Lợi ích của ông Trump và ông Tập mở ra hồi kết cho thương chiến Mỹ-Trung?

VOV.VN - Lợi ích của Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể là yếu tố quan trọng mở ra hồi kết cho cuộc thương chiến dai dẳng Mỹ - Trung.

LTS: Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Australia hiện là Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á ở New York, Mỹ. VOV.VN xin trích lược bài phát biểu gần đây của ông Kevin Rudd tại Phòng Thương mại Mỹ ở Bắc Kinh và được đăng lại trên trang Channel News Asia. 

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể sắp bước vào hồi kết và vòng đàm phán tiếp theo thực sự có thể là cơ hội cuối cùng để tìm ra một giải pháp cho những tranh chấp về thương mại, công nghệ và rộng hơn là nền kinh tế của 2 quốc gia này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, nếu viễn cảnh trên không thể xảy ra, thế giới nên chuẩn bị cho một thời kỳ khó khăn nhất về kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Điều ấy cho thấy quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang mở ra cả những cơ hội và thách thức, cũng như việc hai nước nắm bắt thời cơ của mình như thế nào để khép lại cuộc chiến thương mại dai dẳng trong suốt thời gian qua.

Cuộc thương chiến 4 giai đoạn

Cho tới nay, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu vào cuối tháng 3/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo vòng áp thuế đầu tiên lên hàng hóa Trung Quốc.

Giai đoạn 2 diễn ra vào thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina vào tháng 12/2018 khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí một thỏa thuận "hòa hoãn" trong vòng 90 ngày.

Giai đoạn 3 có thể được thấy rõ nhất trong mùa hè năm 2019 khi Mỹ thực hiện áp thuế bổ sung lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Bắc Kinh cũng có các động thái đáp trả tương ứng, đồng thời phản ứng trước "danh sách thực thể" của Mỹ.

Nhằm phản ứng trước việc Mỹ đưa Huawei và 5 công ty công nghệ khác của Trung Quốc vào danh sách đen, Bắc Kinh đã đưa ra "danh sách các thực thể không đáng tin" đe dọa nhắm vào các công ty Mỹ.

Cánh cửa cơ hội mở ra cho đàm phán Mỹ - Trung

Với những diễn biến như trên, tại sao chúng ta vẫn nên kỳ vọng rằng vòng đàm phán sắp tới giữa 2 bên sẽ thành công.

Ngay từ đầu, nền kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc đều gặp vấn đề. Tại Mỹ, những số liệu về các ngành tư nhân và sản xuất không mấy khả quan, trong khi nếu điều này tiếp tục tồi tệ hơn, nỗ lực tái tranh cử của ông Trump vào tháng 11/2020 sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Tương tự vậy, ảnh hưởng của ông Tập có thể bị sụt giảm nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục đi xuống trước thềm lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2021. Xa hơn nữa, một nền kinh tế Trung Quốc ảm đạm có thể gây trở ngại cho những nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc tiếp tục một nhiệm kỳ thứ 3 bắt đầu vào năm 2022.

Mỗi bên đều tuyên bố rằng cuộc chiến thương mại đang gây tổn hại cho bên kia nhiều hơn nhưng thực tế là trong cuộc chiến này, cả 2 bên đều chịu tổn thất khi thương chiến khiến các thị trường trở nên bất ổn, phá hủy niềm tin doanh nghiệp và làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Mỗi bên cũng đều khẳng định rằng nền kinh tế của mình đủ sức chịu đựng để đối phó với một cuộc xung đột mở rộng. Tuy nhiên, về vấn đề này không rõ ai dám "lớn tiếng" hơn ai.

Mỹ chắc chắn ít phụ thuộc vào thương mại hơn Trung Quốc nhưng Trung Quốc lại có các công cụ tài chính, tiền tệ và tín dụng mạnh hơn mà Bắc Kinh có thể tùy ý sử dụng.

Dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hai bên cũng đều nhận ra rằng họ đang chĩa "khẩu súng kinh tế" vào đầu nhau. Vì vậy, bất chấp những khác biệt về quan điểm chính trị, cả ông Trump và ông Tập cuối cùng đều muốn một thỏa thuận.

Hơn nữa, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung cũng cần thỏa thuận này vào cuối năm nay để ngăn cản vòng áp thuế lớn có thể khiến nền kinh tế 2 bên tổn thất nhiều hơn khi có hiệu lực ngày 15/12. Hạn chót này yêu cầu cả 2 bên phải bắt đầu những bước đi cả mang tính biểu tượng, cả mang tính thực chất ngay lập tức.

Con đường tiến tới thỏa thuận thương mại

Bước đầu tiên, Trung Quốc nên đề xuất 1 thỏa thuận với nội dung tương tự bản dự thảo thỏa thuận 150 trang trước đó song phải đi cùng với các điều chỉnh để đáp ứng 3 "lằn ranh đỏ" của nước này.

Cụ thể, Trung Quốc có thể yêu cầu loại bỏ các điều khoản từ phía Mỹ nhằm duy trì các biện pháp thuế quan sau khi thỏa thuận được ký kết cũng như ngăn chặn việc đơn phương áp thuế nếu Mỹ cho rằng Trung Quốc không tuân thủ thỏa thuận. Bắc Kinh cũng cần bổ sung cam kết rằng Trung Quốc sẽ thực hiện thỏa thuận một cách "nhất quán với tiến trình lập pháp, hành pháp và pháp lý của mình".

Thứ hai, Trung Quốc cần thực hiện tốt hơn đề xuất ban đầu của mình với việc giảm 200 tỷ USD thâm hụt thương mại song phương qua thời gian. Điểm đàm phán này có ý nghĩa quan trọng với ông Trump cả về mặt cá nhân và chính trị.

Thứ ba, trong khi Trung Quốc sẽ muốn tránh đề cập đến vấn đề cấm trợ giá nhà nước cho các ngành công nghiệp và doanh nghiệp nước này thì Bắc Kinh sẽ phải tiếp tục thực hiện các điều khoản hiện có trong dự thảo thỏa thuận về việc bảo vệ tài sản trí tuệ và cấm chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Hơn nữa, mỗi quốc gia có thể tuyên bố lập trường của mình đối với chính sách công nghiệp nhà nước trong một thông cáo chính thức đi kèm với việc ký kết thỏa thuận. Một thông cáo như vậy có thể cụ thể hóa các cơ chế phán xử được sử dụng để buộc các bên liên quan tuân thủ luật pháp nhằm cạnh tranh công bằng.

Tạo dựng một môi trường tích cực

Mỹ và Trung Quốc cần xây dựng một môi trường tích cực hơn để tạo điều kiện cho quá trình đàm phán thương mại. Trong những tuần gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy điều này có thể xảy ra, trong đó có những báo cáo về số lượng đậu nành Trung Quốc đã mua của Mỹ hồi tháng 9/2019.

Mặc dù số lượng này vẫn ở mức thấp song điều đó phần nào tạo điều kiện nhằm giúp Tổng thống Trump "xoa dịu" cơn giận dữ của những người nông dân Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ cũng hoãn tăng thuế 5% ban đầu dự kiến có hiệu lực ngày 1/10 với Trung Quốc, đồng thời miễn thuế cho một số công ty Mỹ bán những thiết bị không nhạy cảm cho Huawei.

Ngoài ra, cả Mỹ và Trung Quốc đều nên coi Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11 ở Santiago là cơ hội cuối cùng để ký kết thỏa thuận.

Sau khi các cuộc đàm phán cấp cao giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer diễn ra vào tháng này, các vấn đề quan trọng nên được nhất trí tại Bắc Kinh vào đầu tháng 11.

Hồi kết nào cho cuộc thương chiến Mỹ - Trung?

Những lợi ích sâu xa của Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình khiến thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đứng trước những cơ hội mới. Tuy nhiên, cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump gần đây ở Mỹ có thể khiến quá trình đàm phán trên "xôi hỏng bỏng không" bởi khi ông Trump trở nên yếu thế, những quyết định được đưa ra sẽ tập trung vào đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc thay vì yêu cầu về các lợi ích kinh tế của Mỹ.

Tuy nhiên, do Tổng thống Trump sẽ không đời nào liều lĩnh đưa nước Mỹ dấn sâu vào nguy cơ của một cuộc suy thoái có thể xảy ra vào năm 2020 nên một thỏa thuận Mỹ - Trung vẫn có nhiều khả năng đạt được.

Hai tháng quan trọng cuối cùng của năm 2019 sẽ quyết định quá trình đàm phán Mỹ - Trung sẽ thành công hay sụp đổ.

Nếu thành công, kết quả này không chỉ là chiến thắng cho cả 2 nước mà còn cả nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nếu thất bại, nguy cơ một cuộc suy thoái ở Mỹ, châu Âu và Australia vào năm tới sẽ tăng cao. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ phải tìm cách xoa dịu tác động này qua các kích thích về tài chính và tiền tệ.

Lựa chọn mà Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt không hề dễ dàng. Với phần còn lại của thế giới, những nguy cơ của một cuộc suy thoái cũng chưa bao giờ cao đến vậy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ông John Bolton mất chức tác động thế nào tới thương chiến Mỹ-Trung?
Ông John Bolton mất chức tác động thế nào tới thương chiến Mỹ-Trung?

VOV.VN - Sự ra đi của một cố vấn có quan điểm cứng rắn như Bolton có thể sẽ khiến Mỹ và Trung Quốc tới gần hơn với một thỏa thuận thương mại và công nghệ.

Ông John Bolton mất chức tác động thế nào tới thương chiến Mỹ-Trung?

Ông John Bolton mất chức tác động thế nào tới thương chiến Mỹ-Trung?

VOV.VN - Sự ra đi của một cố vấn có quan điểm cứng rắn như Bolton có thể sẽ khiến Mỹ và Trung Quốc tới gần hơn với một thỏa thuận thương mại và công nghệ.

Thương chiến Mỹ-Trung: Trump nắm thế chủ động, Trung Quốc đối phó dài hơi
Thương chiến Mỹ-Trung: Trump nắm thế chủ động, Trung Quốc đối phó dài hơi

VOV.VN - Sau nhiều cuộc đàm phán không đạt kết quả và việc Trung Quốc từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ, chiến lược của ông Trump đã có sự thay đổi lớn.

Thương chiến Mỹ-Trung: Trump nắm thế chủ động, Trung Quốc đối phó dài hơi

Thương chiến Mỹ-Trung: Trump nắm thế chủ động, Trung Quốc đối phó dài hơi

VOV.VN - Sau nhiều cuộc đàm phán không đạt kết quả và việc Trung Quốc từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ, chiến lược của ông Trump đã có sự thay đổi lớn.

Vì sao thương chiến Mỹ - Trung vẫn kéo dài?
Vì sao thương chiến Mỹ - Trung vẫn kéo dài?

VOV.VN - Việc thương chiến Mỹ-Trung  kéo dài trong nhiều năm là khó tránh, vì đây là cuộc chiến giữ và giành ngôi vị dẫn đầu thế giới.

Vì sao thương chiến Mỹ - Trung vẫn kéo dài?

Vì sao thương chiến Mỹ - Trung vẫn kéo dài?

VOV.VN - Việc thương chiến Mỹ-Trung  kéo dài trong nhiều năm là khó tránh, vì đây là cuộc chiến giữ và giành ngôi vị dẫn đầu thế giới.

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Không kỳ vọng có đột phá
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Không kỳ vọng có đột phá

VOV.VN - Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục dâng cao bất chấp 2 nước sắp bước vào vòng đàm phán cấp cao tại Washington vào ngày mai (10/10).

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Không kỳ vọng có đột phá

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Không kỳ vọng có đột phá

VOV.VN - Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục dâng cao bất chấp 2 nước sắp bước vào vòng đàm phán cấp cao tại Washington vào ngày mai (10/10).

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung xuất hiện dấu hiệu hạ nhiệt
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung xuất hiện dấu hiệu hạ nhiệt

VOV.VN - Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau 3 ngày Mỹ và Trung Quốc đồng loạt áp đặt mức thuế quan mới đối với hàng hóa của nhau.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung xuất hiện dấu hiệu hạ nhiệt

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung xuất hiện dấu hiệu hạ nhiệt

VOV.VN - Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau 3 ngày Mỹ và Trung Quốc đồng loạt áp đặt mức thuế quan mới đối với hàng hóa của nhau.

Đàm phán Mỹ-Trung: Gấp rút hoàn thành thỏa thuận để ký kết tại Chile
Đàm phán Mỹ-Trung: Gấp rút hoàn thành thỏa thuận để ký kết tại Chile

VOV.VN - Việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận “giai đoạn 1" đã gia tăng triển vọng về việc 2 nước tiến dần đến 1 giải pháp chấm dứt cuộc chiến thương mại.

Đàm phán Mỹ-Trung: Gấp rút hoàn thành thỏa thuận để ký kết tại Chile

Đàm phán Mỹ-Trung: Gấp rút hoàn thành thỏa thuận để ký kết tại Chile

VOV.VN - Việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận “giai đoạn 1" đã gia tăng triển vọng về việc 2 nước tiến dần đến 1 giải pháp chấm dứt cuộc chiến thương mại.