do người Kurd kiểm soát ở Đông Bắc và phía Đông Syria, nơi có khoảng 900 binh lính Mỹ được triển khai cùng với lực lượng do người Kurd lãnh đạo để đối phó với IS. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đối mặt với những cuộc nổi loạn của người Kurd kéo dài hàng thập kỷ trong nước từ lâu đã phản đối vùng đất này ở Syria. Sự trỗi dậy của lực lượng nổi dậy dòng Sunni do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đã tạo tiền đề cho một vòng xoáy xung đột mới giữa các nước Arab và lực lượng người Kurd, có thể kéo Ankara vào sâu hơn trong Syria và khiến lực lượng của Mỹ mắc kẹt.
Đây cũng là khu vực mà IS cố gắng tập hợp lại lực lượng, làm trầm trọng thêm mối nguy hiểm của nhiều cuộc giao tranh. Điều này có thể khiến sự hiện diện của Mỹ ở đó trở nên không bền vững, Charles Lister, một thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông, đã phát biểu tại một hội thảo vào tuần trước.
Nếu người Kurd phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng trong vùng đất trung tâm của họ ở cực Bắc Syria, lực lượng của họ có khả năng sẽ rút lui khỏi nhiều khu vực chủ yếu là người Arab mà họ hiện đang kiểm soát, Barzan Iso, một nhà báo người Kurd làm việc ở Đông Bắc Syria dự đoán.
"Chúng tôi sợ Thổ Nhĩ Kỳ hơn HTS", ông Iso nói, đồng thời cho biết bất kỳ sự rút lui nào của người Kurd cũng sẽ khiến quân đội Mỹ dễ tổn thương, ít nhất là ở một số căn cứ của họ và đặt câu hỏi về tương lai của nhiệm vụ chống IS của Washington.
Đồng thời, các cuộc tấn công của Israel vào cơ sở hạ tầng quân sự và vũ khí của Syria có nguy cơ khiến các lực lượng nổi dậy mới dè chừng. Michael Horowitz, Người đứng đầu bộ phận tình báo của Le Beck International, một công ty tư vấn an ninh Trung Đông, cho biết các nhóm này trước đây không coi Israel là mối đe dọa.
Theo ông Horowitz, Israel đang mô tả hành động của mình là phòng thủ để đảm bảo rằng bất kỳ thế lực nào nổi lên ở Damascus sẽ không bao giờ có thể gây ra mối đe dọa. Tuy nhiên, trong quá trình này, "họ đang biến Syria thành kẻ thù ngay từ ngày đầu tiên", ông nói và nhận định, Israel đang tước đi của chính quyền mới ở Damascus các phương tiện quân sự để đương đầu với bất kỳ thách thức nào khác có thể xuất hiện.
Các nước láng giềng Arab của Syria, những nước đang trong quá trình bình thường hóa quan hệ với ông Assad khi quân nổi dậy lên nắm quyền, cũng đang theo dõi các diễn biến với cái nhìn thận trọng. Trong những năm đầu của cuộc nổi dậy ở Syria, các nước Arab đã vội vàng hỗ trợ các phe phái khác nhau. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của họ là ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Iran nên sau đó, họ đã hòa giải với ông Assad với hy vọng rằng có thể thuyết phục nhà lãnh đạo Syria cắt đứt quan hệ với Tehran.
Các nước Arab sẽ nhẹ nhõm khi trục của Iran bị phá vỡ, Fawaz Gerges, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London cho biết. Tuy nhiên, họ cũng cảnh giác với cả những người theo chủ nghĩa Hồi giáo và sự lan rộng của nền dân chủ. Ông cho biết nếu một trật tự mới xuất hiện ở Damascus khiến họ cảm thấy không thoải mái, họ có thể cố gắng tác động đến quỹ đạo của Syria bằng cách tài trợ cho các lực lượng địa phương.
Syria là một lò nung của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối địch, từ các chiến binh thánh chiến đến những người Hồi giáo ôn hòa, những người theo chủ nghĩa thế tục và những người theo tư tưởng dân chủ, trong đó có nhóm thiểu số Cơ đốc giáo và Alawite. Chuyên gia Gerges cho biết, tất cả đều có những hy vọng và kỳ vọng khác nhau cho tương lai và có thể dễ bị tổn thương trước sự can thiệp của nước ngoài.
"Chính các tác nhân nội bộ đã cho phép các nước láng giềng can thiệp vào việc đối ngoại của Syria và làm trầm trọng thêm các vấn đề. Syria từ lâu đã là chiến trường cho các cuộc giao tranh ủy nhiệm và tôi không nghĩ điều này đã thay đổi", chuyên gia Gerges cho hay.
Thách thức to lớn trong việc xây dựng một Syria mới từ đống tro tàn của đất nước bị phá hủy đến mức "những rủi ro và sự không chắc chắn lớn hơn bất kỳ khả năng hoặc cam kết nào. Có thể sẽ không có một quá trình chuyển đổi suôn sẻ và hòa bình", ông Gerges nói thêm.
Tuy nhiên, theo nhà báo Hamidi, cũng có những lý do để hy vọng Syria sẽ tránh được những kết quả tồi tệ nhất. Người Syria đã chiến đấu với nhau trong suốt 13 năm qua “và họ đã kiệt sức”.
“Nếu họ nhận thức được những rủi ro, họ có thể vượt qua chúng”, ông Hamidi nhận định.