Liệu cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thành hiện thực?
VOV.VN - Dù Tổng thống Trump để ngỏ khả năng sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, song điều kiện phía Mỹ đưa ra không hề dễ dàng.
Dù bất ngờ tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, song để cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Triều diễn ra phía Mỹ sẽ chờ đợi những điều kiện thích hợp. Theo đó, nếu Triều Tiên tiếp tục cách hành xử khiêu kích thì những điều kiện này sẽ không bao giờ được đáp ứng.
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, song điều kiện phía Mỹ đưa ra không hề dễ dàng. (Ảnh: Telegraph)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (1/5) bất ngờ tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu như các điều kiện cho phép. Tổng thống Mỹ nói rằng “Tôi lấy làm vinh dự về điều đó”. Ông chủ của Nhà Trắng cho rằng hầu hết các chính trị gia đều không bao giờ tuyên bố như vậy, song ông khẳng định vẫn để ngỏ khả năng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu như thấy thích hợp.
Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể được tính đến. Tuy nhiên, Triều Tiên sẽ phải đáp ứng rõ ràng các điều kiện để tiến tới cuộc gặp này.
Trong đó, ông Spicer nhấn mạnh việc Triều Tiên ngay lập tức chấm dứt các hành động khiêu kích: “Tôi cho rằng các điều kiện để tổ chức cuộc gặp sẽ do Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định sau khi tham vấn với Tổng thống. Tổng thống Donald Trump đã nhắc tới ‘những điều kiện cho phép’. Những điều kiện này có thể không được đưa ra hôm nay và tình hình có thể thay đổi đáng kể để cuộc gặp này có thể diễn ra”.
Theo người phát ngôn Nhà Trắng, việc Triều Tiên chấm dứt ngay lập tức các hành động khiêu kích sẽ mở cửa tiến tới các điều kiện khác. Đặc biệt, Triều Tiên cần cho thấy những dấu hiệu thực sự đáng tin cậy.
Những phát ngôn và động thái mới của Tổng thống Trump trong những ngày qua cho thấy Mỹ “dịu giọng” hơn và có vẻ hướng tới các kênh ngoại giao để giải quyết căng thẳng với Triều Tiên.
Chỉ chưa đầy 2 tuần trước đây, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi tới thăm châu Á đã cảnh báo với Triều Tiên rằng thời kỳ “kiên nhẫn chiến lược” của Mỹ với Triều Tiên đã kết thúc. Cùng với đó là việc Mỹ điều đội tàu sân bay hạt nhân tác chiến tới vùng biển ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên, các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản hay việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc… Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng gặp lãnh đạo Triều Tiên
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ trong những ngày qua lại cho thấy một chiến lược thiên về ngoại giao để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ông Trump đã liên tiếp điện đàm với nhà lãnh đạo các nước đồng minh khác trong khu vực như Philippines, Thái Lan và Singapore. Các bước đi ngoại giao này của chính quyền Tổng thống Trump không hoàn toàn có nghĩa là Mỹ đang chuẩn bị hành động mạnh tay với Triều Tiên, mà có thể là nhằm xây dựng một liên minh lớn trong khu vực để gây sức ép với nước này.
Trong cuộc phỏng vấn với Kênh truyền hình CBS ngày 30/04, Tổng thống Mỹ cũng nhắc tới Trung Quốc- nước có ảnh hưởng lớn với Triều Tiên, và hy vọng Bắc Kinh sẽ góp phân giúp xoa dịu “thế đối đầu” hiện nay.
Kể từ sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã khẳng định ông sẽ không bao giờ cho phép Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công nước Mỹ. Trong khi đó, Triều Tiên coi các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực là “hành động gây chiến và xâm lược” đối với Triều Tiên.
Căng thẳng đặc biệt leo thang trong vài tuần qua khi Triều Tiên đẩy mạnh các hoạt động thử tên lửa và dọa sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Được biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chưa từng gặp bất kỳ nhà lãnh đạo nước ngoài nào kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2011 và cũng chưa từng rời khỏi Triều Tiên./. Mỹ ra điều kiện cho cuộc gặp Donald Trump-Kim Jong-un