Không kích vào lãnh thổ Syria, Mỹ sẽ gặp những trở ngại đáng sợ
VOV.VN - Tình báo Mỹ còn rất mù mờ về IS và các mục tiêu ở Syria, trong khi phòng không Syria và IS được cho là rất đáng gờm.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cân nhắc tiến hành không kích các chiến binh Hồi giáo Syria. Các quan chức đương nhiệm và đã về hưu của Mỹ cho biết, trong trường hợp thực thi lệnh tấn công của Tổng thống, các lực lượng Mỹ sẽ đứng trước các thách thức không dễ gì vượt qua, bao gồm việc thiếu hụt thông tin tình báo về mục tiêu, các mối quan ngại về hệ thống phòng không Syria, và khả năng bản thân lực lượng phiến quân IS cũng có vũ khí phòng không hiệu quả.
>> Xem thêm: Mỹ vạch chiến lược đánh tiệt nọc phiến quân IS
Các quan chức cho hay, trong những ngày gần đây, nhóm an ninh quốc gia của ông Obama đã tích cực tính toán việc mở rộng chiến dịch không kích IS ở Iraq sang nước Syria láng giềng.
Hiện chưa rõ bao lâu nữa sẽ diễn ra các cuộc không kích đó, nhưng việc ông Obama cho phép tiến hành trinh sát trên bầu trời Syria làm tăng triển vọng ông sẽ thông qua các cuộc tấn công chứ không “lùi bước” như ông đã từng như vậy hồi năm 2013 sau khi đe dọa sẽ tấn công các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Có khả năng các cuộc không kích sẽ tập trung vào ban lãnh đạo IS và các vị trí xung quanh thành phố Raqqa phía trong thành trì của IS ở miền bắc Syria, cũng như các khu vực vùng biên đóng vai trò là bàn đạp cho lực lượng Hồi giáo cực đoan đánh chiếm 1/3 lãnh thổ Iraq.
Tuy nhiên các cuộc không kích này đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
“Có vô số bất lợi và rủi ro các loại khiến cho các cuộc không kích ở Syria không nhất thiết phải là một ý tưởng hay,” Aaron David Miller, cựu cố vấn về Trung Đông dưới thời các chính quyền của cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ, nói.
Đánh trúng các mục tiêu ở Syria khó hơn Iraq do thiếu thông tin tình báo thực địa đáng tin cậy. (Ở miền Iraq, người Mỹ được các lực lượng của Iraq và người Kurd cung cấp thông tin tình báo.)
Các phiến quân ôn hòa được Mỹ hậu thuẫn và có năng lực cung cấp thông tin tình báo ở Syria thì lại chưa liên kết thành một khối. Hiện chưa rõ liệu họ có khả năng cung cấp lực lượng chỉ điểm tiền phương cho máy bay Mỹ oanh kích bên trong lãnh thổ do IS chiếm giữ hay không.
Vũ khí Phòng không do Nga chế tạo
Hệ thống phòng không do Nga chế tạo mà Syria đang sở hữu là một mối quan ngại khác đối với Mỹ. Sau hơn 3 năm nội chiến Syria, hệ thống này vẫn cơ bản còn nguyên vẹn.
Tổng thống Syria Assad có thể lựa chọn không đánh lại máy bay Mỹ khi ông ý thức rằng mình có thể được lợi từ cuộc tấn công của người Mỹ nhằm vào IS. Bản thân ông đã nỗ lực đẩy lùi đà tiến của các lực lượng cực đoan từng là chi nhánh của al-Qaeda này. Trong các tuần gần đây, IS đã chiếm tới 3 căn cứ quân sự của Syria ở miền bắc nước này nhờ vào các vũ khí cướp được ở Iraq.
>> Xem thêm: Quân đội Syria – Điểm tựa vững chắc của chế độ Assad
Chưa kể, nếu kháng cự chiến dịch của người Mỹ, chính phủ Assad có thể đối mặt với đòn trả đũa của Mỹ.
Đối với giới hoạch định quân sự phương Tây, đáng ngại hơn cả là các vũ khí phòng không mà lực lượng IS có thể đang sở hữu.
Eric Thompson, nhà phân tích chiến lược cao cấp tại Trung tâm Phân tích Hải quân, nói: “Đưa phi cơ bay qua Syria rất khác so với ở Iraq”. “Ở đó có nhiều vũ khí phòng không hiện đại hơn, một số nằm trong tay phiến quân IS”.
Nhóm nghiên cứu độc lập Small Arms Survey có trụ sở ở Geneva trong một báo cáo gần đây đã nêu chi tiết về một loạt hệ thống tên lửa vác vai (như MANPAD) nằm trong tay phiến quân Hồi giáo.
Lỗ hổng tình báo
Lầu Năm Góc đã công khai thừa nhận họ sở hữu thông tin không được “chuẩn” lắm về các hoạt động di chuyển và năng lực của lính IS – điều này được thể hiện rõ qua nỗ lực bất thành của đặc nhiệm Mỹ khi cố giải cứu nhà báo Foley vào tháng 7.
Các lỗ hổng tình báo làm tăng nguy cơ các cuộc không kích của Mỹ sẽ gây thương vong cho dân thường Syria, đặc biệt là khi các chiến binh IS rất cơ động và thường trà trộn với dân thường ở các khu vực đô thị như là Raqqa.
Hiện trong tay Tổng thống Obama là rất nhiều vũ khí mạnh như phi cơ vũ trang không người lái và các oanh tạc cơ tàng hình. Ông Obama cũng có thể cho phóng tên lửa từ chiến hạm ngoài khơi hoặc từ phi cơ bay ngoài biên giới Syria.
Các máy bay không người lái – vũ khí ông Obama lựa chọn để đối phó với al-Qaeda ở Pakistan và Yemen, có thể được tung vào trận, nhưng có thể chủ yếu là để trinh sát hơn là phóng rocket. Với nguy cơ đánh nhầm mục tiêu và gây thương vong cho dân thường, quân Mỹ đặc biệt ưa thích sử dụng phi cơ không người lái kèm với các chỉ điểm trên mặt đất.
Các quan chức Mỹ am tường chiến thuật của IS cho biết, giới lãnh đạo IS sử dụng khóa mật mã hết sức tinh vi để liên lạc với nhau khiến việc lần ra những kẻ này rất khó khăn. Các thủ lĩnh như Abu Bakr al-Baghdadi vì thế mà rất khó truy tìm./.