Khối quân sự AUKUS (Mỹ-Anh-Australia) tác động mạnh vào an ninh châu Âu
VOV.VN - Hiệp ước quân sự AUKUS (gồm 3 nước Australia-Anh-Mỹ) là một vấn đề an ninh của cả châu Âu chứ không riêng gì nước Pháp.
Cao ủy EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borell tuyên bố rằng các nước thành viên EU coi AUKUS là điều gây ảnh hưởng lên toàn Liên minh châu Âu. Michael Roth - quan chức Đức phụ trách các vấn đề châu Âu, đã gọi đây là “tiếng gọi thức tỉnh đối với tất cả mọi người trong EU”, còn Ngoại trưởng Đức Heiko Mass tuyên bố rằng cách thức AUKUS được thiết lập thực sự “gây khó chịu và thất vọng cho không chỉ nước Pháp”.
Vì sao châu Âu lại lo lắng?
Thứ nhất, cách thức người ta đàm phán và công bố AUKUS đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng niềm tin trên khắp vùng Đại Tây Dương bởi vì nó cho thấy rằng châu Âu không còn là ưu tiên của Mỹ. Một khi Mỹ đã làm như vậy với Pháp (khi tham gia AUKUS, Australia đã hủy hợp đồng mua tàu ngầm quân sự trị giá nhiều triệu USD với Pháp để chuyển sang mua tàu và công nghệ của Mỹ-Anh), thì còn có điều nào ngăn được Mỹ làm điều tương tự với các nước châu Âu khác? Pháp có quân đội mạnh nhất trong Liên minh châu Âu và nền kinh tế lớn thứ 2 EU. Pháp cũng đứng ở tuyến đầu trong việc gia tăng gắn kết với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng Pháp vẫn bị đối xử như vậy.
Thêm nữa, nếu AUKUS xác nhận rằng châu Á-Thái Bình Dương giờ là ưu tiên đối với Mỹ thì điều đó ngụ ý rằng châu Âu không còn là đối tác chiến lược của Mỹ như trước đây.
Thứ hai, AUKUS trực tiếp tác động lên kiến trúc an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi Liên minh châu Âu có lợi ích chiến lược và cách tiếp cận riêng như đã được vạch ra trong chiến lược hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. AUKUS có thể làm phức tạp thêm hợp tác đang ngày càng sâu sắc của châu Âu với Australia, và các nước châu Âu có thể bị lôi cuốn theo hướng hạn chế tương tác với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung.
AUKUS ra đời vào thời điểm nhạy cảm với châu Âu. Người ta đã chọn tháng 12/2021 làm thời gian tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về sự độc lập của Tân Caledonia. Trong khi đó, Trung Quốc ủng hộ độc lập cho Tân Caledonia, nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình ở Nam Thái Bình Dương. Một Tân Caledonia dưới ảnh hưởng của Trung Quốc có thể phá vỡ thế bao vây Trung Quốc bằng việc cô lập Australia.
Đội ngũ của Nhà Trắng phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mạnh mẽ hơn nhiều so với đội ngũ của chính quyền Mỹ phụ trách các vấn đề EU. Chuyến công du đầu tiên của bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ thời Tổng thống Biden cũng là tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thậm chí chuyến công du châu Âu của ông Biden vào tháng 6/2021 cũng có đặc điểm là các thông cáo của G7, NATO, và Thượng đỉnh EU-Mỹ trong thời gian này đều đề cập Trung Quốc.
Ngoài ra, Ukraine (một nước châu Âu dù chưa gia nhập EU) tuyên bố bị “bất ngờ” khi Mỹ quyết định cho phép hoàn thành dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan không phải là một quyết định của tập thể. Cuối cùng, việc dỡ bỏ lệnh cấm đi lại của Mỹ đối với công dân châu Âu phải mãi tới ngày 20/9/2021 mới được công bố, dù cho châu Âu có tỷ lệ cao tiêm chủng Covid-19 trong khi nhiều nước khác có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn lại không phải chịu một lệnh cấm như vậy từ phía Mỹ.
Trong bối cảnh ấy, AUKUS như giọt nước tràn ly, là lời thức tỉnh đối với người châu Âu, là dấu hiệu rõ ràng rằng họ phải nỗ lực hơn nữa để bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình.
EU nên làm gì?
Đầu tiên, châu Âu không có tầm nhìn chiến lược chung. Chiến lược của EU về hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một bước đi quan trọng để tăng cường tầm nhìn chung và điều này sẽ hình thành khu vực chiến lược tương lai. Liên minh châu Âu nên nhất trí về các thách thức chính phía trước, và tân đặc phái viên EU tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Gabriele Visentin, sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc xây dựng sự đồng thuận như vậy.
Các nước châu Âu khác biệt trong cách nhìn nhận về Trung Quốc mà EU đã coi là “đối thủ hệ thống”, “đối thủ kinh tế” nhưng cũng là một “đối tác đàm phán”. Sẽ không dễ thông qua một chiến lược mới của EU về Trung Quốc nhưng báo cáo gần đây của nghị viện châu Âu có thể là hỗ trợ đầu tiên cho điều đó. Báo cáo này kêu gọi tương tác với Bắc Kinh trên các vấn đề toàn cầu cùng quan tâm – khí hậu, y tế, và giải giáp hạt nhân, nhưng đồng thời cũng kêu gọi bảo vệ các giá trị và lợi ích cốt lõi của châu Âu.
Thứ hai, châu Âu phải thể hiện rằng họ sẵn sàng đóng vai trò toàn cầu theo hướng họ muốn. Điều này đòi hỏi sự đầu tư tài chính và chính trị. Việc các nguyên thủ EU phê chuẩn chiến lược EU về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang ý nghĩa lớn trong vấn đề này. Thực hiện chiến lược này sẽ chứng minh với khu vực và Mỹ rằng châu Âu là một nhân tố chính trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thứ ba, Liên minh châu Âu phải thảo luận cởi mở với Mỹ về an ninh châu Âu và điều này không giới hạn vào lãnh thổ châu Âu. Cũng nên tổ chức đối thoại tập trung về an ninh và quốc phòng như đã cam kết trong thượng đỉnh EU-Mỹ vào tháng 6 vừa qua. NATO sẽ vẫn là hòn đá tảng trong phòng vệ tập thể của châu Âu, còn Mỹ có nhiều điều lợi có thể thu được từ một nền quốc phòng châu Âu mạnh mẽ hơn, đáng tin cậy hơn.
Thứ tư, giành lại niềm tin với Australia, Anh, và Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với hợp tác tương lai. Mở đường cho hợp tác trong Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, giữa Liên minh châu Âu và Quad sẽ là một bước đi tích cực.
AUKUS sẽ có tác động lâu dài lên an ninh châu Âu. Nó cho thấy môi trường chiến lược đã thay đổi nhiều thế nào và cách thức các đối tác an ninh quan trọng của EU muốn hành xử trong đó. Châu Âu phải chủ động không chỉ trong việc bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình mà còn cả trong việc đổi mới mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cân bằng hơn và hiệu quả hơn, kể cả trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.