Khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus: Tổng thống Lukashenko có chịu lùi bước?
VOV.VN - Theo nhà phân tích Shraibman, dù điều gì xảy ra, cuộc khủng hoảng hiện tại đã ảnh hưởng đến khả năng diễn ra các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Belarus và EU.
Các quan chức EU cho rằng, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã phát động “chiến tranh hỗn hợp” vào EU, vào một thời điểm khó khăn khi khối này đang phải đối mặt với những căng thẳng trong nội bộ.
Các biện pháp trừng phạt mới của EU, có thể nhắm vào các hãng hàng không Belarus vận chuyển người di cư trái phép, sẽ được áp đặt vào ngày 15/11.
Khoảng 3.000-4.000 người di cư, chủ yếu đến từ các khu vực xảy ra xung đột ở Trung Đông như Iraq, Syria, Yemen và Afghanistan, đã đến Belarus sau khi chính phủ nới lỏng các quy định về thị thực vào tháng 8.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Belarus trong việc đưa người di cư vào các nước láng giềng của EU, những người tị nạn bị mắc kẹt trong các khu rừng băng giá đang thiếu đồ ăn và chăm sóc y tế.
Belarus đang hy vọng điều gì?
Nhà phân tích chính trị Artyom Shraibman cho rằng, những lời đe dọa mở cửa biên giới Belarus cho người di cư của ông Lukashenko thậm chí có thể đi xa hơn nữa.
“Ông ấy thực sự đã đe dọa sẽ làm điều này trong nhiều năm, từ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị Belarus năm 2020”, Shraibman nói.
Vào tháng 5/2021, một chuyến bay của hãng hàng không Ryanair bị một máy bay chiến đấu của Belarus ép hạ cánh để bắt giữ nhà hoạt động đối lập Roman Protasevich. Đáp lại, EU đã cấm các hãng hàng không của Belarus đến các sân bay và không phận của EU.
Cuối cùng, Tổng thống Lukashenko đã thực hiện lời đe dọa mở cửa biên giới Belarus cho dòng người di cư với hy vọng có được cuộc sống mới ở EU.
Tuy nhiên, các biện pháp gây áp lực mới của Belarus có thể không mang lại cho Tổng thống Lukashenko những điều ông mong muốn khi Belarus hiện đang phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt hơn nữa.
“EU có thể sẽ không chấp nhận giảm nhẹ các lệnh trừng phạt vì áp lực từ Belarus không đáng kể. Không giống như hàng triệu người tị nạn đến EU vào năm 2015, hiện chỉ có hàng nghìn người. Đây không phải là thứ có thể khiến EU thay đổi quyết định”, Shraibman nói.
Căng thẳng trong nội bộ EU
Trong cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015, Ba Lan là một trong những nước chỉ trích gay gắt nhất chính sách di cư của EU. Kể từ đó, quốc gia này đã rời xa các chính sách chung của EU.
Rạn nứt giữa Ba Lan và EU gần đây ngày càng gia tăng do một quy định trong hệ thống tòa án của EU trước đây. Vào tháng 10, tòa án cấp cao của EU đã yêu cầu Ba Lan nộp phạt 1 triệu euro cho mỗi ngày nước này không tuân thủ phán quyết.
Tuy nhiên, nếu một trong những mục tiêu của ông Lukashenko khi gây áp lực lên EU ngoài việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt là làm rạn nứt khối này, thì điều này đã thất bại.
“Ba Lan, quốc gia đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, cần có được sự đoàn kết và thống nhất trên toàn EU”, Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cho biết hôm 10/11 trong chuyến thăm đến thủ đô Warsaw của Ba Lan, đồng thời nhấn mạnh rằng EU sẽ giải quyết các áp lực từ Belarus và các vấn đề nước này đặt ra cho EU riêng biệt với các cuộc đấu tranh nội bộ của EU với các nước thành viên.
Hiện tại, Ba Lan và EU đều đang phải đối mặt với một thảm họa nhân đạo tại biên giới Belarus-Ba Lan, nơi hàng nghìn người bị mắc kẹt giữa hai quốc gia, không đủ đồ dùng để sống sót qua mùa đông khắc nghiệt, nhưng cũng không thể trở về đất nước của họ.
Một số quốc gia, bao gồm Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, đã hạn chế hoặc hủy bỏ các chuyến bay đến Belarus để ngăn dòng người đổ vào đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn người cần viện trợ đang chờ đợi ở biên giới hoặc mắc kẹt ở Minsk.
Hôm nay (15/11), EU sẽ mở rộng biện pháp trừng phạt đối với Belarus liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư tại khu vực biên giới giữa nước này với Ba Lan. Điều này dường như đi ngược lại với mục tiêu của Tổng thống Lukashenko. Tuy nhiên, nếu Belarus tiếp tục gây áp lực, các rào chắn có thể sẽ được triển khai để ngăn người di cư đi qua biên giới, ông Charles Michel cho biết.
Theo nhà phân tích Shraibman, dù điều gì xảy ra, cuộc khủng hoảng hiện tại đã ảnh hưởng đến khả năng diễn ra các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Belarus và EU.
“Tôi đang nghĩ tới viễn cảnh Tổng thống Lukashenko sẽ lùi bước và đưa ra một số giải pháp để cứu vãn tình thế như đưa người di cư trở về quê hương với sự giúp đỡ của Liên Hợp Quốc. Nhưng các cuộc đàm phán ngoại giao trực tiếp giữa Belarus và EU là điều không thể diễn ra vào lúc này”, Shraibman nói./.