Không kích IS ở Syria: Nga đang thay đổi cục diện ván cờ Trung Đông?
VOV.VN- Sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria đang thay đổi cục diện ván cờ ở Trung Đông và khiến Mỹ phải tìm cách duy trì vị thế của mình bằng mọi giá.
Theo Sputnik News, nhận định trên được nhà phân tích địa chính trị Mỹ Eric Draitser đưa ra.
Một máy bay chiến đấu của Nga tấn công các mục tiêu IS. Ảnh Sputnik |
Mỹ khó chấp nhận thất bại
Theo ông Draitser, sẽ là rất ngây thơ nếu cho rằng, Mỹ chấp nhận việc vị thế của mình đang suy yếu dần và thừa nhận chính sách can dự vào Trung Đông của nước này trong suốt một thập kỷ qua đã sụp đổ hoàn toàn.
Ông Draitser khẳng định, giới chức “diều hâu” Mỹ sẽ làm mọi điều có thể để giành lại tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực.
“Dù sức mạnh của Mỹ đang giảm sút dần, Mỹ vẫn không phải là không có thực lực. Washington có thể tiến hành rất nhiều biện pháp đối phó với sự trỗi dậy của Nga và Iran tại Trung Đông”, ông Draitser nói.
Theo đó, Mỹ có thể lợi dụng việc máy bay Nga không kích IS ở Syria vô tình xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ để khiến quan hệ hai nước xấu đi. Mỹ có thể tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh quan trọng của Mỹ chứ không chỉ là thành viên của NATO.
“Điều này là nhất cử lưỡng tiện, bởi nó có thể giúp Mỹ ngăn chặn việc triển khai dự án khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” mà Nga và Thổ Nhĩ kỳ đang hợp tác với nhau. Mỹ hiểu rõ tầm quan trọng về kinh tế của dự án trị giá hàng chục tỷ USD này và rất muốn Nga không thể đạt được mục đích của mình”, ông Draitser nêu rõ.
Nhận định của ông Draitser được đưa ra 2 ngày trước khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên tiếng đe dọa sẽ chấm dứt mối quan hệ hữu hảo với Nga sau vụ máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn với RIA ngày 9/10, nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Aydin Sezer cho rằng, quan điểm của ông Erdogan có thể là do bị tác động từ phía NATO và nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “thiệt đơn thiệt kép” nếu chấm dứt quan hệ với Nga.
“Washington cũng có thể lợi dụng sự can thiệp của Nga vào tình hình Syria để gắn kết chặt chẽ hơn nữa với các đồng minh như Saudi Arabia, Qatar và Israel.
Một quả tên lửa đang được lắp đặt trên chiến đấu cơ của Nga tham gia không kích IS. Ảnh Sputnik |
Trong vòng 2 năm qua, những nước này đã tìm cách để cải thiện mối quan hệ với Nga và coi Nga là nhân tố có tính ảnh hưởng sâu rộng trên trường quốc tế cũng như có tiềm năng rất lớn về năng lượng và vũ khí.
Với việc Nga đang phá hủy mạng lưới khủng bố mà Mỹ và các nước trên ủng hộ ngầm hoặc công khai, Mỹ có cơ hội “không thể tốt hơn” để kéo các quốc gia này “quay trở lại quỹ đạo của mình thay vì để cho họ có chính sách ngoại giao ít phụ thuộc vào Mỹ so với trước đây”, ông Draitser nói.
Ngoài ra, trong trường hợp bị “dồn ép” Mỹ có thể sẽ tìm mọi cách chống phá Nga.
“Mỹ sẽ tìm cách bắt Nga phải trả giá khi can thiệp vào Trung Đông, Tình báo Mỹ và các đồng minh vùng Vịnh đã và đang ủng hộ các nhóm phiến quân Hồi giáo trong nhiều thập kỷ qua”, ông Draitser cho biết.
Vấn đề Syria nhiều khả năng cũng sẽ khiến CIA kích hoạt mạng lưới tình báo của mình ở mức cao nhất có thể. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều cuộc tấn công khủng bố xảy ra trong lãnh thổ của Nga.
Ông Draitser cho rằng, dù không thể ngăn chặn quyết tâm chiến đấu chống các nhóm khủng bố của Nga tại Syria, động thái này của Mỹ cũng có thể gây “phân tâm” dư luận Nga.
Nga- nhân tố quyết định cục diện tại Syria
Ông Draitser khẳng định, sự can thiệp quân sự của Nga vào tình hình Syria sẽ khiến tình hình địa chính trị trong khu vực thay đổi rất nhiều bởi Nga là nhân tố quyết định điều này.
“Đối với Syria, sự can thiệp của Nga là do ý nguyện của Chúa trời. Quân đội Syria đã trải qua hơn 4 năm chiến đấu và đã suy yếu rất nhiều cũng như không còn khả năng chiếm lại những vùng đất do phiến quân nắm giữ”, ông Draitser nói.
Những thành phố như Aleppo, Hama và Idlib sẽ là mục tiêu quá sức đối với quân Chính phủ Syria nếu đơn phương chiến đấu với IS, al- Nusra và nhiều nhóm phiến quân khác. Tuy nhiên, với các cuộc không kích của Nga, cơ hội đã “mở toang” trước mặt họ.
Hai chiếc máy bay của Nga trên đường đến các mục tiêu IS. Ảnh Sputnik |
Theo ông Draitser nếu chiếm được hành lang chiến lược Damascus- Aleppo, nhuệ khí của quân Chính phủ Syra sẽ tăng lênh đáng kể và với sự hỗ trợ của Nga, quân đội Syria rõ ràng đang chiếm thế thượng phong.
Iran và Iraq cũng đang hưởng lợi
Không chỉ Syria, Iran và Iraq cũng đang cảm nhận được những lợi ích to lớn mà Nga đem lại khi can thiệp vào tình hình Syria.
“Trước khi cuộc chiến tại Syria nổ ra năm 2011, 3 nước Iran, Iraq và Syria đã từng tính đến chuyện lập đường ống dẫn dầu từ Iran qua 23 nước này đến bờ Địa Trung Hải.
Điều này sẽ trở thành sự thực nếu Syria không bị chia rẽ. Tuy nhiên, với việc Iran dang ủng hộ mạnh mẽ chính phủ hợp pháp của ông Assad và hợp tác chặt chẽ với Nga, Iran đang muốn tách ra khỏi vòng kiềm tỏa của phương Tây và có tiếng nói độc lập hơn”, ông Draitser giải thích.
Trong khi đó, “Iraq cũng đã lên tiếng đề nghị Nga hỗ trợ không kích chống IS bởi họ nhận thức rõ ràng rằng, Mỹ không tạo điều kiện để quân đội Iraq có thể đánh bại IS.
Với việc không cùng tiếng nói chung trong lộ trình tiêu diệt IS với Mỹ, Iraq đang muốn tự do hành động và điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ xích lại gần hơn với Nga và Iran.
Mục tiêu hàng đầu hiện này của chính phủ Iraq là giải phóng được 2 thành phố chiến lược Ramadi và Mosul. Quân đội Iraq hiểu rằng, họ chưa thể chiếm ngay lại được Anbar, tuy nhiên, nếu có thể làm suy yếu IS tại đây, quân đội Iraq với sự hậu thuẫn của Iran hoàn toàn có thể giành được chiến thắng”, ông Draitser nói.
Nga hiện được coi là một thế lực mới ở Trung Đông có khả năng giải quyết các vấn đề trong khu vực, trong khi đó, Mỹ đang “rối như tơ vò” trong chính ván cờ địa chính trị mà Mỹ bày ra”, ông Draitser kết luận./.
>> Xem thêm: Nước cờ hiểm hóc của Putin ở Syria