Thổ Nhĩ Kỳ chưa đủ “tầm” thiết lập vùng đệm tại Syria
(VOV)- Mặc dù Không quân Thổ Nhĩ Kỳ rất mạnh nhưng nước này không có kinh nghiệm xử lý sự việc phát sinh khi thiết lập vùng đệm ở Syria.
Trong bối cảnh hoạt động khủng bố; số người tỵ nạn Syria chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ; căng thẳng leo thang dọc biên giới giữa nước này và Syria ngày càng gia tăng, Hội đồng An ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ vừa tuyên bố sẽ quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng thúc đẩy việc thành lập một vùng đệm ở bên trong lãnh thổ Syria. Vùng đệm này được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra với lý do bảo vệ người tỵ nạn Syria cũng như ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khủng bố.
Lo ngại về người tỵ nạn và sự gia tăng hoạt động khủng bố
Thổ Nhĩ Kỳ có chung 911 km đường biên giới với Syria. Hiện nay, nước này đang phải đón nhận hơn 10.000 tỵ nạn Syria chạy sang và con số người tỵ nạn dự đoán sẽ còn gia tăng khi mùa Đông khắc nghiệt sắp tới. Mặc dù biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang mở cửa nhưng theo Chính quyền Ankara, các trại tỵ nạn ở nước này đã hết khả năng tiếp nhận thêm những người tỵ nạn.
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ canh gác gần biên giới với Syria (Ảnh: Reuters) |
Để lánh nạn chiến tranh, hiện nay, những người tỵ nạn Syria đang buộc phải chờ đợi ở biên giới cho đến khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thành lập các trung tâm mới để tiếp nhận họ. Chính điều này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ một số tổ chức, trong đó tổ chức Theo dõi nhân quyền HRW chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn bất hợp pháp hàng nghìn người Syria xin tỵ nạn tại nước này. Tuy nhiên, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ nhận cáo buộc trên.
Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng, việc thiết lập một vùng đệm tại Syria có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ nhận biết trước được những cuộc tấn công của quân đội Syria và có thể giúp giảm bạo lực ở Trung Đông. Và nếu không có khu vực an toàn từ việc thiết lập một vùng đệm ở Syria thì số người tỵ nạn sẽ chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng nhiều hơn.
Chính quyền Ankara cho rằng, khi thiết lập khu vực an toàn cũng sẽ giúp cho hàng triệu người dân Syria nhận được viện trợ nhân đạo từ các tổ chức quốc tế. Bởi theo Thổ Nhĩ Kỳ, số người tỵ nạn Syria gia tăng thì những chi phí liên quan cho việc chăm sóc họ cũng gia tăng theo. Tuy nhiên, hiện nước này không nhận được sự trợ giúp đáng kể từ các tổ chức quốc tế cho giải quyết vấn đề người tỵ nạn Syria.
Chính vì lý do trên mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland vừa kêu gọi Jordan cần phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ cho các hoạt động nhân đạo cho những người tỵ nạn Syria.
Không chỉ đưa ra lý do bảo vệ dân thường cũng như khó khăn trong việc tiếp nhận người tỵ nạn Syria vào nước này, Thổ Nhĩ Kỳ còn muốn thiết lập một vùng đệm ở Syria với lý do nhằm ngăn chặn sự tăng hoạt động của lực lượng khủng bố. Những quan ngại về hoạt động khủng bố có thể đến từ lực lượng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), al-Qaeda – những tổ chức đã bị Mỹ, Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào tổ chức khủng bố. Do đó, Chính quyền Ankara rất cẩn trọng trước khi cho phép những người tỵ nạn nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào tháng 9/2012, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davtoglu đã từng cảnh báo rằng, sự mất kiểm soát giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ là một mối đe dọa lớn đối với an ninh Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Ahmet Davtoglu cho rằng, một số tổ chức khủng bố có thể sẽ lợi dụng kẽ hở này để gây ra sự bất ổn ở khu vực Trung Đông.
Ông Mehmet Seyfettin Erol, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược An ninh và quốc tế (USGAM) của Chính quyền Ankara cho Hãng tin Tân Hoa xã biết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể “xóa sổ” nơi trú ẩn của lực lượng Đảng PKK và các tổ chức khủng bố khác ở Syria nếu thiết lập một vùng đệm an toàn tại Syria.
Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép các lực lượng của Đảng PKK hay tổ chức khủng bố al-Qaeda thực hiện các cuộc tấn công vào Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi vì trong tháng 8/2012, lực lượng của Đảng PKK tại Syria đã kiểm soát 5 thành phố Syria- nơi gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi quân đội Syria rút quân tại những thành phố này để tập trung lực lượng chống lại phe nổi dạy ở các thành phố trung tâm như Aleppo và Damascus.
Thổ Nhĩ Kỳ không thể đơn phương lập một vùng đệm ở Syria
Đối mặt với việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria và hoạt động khủng bố gia tăng, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tranh thủ sự ủng hộ từ các nước trong khu vực Trung Đông và thế giới trong việc thiết lập một vùng đệm bên trong lãnh thổ Syria.
Muốn thực hiện ý tưởng đó, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với một Nghị quyết được thông qua.
Tân Hoa xã dẫn lời của Selcuk Colakoglu, chuyên gia phân tích của Tổ chức chiến lược quốc tế (USAK) cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia tiên phong trong việc thiết lập một vùng đệm ở bên trong lãnh thổ Syria nhưng nước này đã không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế ở thời điểm hiện tại.
Theo ông Selcuk Colakoglu, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ né tránh và không thể đơn phương thiết lập một vùng đệm ở Syria.
Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bảo vệ an ninh và chủ quyền lãnh thổ cho các thành viên cũng là nhiệm vụ mà NATO phải thực hiện.
Tuy nhiên, các thành viên khác của NATO đang e ngại rằng, việc tạo ra một vùng đệm với các lý do nhân đạo, bảo vệ người dân Syria và chống khủng bố sẽ đòi hỏi một cam kết quân sự quan trọng. Trong đó có cam kết bảo vệ hệ thống phòng không trong khu vực cấm bay khi có sự tấn công từ phía quân đội Syria.
Mặc dù NATO đã dự phòng có sự leo thang quân sự ở vùng biên giới giữa một thành viên của mình với Syria, nhưng hiện tại, NATO chưa chuẩn bị các điều kiện đầy đủ để thiết lập vùng cấm bay ở Syria.
Trong một hội thảo tại Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào tuần trước, Giáo sư Henri Barkey, chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế của trường ĐH Lehigh tại bang Pannsylvania của Mỹ cho rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không có kinh nghiệm để xử lý những sự việc phát sinh khi thiết lập vùng đệm ở Syria.
Ông Barkey cho biết, Chính quyền Ankara đang gây áp lực lên Mỹ để thiết lập một vùng đệm ở Syria. Tuy nhiên, ngay cả Mỹ cũng khó thực hiện được điều này bởi hệ thống phòng không của Syria được thiết lập để chống lại sự tấn công từ Israel là vô cùng phức tạp.
Tuy nhiên, phản bác lại nhận định của Giáo sư Barkey, ông Erdogan Karakus, một trong ba tướng lĩnh đã nghỉ hưu của Lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có cả năng lực và kinh nghiệm để thực hiện việc thiết lập một vùng đệm tại Syria. Tuy nhiên, theo ông Erdogan Karakus, việc làm này đòi hỏi chi phí tài chính và sự thiệt hại về người là khá lớn.
Mete Yarar, một chuyên gia về an ninh thừa nhận rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể thiếu kinh nghiệm trong việc thiết lập một vùng đệm nhưng lực lượng không quân của nước này được trang bị tốt trong việc thiết lập vùng cấm bay.
Ồn Mete Yarar nhấn mạnh: “Trong quá khứ, lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã từng tham gia vào các hoạt động trong việc thiết lập vùng cấm bay. Vào những năm 1990, máy bay phản lực của Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia tích cực trong việc thực thi lệnh cấm bay ở Iraq và Nam Tư cũ. Và cách đây hơn 1 năm, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành viên tham gia thực hiện lệnh cấm bay ở Libya”.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ đang nhanh chóng muốn thiết lập một vùng đệm tại Syria đang khiến cho cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại bởi hành động này có thể mở đường cho can thiệp quân sự của nước ngoài vào Syria. Khi sự can thiệp này trở thành hiện thực thì chiến tranh sẽ lan rộng ở khu vực Trung Đông không biết đến bao giờ mới là điểm dừng./.