Kịch bản quan hệ Mỹ - Trung nếu ông Trump hoặc ông Biden thành Tổng thống

VOV.VN - Điều gì sẽ xảy ra với mối quan hệ Mỹ - Trung nếu ông Trump hoặc Biden trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ trong cuộc bầu cử vào ngày 3/11 tới?

Ngày 21/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận định tại một sự kiện vận động tranh cử ở Dayton, Ohio rằng: "Nếu ông Biden chiến thắng, Trung Quốc chiến thắng. Nếu chúng tôi chiến thắng, Ohio chiến thắng và quan trọng nhất là nước Mỹ chiến thắng".

Đây là một chủ đề quen thuộc. Sau khi đại dịch Covid-19 khiến hơn 200.000 người Mỹ tử vong và nền kinh tế suy thoái trong bối cảnh các cuộc biểu tình lan rộng khắp nước Mỹ, Tổng thống Trump đã tìm cách định hình lại cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 tới xoay quanh mối đe dọa từ Trung Quốc.

"Nếu tôi không chiến thắng, Trung Quốc sẽ sở hữu nước Mỹ", ông Trump khẳng định hôm 11/8.

Lập trường chống Trung Quốc đã trở thành một chủ đề hiếm hoi được lưỡng đảng Mỹ ủng hộ. Do đó, ngay cả ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, người từng là "bạn cũ" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng thể hiện thái độ cứng rắn với Bắc Kinh.

Lập trường của Trung Quốc về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ

Tổng thống Trump từng khẳng định Trung Quốc muốn ông thua: "Trung Quốc sẽ làm mọi thứ có thể để tôi thua trong cuộc đua này".

Tuy nhiên, theo giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Renmin ở Bắc Kinh Wang Yiwei: "Trên thực tế, nhiều người Trung Quốc muốn ông Trump thắng bởi họ nghĩ ông Trump sẽ phá hủy hệ thống của Mỹ và các liên minh của nước này. Do đó, nếu Tổng thống Trump tiếp tục làm vậy, có lẽ sẽ có nhiều cơ hội cho Trung Quốc".

Giữa bối cảnh các quan chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc can thiệp bầu cử, Bắc Kinh luôn thận trọng trong việc thể hiện sẽ ủng hộ bên nào.

"Các vấn đề nội bộ của Mỹ nằm ngoài những điều chúng tôi có thể suy đoán hay gây ảnh hưởng. Chúng tôi không có ý định và cũng không quan tâm đến việc can thiệp này", Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) nhận định trong một hội thảo về chính sách đối ngoại do Viện Brookings tổ chức hôm 13/8.

Mặc dù Tổng thống Trump đã tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm vào các lợi ích của Trung Quốc, từ trục xuất các sinh viên Trung Quốc có liên hệ tới quân đội, cấm mạng xã hội TikTok cho tới đóng cửa lãnh sự quán của nước này ở Houston nhưng giới phân tích chính sách đối ngoại của Bắc Kinh dường như vẫn chia rẽ về việc liệu ứng viên nào sẽ gây ra mối đe dọa lớn hơn.

Trong khi nhiều người cho rằng nếu tái đắc cử ông Trump sẽ phá hủy hình ảnh của Mỹ và điều đó có lợi cho ảnh hưởng của Trung Quốc thì cũng có nhiều người hy vọng ông Biden có thể chiến thắng để khôi phục lại các chương trình hợp tác về văn hóa, giáo dục và các lĩnh vực khác.

"Ông Trump không chỉ hủy hoại danh tiếng của Mỹ mà còn cả hình ảnh của phương Tây tại Trung Quốc. Ông ấy khiến thế giới trở nên phức tạp và khó đoán hơn", ông Wang cho biết. Tuy nhiên, cảm nhận này dường như đến từ cả 2 phía Mỹ và Trung Quốc, bởi theo cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố hồi tháng 7, 73% người dân Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, mức cao nhất kể từ khi câu hỏi này lần đầu được đưa vào cách đây 15 năm.

Nếu ông Biden trở thành Tổng thống

Năm 2013, ông Tập Cận Bình từng gọi ông Biden là "người bạn cũ của tôi" trong bài phát biểu đầy trân trọng. Ông Biden cũng là một trong những thượng nghị sĩ đầu tiên của Mỹ thăm Trung Quốc vào tháng 4/1979 gặp Chủ tịch Đặng Tiểu Bình chỉ 3 tháng sau khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ chính thức. Cựu Phó Tổng thống Mỹ còn từng có nhiều cuộc trao đổi với Chủ tịch nước Trung Quốc hiện nay là ông Tập Cận Bình.

"Tôi đã dành thời gian cho các cuộc gặp kín với ông Tập Cận Bình nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào", ông Biden nhận định với Hội đồng Quan hệ Quốc tế hồi năm 2018, đồng thời cho biết 2 bên từng dành tới 25 tiếng cho những bữa tối gặp gỡ riêng tư.

Tuy nhiên, hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ thân mật hơn nếu ông Biden trở thành Tổng thống. Trong một cuộc tranh luận gần đây của đảng Dân chủ, ông Biden đã chỉ trích và thậm chí dùng từ ngữ không mấy hay ho nói về ông Tập Cận Bình.

Nếu giành chiến thắng, có thể ông Biden sẽ thay thế các chính sách hiện nay của ông Trump bằng cách tái gia nhập các tổ chức quốc tế trong khi các chính sách sẽ được tiến hành theo một kế hoạch chiến lược cùng các nỗ lực nhằm xây dựng quan hệ với Bắc Kinh trên những vấn đề mà cả hai cùng quan tâm.

Ông Biden khẳng định công cụ then chốt để đối phó với Trng Quốc là sử dụng những biện pháp như hợp tác với các đồng minh, trong đó có tái đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã rút khỏi dưới thời chính quyền Tổng thống Trump. Ông Biden từng viết trên trang Foreign Affairs rằng: "Cách hiệu quả nhất để đối phó với thách thức này là xây dựng một liên minh thống nhất gồm các đồng minh và các đối tác của Mỹ nhằm kiềm chế các hành vi lạm quyền và vi phạm của Trung Quốc trong khi tìm cách hợp tác với nước này trên những vấn đề giao nhau về lợi ích".

Vào tháng 1, ông Biden đã khẳng định mong muốn thúc đẩy một liên minh các quốc gia để cô lập Trung Quốc và thuyết phục nước này cư xử đúng mực hơn.

"Khi chúng ta tham gia cùng với các nền dân chủ cùng chí hướng, sức mạnh của chúng ta sẽ nhân lên gấp đôi. Trung Quốc không thể phớt lờ hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu".

Điều này có lẽ khiến giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại hơn so với 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump, người mà một số nhà phân tích cho rằng có các chính sách thực sự hỗ trợ cho Trung Quốc. Rõ ràng, một chiến lược quay lại đường lối ngoại giao truyền thống, nhất quán và dựa trên các đồng minh của ông Biden sẽ không còn đem lại lợi ích cho các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh nữa.

Nếu ông Trump trở thành Tổng thống

Phe "diều hâu", những người có quan điểm cứng rắn trong chính quyền Tổng thống Trump như Ngoại trưởng Mike Pompeo, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Matthew Pottinger, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đều cho rằng Trung Quốc là một mối đe dọa hiện hữu.

Tổng thống Trump cũng cho thấy rằng ông sẵn sàng sử dụng các biện pháp cứng rắn với Bắc Kinh từ vấn đề Tân Cương, Hong Kong cho tới Đài Loan. Hướng tiếp cận đối đầu này, theo nhà quan sát Oriana Skylar Mastro, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Đại học Standford, đã "nhắm đến nhiều chính sách nội bộ của Trung Quốc". Dù vậy, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cho rằng ông Trump sẽ nhượng bộ trong các vấn đề trên. Ông Bolton cũng nhận định, ông Trump sẽ ít quan tâm đến việc buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về các vấn đề như nhân quyền, tự do tôn giáo, quyền lao động và biến đổi khí hậu, vốn là những vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington dưới thời Tổng thống George H.W.Bush và Tổng thống Barack Obama.

Thay vào đó, ông Trump có lẽ sẽ hành động quyết liệt hơn với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách tăng cường các chiến dịch tự do hàng hải ở vùng biển này, những động thái gần như hoàn toàn bị phớt lờ hồi đầu nhiệm kỳ đầu tiên của ông bởi khi đó nhà lãnh đạo này đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.

Một số người tin rằng nếu giành chiến thắng, trong nhiệm kỳ cuối, ông Trump sẽ "hạ giọng với Bắc Kinh".

"Nếu không có sức ép tái đắc cử, có lẽ ông ấy sẽ đàm phán với Trung Quốc một cách thực tế hơn. Và cuối cùng chúng ta sẽ có một thỏa thuận", nhà phân tích Wang cho hay.

Theo Viện Lowy tại Australia, trong khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng gia tăng và nền kinh tế nước này không ngừng mở rộng, sẵn sàng thách thức vị trí của Mỹ trong thập kỷ tới, dù ai giành chiến thắng thì Tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ đối mặt với thách thức to lớn mà chưa có nhà lãnh đạo Mỹ nào gần đây từng phải đối phó./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ứng viên Biden giành lợi thế dù bị ông Trump tấn công dồn dập trong tranh luận bầu cử
Ứng viên Biden giành lợi thế dù bị ông Trump tấn công dồn dập trong tranh luận bầu cử

VOV.VN - Trong cuộc tranh luận “nóng” đầu tiên giữa ứng viên bầu cử tổng thống Mỹ Trump và Biden, ông Trump có vẻ để mất lợi thế vào tay ông Biden...

Ứng viên Biden giành lợi thế dù bị ông Trump tấn công dồn dập trong tranh luận bầu cử

Ứng viên Biden giành lợi thế dù bị ông Trump tấn công dồn dập trong tranh luận bầu cử

VOV.VN - Trong cuộc tranh luận “nóng” đầu tiên giữa ứng viên bầu cử tổng thống Mỹ Trump và Biden, ông Trump có vẻ để mất lợi thế vào tay ông Biden...

Chris Wallace muốn “vô hình” nhưng lại phải đau đầu điều phối tranh luận Trump-Biden
Chris Wallace muốn “vô hình” nhưng lại phải đau đầu điều phối tranh luận Trump-Biden

VOV.VN - Đây là lần thứ 2 người dẫn chương trình nổi tiếng của Fox News Chris Wallace điều phối cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống Mỹ.

Chris Wallace muốn “vô hình” nhưng lại phải đau đầu điều phối tranh luận Trump-Biden

Chris Wallace muốn “vô hình” nhưng lại phải đau đầu điều phối tranh luận Trump-Biden

VOV.VN - Đây là lần thứ 2 người dẫn chương trình nổi tiếng của Fox News Chris Wallace điều phối cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống Mỹ.

Cuộc “đấu khẩu” đầu tiên Trump-Biden chưa làm dư luận Mỹ hài lòng
Cuộc “đấu khẩu” đầu tiên Trump-Biden chưa làm dư luận Mỹ hài lòng

VOV.VN - Cuộc tranh luận mở màn được đánh giá là chưa thể định đoạt phân thua giữa 2 ứng cử viên, trong khi dư luận Mỹ thì vẫn chưa cảm thấy hài lòng.

Cuộc “đấu khẩu” đầu tiên Trump-Biden chưa làm dư luận Mỹ hài lòng

Cuộc “đấu khẩu” đầu tiên Trump-Biden chưa làm dư luận Mỹ hài lòng

VOV.VN - Cuộc tranh luận mở màn được đánh giá là chưa thể định đoạt phân thua giữa 2 ứng cử viên, trong khi dư luận Mỹ thì vẫn chưa cảm thấy hài lòng.