Liệu có chiến tranh mạng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ?
(VOV)- Thổ Nhĩ Kỳ chú trọng đến các hoạt động tác chiến mạng, tập trung phát triển phần mềm để chống lại các cuộc tấn công và khủng bố.
Những ngày gần đây, tình hình căng thẳng leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, với 320 phiếu thuận và 129 phiếu chống, đã thông qua dự luật cho phép tấn công các mục tiêu ở Syria. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn bắt ép một máy bay của Syria hạ cánh xuống sân bay của mình để kiểm tra…
Những động thái trên khiến dư luận quốc tế quan ngại về nguy cơ chiến tranh, đe dọa tới an ninh của khu vực. Các bình luận gia quân sự cho rằng, nếu chiến tranh xảy ra thì tác chiến mạng cũng là một mặt trận quyết liệt giữa hai nước.
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đứng gác ở biên giới chung với Syria (Ảnh: Reuters) |
Chú trọng phát triển công nghệ quốc phòng
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ có chức năng, nhiệm vụ quản lý, cấp vốn và tiến hành các dự án nghiên cứu, phát triển công nghệ quốc phòng, cung cấp các công nghệ cần thiết để phục vụ quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất ngay từ đầu để sản xuất các hệ thống vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự.
Thổ Nhĩ Kỳ chú trọng đến phát triển phần mềm để quản lý thông tin, chỉ huy chiến đấu, liên lạc vệ tinh, nhận biết tình hình, thiết bị mã hóa; thiết bị tình báo - trinh sát gắn trên xe thiết giáp và xe tăng; Cung cấp các linh kiện điện tử, hệ thống điện đài kỹ thuật số, dữ liệu chiến thuật mạng, thiết bị dẫn đường, cảm ứng, thiết bị đánh giá xác định mục tiêu, chủ yếu sử dụng cho tàu chiến, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ hiện đại hóa hệ thống truyền dữ liệu qua mạng ở cấp chiến lược và khởi động chương trình liên kết dữ liệu ở cấp chiến thuật; Hợp tác với các công ty Mỹ và châu Âu để sản xuất các hệ thống công nghệ cao như: radar, vệ tinh, điện đài kỹ thuật số; ưu tiên sử dụng công nghệ của Mỹ hoặc phát triển công nghệ tương tự. Đối tác hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ là Công ty Lockheed Martin của Mỹ.
Cơ cấu tổ chức lực lượng bao gồm: Các Cục Công nghệ Thông tin của các Bộ Tư lệnh Hải, Lục, Không quân, Lực lượng Đặc nhiệm và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển thuộc Bộ Tổng Tham mưu; Phòng Mua sắm Vũ khí Trang thiết bị quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng; Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ và các viện nghiên cứu công nghệ của Chính phủ, Quân đội; Phòng Công nghệ Thông tin của các công ty quốc phòng Aselsan, Havelsan, Tai, Rocketsan, Netas, Mikes, Tusas, Gates... Khoa Tin học của trường Đại học Kỹ thuật Trung Đông ở Ankara, Đại học Kỹ thuật Istanbul và các trường đại học dân sự khác và các công ty tư vấn cơ khí dân sự.
Thông tin - tác chiến mạng
Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho cuộc chiến chống lực lượng ly khai Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Các công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nghiên cứu chế tạo các thiết bị gây nhiễu trang bị cho các xe quân sự để phá tần số sóng thiết bị điều khiển bom từ xa của đối phương nhằm ngăn chặn đối phương sử dụng bom điều khiển từ xa để tấn công các xe quân sự trên chiến trường.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện nghi ngờ tình báo Israel đang huấn luyện PKK sử dụng bom điều khiển từ xa để tấn công các xe quân sự của họ ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Iraq.
Lực lượng công nghệ thông tin Thổ Nhĩ Kỳ còn nghiên cứu ngăn chặn các cuộc tấn công phá hoại các website, các địa chỉ thư điện tử liên lạc của các bộ, ngành quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 11/2011, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện và triệt phá nhóm PKK tấn công website của Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ. Các cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang ngăn chặn PKK sử dụng vệ tinh của Mỹ để tuyên truyền cho các cương lĩnh và hoạt động của PKK.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn chế tạo và sử dụng máy bay không người lái để phục vụ cho mục đích trinh sát, phát hiện nơi ẩn nấp và sự di chuyển của PKK ở khu vực biên giới giáp với Iraq trên địa hình rừng núi. Tuy nhiên, máy bay không người lái không thể phân biệt được dân thường với lực lượng ly khai PKK, nên đã dẫn đến vụ tấn công nhầm làm 35 dân thường thiệt mạng trong tháng 12/2011.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bán các sản phẩm công nghệ thông tin cho nước ngoài. Năm 2011, các Công ty quốc phòng MIKES, TUSAS và GATES của Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận với các đối tác Malaysia để hiện đại hóa máy bay quân sự và hệ thống chiến tranh điện tử cho Malaysia.
Công ty ASELSAN là một trong những công ty hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng chuyên sản xuất các hệ thống tình báo điện tử hiện đại, điện thoại mã hóa, hệ thống tự bảo vệ tác chiến điện tử trang bị cho trực thăng, rađa phòng không, rađa trinh sát bờ biển, thiết bị gây nhiễu. Công ty ASELSAN và công ty Havelsan hiện đang phối hợp với các chuyên gia của Chính phủ và các học giả để soạn thảo chiến lược an ninh mạng.
Thổ Nhĩ Kỳ đang nghiên cứu thành lập Bộ Tư lệnh An ninh mạng trực thuộc Bộ Tổng tham mưu theo mô hình của Mỹ, cơ chế quốc phòng hiệu quả để chống lại các cuộc tấn công và khủng bố qua mạng, ngăn chặn sự phá hoại và hoạt động gián điệp, một dạng của chiến tranh thông tin. Đây là cuộc chiến không có trận tuyến và kẻ thù khó xác định. Công nghệ thông tin bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều đơn vị nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quốc phòng. Ngoài các đơn vị quân đội, các công ty quốc phòng, các viện nghiên cứu và các trường đại học dân sự cũng tham gia vào các lĩnh vực này. Công nghệ thông tin là ngành mũi nhọn và đang được quan tâm đặc biệt, nhất là trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đang quan tâm đến các hoạt động tác chiến mạng, chủ yếu tập trung phát triển phần mềm để chống lại các cuộc tấn công và khủng bố qua mạng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng huy động nhiều nguồn lực và nhiều thành phần tham gia phát triển công nghệ thông tin quốc phòng và an ninh mạng. Trong tương lai, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt được những thành tựu mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và tác chiến mạng.
Như vậy, cho đến nay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có các lực lượng công nghệ thông tin và tác chiến mạng tương đối phát triển, chủ yếu dựa trên công nghệ của Mỹ và Israel. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy các cơ sở quốc phòng tăng cường nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các sản phảm công nghệ thông tin và tác chiến mạng cho các lực lượng trong Quân đội, đồng thời sẵn sàng hợp tác và cung cấp cho các nước khác. Vì thế, chiến tranh mạng sẽ diễn ra quyết liệt trong tình huống Syria và Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn chiến tranh để giải quyết mâu thuẫn lợi ích giữa hai quốc gia./.