'Liên minh ngầm' sau lưng ông Trump muốn lật đổ thỏa thuận Mỹ-Triều?
VOV.VN - 'Liên minh ngầm' lật đổ thỏa thuận Mỹ-Triều này bao gồm cả cố vấn an ninh quốc gia John Bolton của ông Trump, Đảng Dân chủ và truyền thông Mỹ.
Ngày 12/6, ông Trump và ông Kim gặp mặt tại đảo Sentosa, Singapore và ký một thỏa thuận thể hiện cam kết thành lập quan hệ song phương và xây dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Ông Trump cũng đồng ý hoãn tập trận Mỹ - Hàn, trong khi ông Kim tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng đang có một "liên minh ngầm'' phía sau Tổng thống Trump muốn phá hoại những thỏa thuận này.
Truyền thông Mỹ, Đảng dân chủ hình thành lực lượng cố gắng phá hoại bước đi hòa bình của ông Trump
Theo giáo sư Luật quốc tế Francis Boyle của Đại học Illinois, Đảng dân chủ Mỹ và các kênh truyền thông ủng hộ đảng này đang “hợp tác chặt chẽ” với nhau để phá hủy sáng kiến hòa bình của ông Trump ở bán đảo Triều Tiên.
Ông cho rằng sự thù địch của Đảng Dân chủ với cuộc đối thoại lịch sử Mỹ - Triều đến trực tiếp từ chiến dịch làm mất uy tín của ông Trump trong vòng hơn hai năm qua. Chiến dịch này bắt đầu từ những hội nghị đã đề cử ông Trump và bà Hillary Clinton trở thành ứng cử viên.
Trong khi đó, truyền thông Mỹ được cho là “hợp sức” chỉ trích khi Tổng thống Trump đang cố gắng giải quyết một xung đột nguy hiểm tiềm tàng. Cả truyền thông và các thành viên đảng Dân chủ đều cố gắng cáo buộc cuộc đối thoại của ông Trump với ông Kim là hành động nhún nhường, nhượng bộ dù thực tế ông Trump chỉ thực hiện vai trò do Hiến chương Liên Hợp Quốc mà Mỹ đã ký giao phó – giáo sư Boyle giải thích.
Sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Kinh tế Triều Tiên có "cất cánh"?
“Ông Trump không cho ông Kim Jong-un sự nhượng bộ không cần thiết. Tất cả những gì ông ấy làm là hoàn thành cam kết mà ông ấy hoặc bất cứ lãnh đạo Mỹ nào cũng phải làm trong những cuộc đàm phán như vậy do Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định”.
Tổng thống Mỹ được cho là đã thành công khi có được sự đồng ý của Chủ tịch Triều Tiên để mở ra một quá trình đàm phán mới đầy hứa hẹn. “Ông Trump có được cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên nên đó là một khởi đầu tốt. Cam kết này kết hợp với Tuyên bố Bàn Môn Điếm giữa Chủ tịch Kim và Tổng thống Moon. Đó là một khởi đầu tốt. Cá nhân tôi cảm thấy rất có động lực” – chuyên gia nói.
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cố tình so sánh đối thoại Triều Tiên và Libya
Một cảnh báo khác được chuyên gia đưa ra đối với thỏa thuận Trump – Kim là khi cố vấn an ninh quốc gia John Bolton dường như cố gắng hủy hoại những cuộc đối thoại này.
“Bolton là một người bảo thủ cứng rắn đã công khai về việc phá hoại tiến trình đàm phán với Triều Tiên. Ông ta cố gắng phá hoại những cuộc đàm phán này bằng cách nói trước công chúng rằng Mỹ sẽ khiến Triều Tiên đi theo con đường của Libya” – ông Boyle nhận định.
Tháng 5/2018, cố vấn Bolton bình luận rằng những cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa với Triều Tiên nên được thực hiện theo hình mẫu loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Libya. Vài năm sau khi Libya đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí, người lãnh đạo Muammar Gaddafi đã bị lật đổ bởi phiến quân do phương Tây hỗ trợ và bị sát hạị, theo Sputnik.
Ông Trump phản bác cố vấn của mình và nói rằng hình mẫu đàm phán với Libya sẽ không áp dụng với Triều Tiên. Dù vậy chuyên gia cho rằng ông Bolton vẫn cố gắng nhấn mạnh những tuyên bố trên và "lôi kéo" cả Phó Tổng thống Mike Pence đưa ra tuyên bố tương tự.
“Ông ta biết mình đang làm gì. Ông ta đã đưa những người cứng rắn riêng của mình vào Hội đồng an ninh quốc gia. Tôi lo rằng ông ta sẽ làm những gì có thể sau hậu trường để phá hủy thỏa thuận” – giáo sư Boyle cảnh báo, cho rằng Tổng thống Trump nên sa thải người này.
Quân đội Mỹ cố gắng giữ căn cứ ở châu Á – Thái Bình Dương
Đại tá quân đội Mỹ đã về hưu Doug Macgregor, đồng thời là một nhà sử học nhận định rằng một số quan chức quốc phòng ở Washington đang chống lại nỗ lực đạt thỏa thuận hòa bình lâu dài của ông Trump với Triều Tiên.
“Họ sẽ muốn chống lại việc Mỹ rút binh sỹ khỏi bán đảo Triều tiên vì điều đó sẽ khởi đầu cho việc rút khỏi lực lượng ở cả căn cứ Okinawa” – ông Macgregor nói.
Ông cảnh báo Tổng thống Mỹ đã sai lầm khi để những nhân vật “diều hâu” (ưa sử dụng bạo lực) như Bolton bên cạnh, mà kế hoạch hòa bình cần "những kiểu quan chức khác'' hỗ trợ.
Dù vậy, ông cho rằng công chúng Mỹ sẽ không muốn phải chịu nguy cơ của một cuộc chiến tranh quy mô toàn diện trên bán đảo Triều Tiên và sẽ ủng hộ thỏa thuận có thể kết thúc sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây./.
Hậu Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Tỷ số đang nghiêng về ông Kim Jong-un?
Trung Quốc “thở phào” sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều